Những thiên kiến về phụ nữ nghiên cứu khoa học từ góc nhìn của Giám đốc Quỹ Kovalevskaia

10/05/2018 09:51
  • Print
  • Lượt xem: 2510

GS.TS Ann Hibner Koblitz, Giám đốc Quỹ Kovalevskaia, nhận thấy, những thiên kiến khác nhau xuất phát từ các nền văn hóa khác nhau đã tác động không nhỏ đến sự tham gia và lựa chọn của phái nữ trên khắp thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Theo GS Ann Hibner Koblitz, trước những năm 1960, hầu hết các nhà sử học là nam giới, ở tầng lớp trung lưu với thái độ vô cùng bảo thủ nhận định rằng phụ nữ không bao giờ có vai trò gì khác trong xã hội ngoài việc làm nội trợ và làm mẹ. Do đó, họ có xu hướng gạt bỏ bất kì những bằng chứng nào về sự góp mặt của phụ nữ trong khoa học, công nghệ, y học mà họ tình cờ phát hiện thấy. 

Bà dẫn ra trường hợp nhà toán học nữ Sofia Kovalevskaia: Bà thường xuyên gặp những người tuyên bố rất tự tin và chắc chắn nhưng đầy sai lầm rằng Kovalevskaia không phải là một nhà toán học thực sự mà là chồng hay một nhà toán học nam nào đó đã làm những nghiên cứu mà Kovalevskaia chỉ là người đứng tên.

Đến thời kì “làn sóng nữ quyền lần thứ hai” trỗi dậy vào giữa những năm 1960 đến cuối những năm 1980, những nhà sử học theo chủ nghĩa nữ quyền đã khôi phục lại tên của vô vàn những người phụ nữ vĩ đại trong quá khứ, bao gồm các nhà khoa học và phát minh nữ.

Tuy nhiên, sau bốn mươi năm nghiên cứu về vấn đề này, bà Ann nhận định rằng, lịch sử về sự đóng góp của phụ nữ trong các dự án khoa học và cộng đồng khoa học không đơn giản là một đường thẳng đi từ tăm tối ra ánh sáng mà là một quãng đường nhiều biến động. 

“Có rất nhiều trường hợp mà trong đó phụ nữ thể hiện mình trong một lĩnh vực chuyên biệt nào đó ở thế kỉ 19 mạnh mẽ hơn so với thế kỉ 20 hoặc thế kỉ 20 so với thế kỉ 21. Ví dụ, tỉ lệ nữ giới theo đuổi lĩnh vực y học tại Mỹ trong năm 1900 cao hơn năm 1960; và phần lớn những chương trình khoa học máy tính nâng cao ở Bắc Mỹ và Tây Âu hiện nay chỉ có 20% số người tốt nghiệp là nữ giới trong khi con số này là gần 30% trong năm 1990,” bà viết trong bài báo đăng trên tạp chí Tia Sáng.

Bên cạnh đó, vị thế của người phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ không thể dự đoán dựa vào trình độ phát triển kinh tế, tôn giáo, hệ thống chính trị hay các chỉ số xã hội nào của một quốc gia. Các quốc gia gần gũi về địa lý, có lịch sử và văn hóa tương tự cũng không có nghĩa họ sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển nghề nghiệp tương tự nhau. 

Chẳng hạn, rất ít nữ giới trong hầu hết các ngành khoa học, công nghệ, y học ở Nhật Bản và Singapore trong khi tỉ lệ đó ở Malaysia và Philipines là 30%; Cuba, Mexico và Columbia có một lực lượng đông đảo những người phụ nữ làm khoa học. Cuba có tỉ lệ thành viên nữ trong Viện Hàn lâm Khoa học cao nhất thế giới 27% và con số này là khoảng 20% ở Mexico. Ngược lại, ở đa số các viện hàn lâm khoa học ở Mỹ và châu Âu, tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều, dao động từ 4-15%. 

Bà chỉ ra, các nước khác nhau và các nền văn hóa khác nhau có những thiên kiến khác nhau về sự phù hợp của phụ nữ đối với việc nghiên cứu khoa học. Ở Ý, chẳng hạn, phụ nữ được cho rằng chỉ đặc biệt phù hợp với khoa học lý thuyết chứ không phải là các ngành kĩ thuật. Và ở Iran, toán học được coi là một nghề nghiệp nữ tính. 

Bà cũng chia sẻ một kỷ niệm, năm 1983, khi thăm Đại học Bách Khoa Hà Nội, bà cảm thấy khá thất vọng khi biết rằng chỉ có 8% sinh viên trường là nữ.

Còn gần đây, khi đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bà nhận thấy khu trưng bày dành cho phụ nữ Việt Nam sau 1975, chỉ tập trung vào những chủ đề như đồ thủ công, trang phục, thời trang và các cuộc thi sắc đẹp. “Những khách ngoại quốc tới Bảo tàng chia sẻ với chúng tôi rằng Bảo tàng đưa đến một ấn tượng rằng những phụ nữ Việt Nam đương đại dường như chỉ hứng thú với những thứ “nữ tính” được định nghĩa một cách hẹp hòi và với tư tưởng Khổng giáo về phụ nữ với vai trò làm mẹ và làm vợ đầy cam chịu.” Trong khi bà biết nhiều phụ nữ Việt Nam cũng rất xuất sắc trong những lĩnh vực phi truyền thống.

Bà bày tỏ hi vọng, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ thay thế phần lớn những trưng bày ở tầng bốn bằng những hình ảnh, hiện vật thể hiện vai trò của phụ nữ ngày nay trong khoa học, công nghệ, chính trị, quân đội và những lĩnh vực “phi truyền thống” khác.

Quỹ Sophia Kovalevskaia được thành lập do sáng kiến và sự đóng góp về tài chính của bà GS.TS Ann Koblitz - người Mỹ và chồng bà là GS.TS Neal Koblitz. Bà Ann từng sang Liên Xô học tập, viết luận án tiến sĩ về nhà nữ toán học Nga Kovalevskaia. Sau khi luận án của bà được đánh giá cao và in thành sách, bà đã quyết định dùng số tiền nhuận bút của cuốn sách này và vận động thêm sự ủng hộ của một số nhà khoa học ở Mỹ để lập ra Quỹ Sophia Kovalevskaia.

Hiện Quỹ trao giải hàng năm cho các nhà khoa học nữ xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên ở 8 nước đang phát triển bao gồm: Peru, El Salvador, Nicaragua, Mexico, Cuba, Nam Phi, Mozambic và Việt Nam.



Theo Tia Sáng