Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại tọa đàm
Ngày 8/5 tại Hải Phòng, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ. Hơn 50 đại biểu đến từ đại diện lãnh đạo cấp vụ Ban tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng và lãnh đạo 28 tỉnh/thành, đơn vị Hội LHPN tham gia tọa đàm.
Toạ đàm chia sẻ kinh nghiệm công tác cán bộ nữ do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế, Giáo dục và phát triển hải ngoại (Tổ chức APHEDA) tổ chức. Chủ trì buổi Toạ đàm là bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và bà Hoàng Thị Lệ Hằng - Giám đốc Quốc gia APHEDA Việt Nam.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong công tác cán bộ nữ được xác định tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Kết luận số 55 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, Luật Bình đẳng giới, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015...
Trong các văn bản này đã quy định Hội LHPN có vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ như: Phối hợp với Ban Tổ chức TƯ đề xuất việc bổ sung hoàn thiện quy định về công tác cán bộ nữ tuân thủ đúng quy định của Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng, trình Chính phủ ban hành, hướng dẫn và thực hiện quy định về quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, tỷ lệ nữ để bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan Nhà nước, rà soát, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định về tuổi bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ công chức viên chức.
Hội LHPN quan tâm đến công tác giới thiệu phụ nữ ứng cử viên ĐBQH, HĐND, tham gia quản lý lãnh đạo trong các cơ quan của hệ thống chính trị; Tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; Phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết và đánh giá thực hiện công tác cán bộ nữ.
Từ những quan điểm, chủ trương đó, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động, có nhiều điểm mới, sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác cán bộ nữ góp phần để có một số kết quả: Tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 cấp tỉnh đạt 13,3%, cấp huyện 14,3%, cấp cơ sở 19,69%, đều tăng so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cả 3 cấp đều đạt trên 26%; tỷ lệ nữ ĐBQH sau 3 nhiệm kỳ giảm liên tiếp đã đạt 26,72% (tăng hơn 2%) cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á (19,9%) và toàn thế giới (24,3%).
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương hiện nay, so với chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ; nguồn cán bộ nữ còn thiếu, ở một số lĩnh vực tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm; một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ cấp ủy dưới 10%, thậm chí chưa có nữ ĐBQH và nữ trong Ban Thường vụ cấp ủy; khoảng 50% các cơ quan bộ, ngang bộ, chưa có nữ lãnh đạo chủ chốt.
Cũng theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, nguyên nhân của những hạn chế này chủ yếu là do nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới; về vai trò, năng lực của phụ nữ có nơi còn hạn chế; một số ít cấp ủy còn định kiến, khắt khe, thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ; còn biểu hiện coi công tác phụ nữ là trách nhiệm của Hội LHPN và Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; một số chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ nữ chưa kịp thời và thiếu đồng bộ như tuổi nghỉ hưu liên quan đến tuổi quy hoạch, bổ nhiệm, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ nữ…
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các khâu trong công tác cán bộ còn những bất cập như chất lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch chưa cao, chủ yếu đưa vào cho đủ số lượng, vì vị trí công tác của cán bộ nữ khi đưa vào quy hoạch cấp ủy chủ yếu là cấp phó hoặc cấp trưởng song thuộc ngành không cơ cấu cấp ủy; tỷ lệ 30% trở lên cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo tại Trường chính trị và Quản lý Hành chính nhà nước chưa được đạt; thiếu sự kiểm tra, đôn đốc của các cấp ủy Đảng trong công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ; công tác cán bộ nữ chưa có tính chiến lược lâu dài và thiếu tính đột phá….
Hội LHPN các cấp tham gia công tác cán bộ nữ còn hạn chế, chưa thực hiện được đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Nghị quyết 11 – NQ/TW và Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư.
Một bộ phận cán bộ nữ còn biểu hiện tự ti, an phận, hẹp hòi, chưa có ý chí phấn đấu vươn lên, chưa sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được luân chuyển xuống cơ sở hoặc sang lĩnh vực công tác khác; với thiên chức làm mẹ, một số chị em chưa được sự chia sẻ, cảm thông, động viên của nam giới cũng như sự ủng hộ của gia đình và người chồng khi tham gia công tác. …
Tại tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cán bộ nữ, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện công tác cán bộ nữ của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; những nội dung mới liên quan tới cán bộ, công chức, viên chức nữ trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức, viên chức; những phát hiện về khoảng cách giới trong một số văn bản về công tác cán bộ…
Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cho biết, những ý kiến chia sẻ của các đại biểu tại tọa đàm là một trong những cơ sở để TƯ Hội kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, cấp ủy Đảng các cấp có các chỉ đạo, giải pháp cụ thể đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XV và tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nguồn: http://phunuvietnam.vn