Các đại biểu tham dự nêu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: LĨNH HỒNG
Tại hội thảo diễn ra ở TP.HCM ngày 16-10, bà Quỳnh Anh chứng minh bằng các con số đáng chú ý: 87% phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công; hơn 50% phụ nữ bị bạo lực gia đình không nói với bất kỳ ai...
Bà Quỳnh Anh cho rằng bên cạnh tâm lý e ngại của phụ nữ, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả:
"Những người phụ nữ bị bạo lực gia đình cần sự hỗ trợ ngay lập tức của liên ngành: y tế, công an, tòa án... Tuy nhiên, các dịch vụ dành cho những nạn nhân này lại rất lẻ tẻ, đơn điệu với nhiều tuyến và thủ tục rắc rối", bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Bà Hà Thị Quỳnh Anh chia sẻ về thực trạng bạo lực gia đình hiện nay tại Việt Nam
Ảnh: LĨNH HỒNG
Bên cạnh đó, theo bà Quỳnh Anh, biện pháp dịch vụ cộng đồng thường dùng để hỗ trợ nạn nhân hiện nay là... hòa giải.
"Tuy nhiên, hòa giải nhiều mà không nhìn nhận đúng thực trạng để xử lý triệt để, dẫn đến bế tắc, luẩn quẩn trong vòng bạo lực. Sau những lần hòa giải, bạo lực vẫn xảy ra, nạn nhân không còn thiết tha tìm đến các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng nữa. Họ một mình chịu đựng rồi bế tắc và có thể tìm đến những cách giải quyết rất tiêu cực", bà Quỳnh Anh phân tích.
Hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái và lựa chọn giới tính thai nhi là những biểu hiện chính của bất bình đẳng tại Việt Nam.