Tình hình công tác cán bộ nữ tại Hải Phòng

23/10/2017 11:12
  • Print
  • Lượt xem: 3052

Tình hình công tác cán bộ nữ tại Hải Phòng. Từ khi thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hàng trăm lượt cán bộ nữ Hải Phòng được luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt, giới thiệu ứng cử các chức vụ quan trọng hàng năm chứng tỏ chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới…

Nở rộ những bông hoa đất Cảng

Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ tại TP Hải Phòng luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhờ đó đội ngũ cán bộ nữ đã và đang phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng. Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay đã có trên 100 lượt cán bộ nữ được luân chuyển, bổ nhiệm, đề bạt giới thiệu ứng cử các chức vụ lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các ban, ngành, đoàn thể.

Có thể kể đến đồng chí Đỗ Thanh Lê – Chủ tịch Hội LHPN TP giữ chức Bí thư quận ủy Lê Chân; đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương – Phó chủ tịch Hội LHPN TP giữ chức Phó chủ tịch thường trực UBMTTQVN thành phố; chị Nguyễn Thị Thảo – Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Động giữ chức Bí thư Đảng ủy xã…

Đồng chí Phạm Hải Yến - Chủ tịch Hội LHPN TP trao đổi về công tác cán bộ nữ

Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các cấp có chuyển biến tích cực: 10/16 cơ quan chuyên môn của UBND thành phố đã bổ nhiệm lãnh đạo là nữ; 36 cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo ở các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố; 7/15 quận, huyện có cán bộ nữ tham gia trong ban lãnh đạo; bên cạnh đó tỷ lệ phụ nữ được đề bạt giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thành phố đạt cao: như tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 11,1%; nữ đại biểu HĐND TP đạt 13,4%; nữ đại biểu HĐND xã, thị trấn là 21,57%…

Những con số biết nói trên cho thấy năng lực đội ngũ cán bộ nữ thành phố ngày càng được nhìn nhận đúng đắn, đánh giá khách quan. Nhiều chị em đã có cơ hội để khẳng định tài năng, bản lĩnh trong công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, thực tiễn công tác cho thấy một trong những ưu thế của đội ngũ cán bộ nữ là khi được giao nhiệm vụ, thường tận tâm, trách nhiệm cao, có ý thức với công việc. Nhờ sự mềm dẻo, linh hoạt khi xử lý công việc, biết cách vận động, tập hợp lực lượng nên cán bộ nữ thường tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao.

Ghé thăm quận Ngô Quyền, một trong những địa bàn có tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cao, chúng tôi được biết, thời gian qua chất lượng đội ngũ cán bộ nữ của quận không ngừng được nâng lên cả về năng lực công tác, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và cơ cấu độ tuổi. Đồng chí Trưởng ban tổ chức Quận ủy Ngô Quyền phấn khởi cho biết: cho đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của quận Ngô Quyền là 221 cán bộ, trong đó lượng cán bộ nữ chiếm 60%. Riêng trong hệ thống chính trị quận là 129 đồng chí, trong đó có 47 nữ đạt tỷ lệ 36,4%; tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch qua các nhiệm kỳ của quận Ngô Quyền đều có tỷ lệ cao so với quy định của Trung ương, thành phố…

Ngoài quận Ngô Quyền thì công tác đào tạo, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ của quận Hồng Bàng cũng là một điểm sáng. Theo số liệu thống kê của Ban tổ chức quận ủy Hồng Bàng: trong danh sách quy hoạch cán bộ diện Quận ủy quản lý có 22/79 nữ chiếm 27,8%; hiện nay cán bộ nữ tham gia cấp ủy cơ sở trong toàn Đảng bộ quận là 139/525 chiếm 26,5%, Ban Chấp hành Đảng bộ quận 10/41 chiếm 24,3%… Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ thường xuyên được chú trọng; công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên, nhất là đảng viên nữ để tạo nguồn cán bộ nữ cho quận và cơ sở luôn được Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng cơ sở thực hiện tốt.

Do chất lượng công tác cán bộ nữ trên địa bàn quận không ngừng được nâng cao nên từ đó xuất hiện nhiều gương cán bộ nữ nổi bật trong công tác chuyên môn. Điển hình là chị Nguyễn Thị Thu – Chủ tịch hội LHPN phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) – là một tấm gương được nhiều người biết đến nhờ sự năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

Chị Thu luôn tâm niệm: “Nữ cũng như nam, khi được giao nhiệm vụ đều cố gắng hoàn thành, không thể vì mình là nữ để giảm bớt việc; ngược lại phải tích cực hơn để cho mọi người thấy nữ không hề thua kém nam giới.” Đặc biệt, năm 2014, chị Thu đã giành giải Nhất trong vòng chung kết hội thi Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở giỏi nhờ sáng kiến “Xây dựng điển hình và nhân rộng mô hình Tổ phụ nữ 3 Tốt: Tiết kiệm tốt – Tương trợ tốt – Nuôi dạy con tốt”.

Hay như các chị Nguyễn Bích Hòa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Minh Khai; chị Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Muối Khánh Vinh là hai nữ doanh nhân tiêu biểu được tặng Cúp Bông hồng Vàng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2014….

Không chỉ ở hai địa bàn Ngô Quyền và Hồng Bàng, thực tế cũng cho thấy, nơi đâu có cán bộ nữ, nơi đó các hoạt động, phong trào thi đua đều diễn ra phong phú, đa dạng và sôi nổi, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, đáng chú ý như mô hình Bếp ăn tập thể của Hội phụ nữ CATP; Tổ phụ nữ 3 tiết kiệm (Hội LHPN quận Lê Chân); CLB Phụ nữ trồng rau an toàn: Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang (Hội LHPN huyện Thủy Nguyên); Công trình sản phẩm nuôi ong mật (Hội LHPN huyện Tiên Lãng)…

Sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước đang tạo ra môi trường mới cho sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ. Những kết quả nổi bật trong công tác cán bộ nữ của thành phố đã được ghi nhận. Song trên thực tế vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức.

