Nữ cựu thủ tướng truyền cảm hứng cho phái đẹp dấn thân vào con đường chính trị

12/11/2018 10:25
  • Print
  • Lượt xem: 2400

Bà Helen Clark là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Bà Helen Clark đã giữ vị trí Thủ tướng New Zealand trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1999 đến 2007. Bà còn lãnh đạo UNDP một cách hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em.

Từ trái sang: Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cựu Thủ tướng Helen Clark, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Nguyễn Thị Tuyết, Đại sứ New Zealand Wendy Matthews, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Giám đốc
 

Nhân dịp Cựu Thủ tướng New Zealand sang thăm Việt Nam, tối 7/11, Đại sứ quán New Zealand đã tổ chức buổi tọa đàm “Phụ nữ tham chính và Phụ nữ lãnh đạo”, đồng thời công chiếu bộ phim tài liệu dài 90 phút mang tên “My year with Helen” (Một năm cùng Helen) do nhà sản xuất phim Gaylene Preston thực hiện. Tham gia buổi tọa đàm có Cựu Thủ tướng Helen Clark; Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết.

Bà Helen Clark đã giữ vị trí Thủ tướng New Zealand trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1999 đến 2007. Dưới sự lãnh đạo của bà, New Zealand trở thành một trong những quốc gia đi đầu về các chính sách ngoại giao độc lập, công bằng và mang tính xây dựng cao. Bà Helen Clark được ghi nhận đã cống hiến được nhiều thành tựu cho đất nước trong các lĩnh vực như y tế công cộng, bình đẳng giới, tạo việc làm… Bà đấu tranh để nội các chính phủ dưới thời bà trở nên cân bằng hơn về giới và về sắc tộc. Chính phủ dưới thời bà đã chính thức công nhận ngôn ngữ ký hiệu là một trong ba ngôn ngữ chính thức của New Zealand.
Bà Helen Clark đã giữ vị trí Tổng Giám đốc chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) trong suốt 8 năm liên tiếp từ 2009 đến 2017. Bà là một trong những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Bà Clark lãnh đạo UNDP một cách hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao vị thế cho phụ nữ và trẻ em.

Tại buổi tọa đàm, bà Clark chia sẻ: “Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nhiều thế hệ lãnh đạo. Có 3 phụ nữ từng đứng đầu New Zealand và còn có nhiều phụ nữ quản lý những lĩnh vực trọng yếu, nhiều bộ ngành. Chúng tôi là một trong những quốc gia đầu tiên mà phụ nữ có quyền đi bầu cử. Năm nay New Zealand kỷ niệm 125 năm ngày phụ nữ có quyền bầu cử”.

Theo bà Clark, sau chiến tranh thế giới thứ 2, ở New Zealand không có nhiều phụ nữ theo học chương trình đại học. Tuy nhiên, bà đã quyết tâm phá vỡ rào cản để phát triển sự nghiệp của mình. Cho đến khi tổ chức những chiến dịch tranh cử đầu tiên, nhiều người cũng bảo bà đó là chỗ cho nam giới, chứ không phải cho phụ nữ. Thế nhưng, bà đã phá tan mọi “trần kính” để thành công.Có thế nói, những chia sẻ cá nhân và bộ phim “My year with Helen” đã mô tả sống động quá trình vận động tranh cử của cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark vào vị trí Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Đây là vị trí hoàn toàn nắm bởi nam giới trong lịch sử 70 năm của tổ chức. Bà Helen Clark đã không được lựa chọn vào vị trí danh giá trên nhưng câu chuyện về quá trình vận động tranh cử của bà đã trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho hàng nghìn cô gái trẻ trên thế giới nỗ lực vươn lên những vị trí lãnh đạo.

Chiến dịch tranh cử diễn ra cam go nhưng Helen Clark không hề mệt mỏi đi đến khắp nơi trên toàn thế giới để vận động bầu cử với một phong thái bình tĩnh,tự tin. Bà Helen Clark đã chia sẻ về cuộc đời và suy nghĩ của bà về bình đẳng giới, đặc biệt là những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt. Bà Clark cho rằng, vẫn còn đó những rào cản cho phụ nữ trong hệ thống Liên hợp quốc dù nhiều người công nhận khả năng của họ hay thế giới đã đặt ra nhiều mục tiêu và nỗ lực nhằm kêu gọi cho bình đẳng giới.

Cũng tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Ở đâu có phụ nữ tham gia thì ở đó đạt được nhiều thành tựu. Họ là những nhân tố tạo sự thay đổi tích cực trong xã hội. Phụ nữ cũng là một nguồn lực dồi dào và mạnh mẽ. Ngay trong từng gia đình, cộng đồng, phụ nữ đã đưa ra những quyết định sáng suốt. Phụ nữ sinh ra có những phẩm chất nhẹ nhàng, khéo léo nên họ có thể là tác nhân giảm bớt mọi căng thẳng trong xã hội, trên chính trường và đóng góp nhiều cho xã hội. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức, chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hãy tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển, nâng cao vị thế của mình và càng có nhiều phụ nữ làm lãnh đạo hơn. Bản thân mỗi phụ nữ cũng nên dũng cảm đứng lên và gỡ bỏ những rào cản”.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh, trong thời đại kỹ thuật số, phụ nữ làm lãnh đạo sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn. Phụ nữ phải có chí tiến thủ, theo đuổi ước mơ, vượt qua mọi trở ngại. Để thành công, chị em cần trau dồi tri thức, học hỏi công nghệ số để vận dụng trong công việc, tham gia các lớp tập huấn, diễn đàn mở để tăng cơ hội tương tác, kết nối để có thêm năng lực quản lý, lãnh đạo.

Theo: pnvn