Vẫn chưa chú trọng đúng mức khả năng, vai trò cán bộ nữ

Có thể thấy, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo ở các ngành, các cấp vẫn còn hạn chế, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Những con số cụ thể chỉ ra, ở cấp thành phố, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy giảm theo tưng nhiệm kỳ: giai đoạn 1996-2000 có 13,2% ủy viên nữ; giai đoạn 2001-2005 có 10,6%, giai đoạn 2005-2010 là 10,2% và giai đoạn 2010-2015 chỉ có 7,27%.

Cán bộ nữ được bầu, bổ nhiệm vào chức danh Thành ủy quản lý từ năm 2004 đến nay còn thấp, mới khoảng 11,8% – 13,7%. Số lượng nữ cán bộ, công chức trong các ngành và các cơ quan nghiên cứu khoa học có tỷ lệ thấp, rất hiếm nữ cán bộ công chức làm lãnh đạo trong lĩnh vực quản lý kinh tế, khoa học.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ nhiều phía, song chủ yếu vẫn do việc coi nhẹ trong đánh giá vai trò, khả năng can bộ nữ ở một số cấp ủy. Trong báo cáo tổng kết công tác cán bộ nữ năm 2014 của Hội LHPN thành phố cũng đã chỉ ra rằng lãnh đạo một số ngành, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của Nghị định 19 của Chính phủ về “Quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước”, do đó việc triển khai Nghị định hầu như vẫn giao khoán cho Hội.

Một số nguyên nhân khác được đề cập tới như hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố cũng như một số quận, huyện còn hạn chế; vai trò tham mưu, đề xuất của Hội với cấp ủy về công tác cán bộ nữ còn thụ động, thiếu quy định cụ thể; hoạt động của các cấp Hội phụ nữ tuy đã có đổi mới nhưng vẫn thiếu tính liên hiệp của các tổ chức Hội; việc tập hợp nữ thanh niên trí thức, tôn giáo, nữ lao động trong các doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn. Về nguyên nhân chủ quan, trình độ, năng lực và tư duy của một số cán bộ Hội chủ chốt dường như vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, một sô cán bộ hội còn thiếu ý chí vươn lên trong rèn luyện, học tập…

Tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực

Nhằm sớm khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ nữ nêu trên, xây dựng một đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới, bà Phạm Hải Yến – Chủ tịch Hội LHPN TP cho biết: Thời gian tới Hội LHPN thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chương trình hành động về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong quan điểm, nhận thức đối với vấn đề cán bộ nữ.

Cũng theo bà Phạm Hải Yến, trước mắt cần khẩn trương tiến hành khâu rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ hiện có; chủ động phát hiện cán bộ nữ trẻ có phẩm chất, năng lực, trình độ và triển vọng phát triển bổ sung vào quy hoạch, cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị, luân chuyển, bổ nhiệm và giới thiệu ứng cử giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ tới, ngoài ra đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia các khoá đào tạo lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách tạo điều kiện cho cán bộ nữ làm việc, nhất là cán bộ nữ đang công tác ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, chăm lo bồi dưỡng và khuyến khích tài năng nữ phát triển. Chủ động đề xuất các giải pháp tạo nguồn, phát triển đội ngũ cán bộ nữ, giới thiệu để cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị bổ sung quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ đã và đang tích cực triển khai đồng bộ một số đề án quan trọng như “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp giai đoạn 2013-2016” và “Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội phụ nữ cơ sở giai đoạn 2013- 2016”. Đây được coi là khâu then chốt trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới tại Hải Phòng.

Thông qua 2 đề án, Hội LHPN thành phố đã kết hợp với Học Viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Chính trị Tô Hiệu và các ngành chức năng tổ chức 03 lớp bồi dưỡng Người đứng đầu các tổ chức chính trị xã hội cho 213 Chủ tịch Hội LHPN cơ sở; 01 lớp sơ cấp nghiệp vụ phụ vận cho 70 đồng chí là chủ tịch, nguồn chủ tịch Hội LHPN các xã/phường/thị trấn.

Hàng năm, 100% cán bộ chuyên trách các cấp và đội ngũ chi Hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác. Cùng với trang bị kiến thức, Hội còn triển khai các khóa tập huấn kỹ năng giám sát, kỹ năng vận động hành lang, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng lập kế hoạch hành động… giúp đội ngũ cán bộ Hội tự tin, chủ động, sáng tạo trong công việc.

Song song với công tác đào tạo, Hội LHPN thành phố còn đa dạng hóa các hình thức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội thông qua tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn thúc đẩy phụ nữ tham gia hoạt động chính trị. Quy định chế độ đi cơ sở của cán bộ Hội phụ nữ các cấp theo phương châm “3 được, 4 rõ” nhằm giúp cơ sở tổ chức các hoạt động, phát hiện các vướng mắc khó khăn của cơ sở, đồng thời nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ, khắc phục hành chính hóa. Và quan trọng hơn cả, cán bộ nữ cũng cần có sự bứt phá trong công tác, có tinh thần trách nhiệm cao và nỗ lực, phấn đấu để vươn lên.

Hơn ai hết chị em cần chủ động học tập nâng cao kiến thức, năng lực công tác, nhạy bén tiếp thu cái mới, cái hay, trau dồi phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, tận tụy với công việc để chứng minh, khẳng định được năng lực của mình trong lĩnh vực mình công tác, góp phần không ngừng nâng cao vai trò, vị trí của phụ nữ Hải Phòng.

Theo ANHP