Sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ là nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển

21/11/2019 09:17
  • Print
  • Lượt xem: 16949

Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại cuộc gặp mặt các lãnh đạo và đại biểu Quốc hội nữ vào chiều nay (20/11), tại trụ sở Chính phủ.

Thủ tướng gặp mặt lãnh đạo và đại biểu Quốc hội nữ -  Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tham dự gặp mặt có 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, cùng Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Cùng dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trần Thanh Mẫn; các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng nêu rõ, ngày nay, sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành đang trở thành nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng... hướng tới văn minh, thịnh vượng.

Ở cấp độ toàn cầu, tại nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, phụ nữ đã được tin tưởng bầu vào những chức vụ cao, trọng trách lớn, như bà Angela Merkel, thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức 4 nhiệm kỳ; bà Sophie Wilmes, nữ Thủ tướng đầu tiên của Bỉ (2019), bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch (2019), bà Lagarde, nguyên Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và bây giờ là Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Myanmar… Nhiều nhà lãnh đạo nữ với tố chất và bản tính mềm dẻo, khéo léo nhưng quyết đoán đã giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng một cách linh hoạt và hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc và đóng vai trò quốc tế.

Ở Việt Nam, bất kỳ thời đại nào cũng xuất hiện những nữ lãnh đạo lừng lẫy, những nữ anh hùng của dân tộc, có công lớn trong việc gìn giữ chủ quyền, độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Đó là các Hai Bà Trưng, Lê Chân, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định...

Hàng ngàn năm qua, người Việt chúng ta không bao giờ quên lời tuyên thệ của bà Triệu Thị Trinh cách đây 1.800 năm khi mới 19 tuổi: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, dựng nền độc lập, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người". Đó là một trong những tuyên ngôn tiêu biểu, đại diện cho trí tuệ, bản lĩnh, lòng yêu nước nồng nàn và phẩm giá cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Đó là sức mạnh truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

“Người ta nói phụ nữ là phái yếu, nhưng tôi nghĩ phụ nữ Việt Nam lại đặc biệt là những người nhẫn nại, can đảm, giàu trí tuệ cảm xúc, đức hy sinh và rất mạnh mẽ, nhất là mỗi khi đối diện với khó khăn, nghịch cảnh; thậm chí nhiều người trở thành tấm gương sáng cho nam giới học tập” Thủ tướng chia sẻ. Thủ tướng cho biết, gần đây ông có gửi thư động viên hai cháu có nghị lực phi thường: Cô bé Hoàng Oanh 13 tuổi, mẹ mất từ năm lên 6 tuổi, không có bố; bản thân lại mất một chân vì tai nạn giao thông nhưng đã nỗ lực vượt khó, tự lập vươn lên, là học sinh ngoan, giỏi liên tục nhiều năm; và em Thủy Tiên, sinh viên 19 tuổi của ĐH Ngoại thương Hà Nội, mặc dù bị ung thư nhưng tâm thế vô cùng lạc quan và mạnh mẽ, là nguồn sức mạnh tinh thần, là sự an ủi, động viên lớn của bố mẹ trong lúc khó khăn chứ không phải ngược lại.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, chúng ta có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 Ủy viên Bộ Chính trị là nữ. Trong số gần 500 đại biểu Quốc hội, có trên 27% là đại biểu nữ, một tỉ lệ khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Ở cấp tỉnh có 7 Bí thư, 14 Phó Bí thư, 8 Chủ tịch, 31 Phó Chủ tịch HĐND, 18 Phó Chủ tịch UBND cùng nhiều nữ cán bộ đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Chỉ số nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 27,8% năm 2017, cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng. Theo Thủ tướng, đây là minh chứng sinh động cho công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở nước ta.

“Tôi biết nhiều nữ ĐBQH, nữ lãnh đạo, ngoài công việc bận rộn thì vẫn dành thời gian chăm lo cho gia đình và tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, xã hội...”, Thủ tướng bày tỏ. Trên nghị trường, vai trò và đóng góp của các nữ ĐBQH cũng rất sôi nổi và quan trọng. Rất nhiều sáng kiến của nữ ĐBQH nêu trên diễn đàn Quốc hội được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp thu và thể chế hóa thành những quy định và chính sách.

Hơn 1/2 dân số Việt Nam là nữ, tương đương với 1/2 lực lượng lao động của cả nước. Vì vậy, việc phát huy vai trò phụ nữ có ý nghĩa rất quyết định đối với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các cộng đồng, giữa các vùng miền và địa phương cũng như tầm nhìn về một nước Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Thủ tướng khẳng định lại quan điểm, chúng ta phát triển bao trùm để không một người dân nào, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, bị bỏ lại phía sau. Là một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng phát triển, thúc đẩy tiến bộ, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm các quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, cho dù ở thành thị hay nông thôn, biên giới, hải đảo, người Kinh hay vùng đồng bào các dân tộc thiểu số...
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng cho biết, sẽ sớm ban hành Chỉ thị về việc về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gia đình khó khăn, làm những công việc có tính chất thương mại (ví dụ phục vụ quán ăn, bốc vác, làm thuê, v.v…). “Quyết tâm của Chính phủ là không để một trẻ nào phải lang thang kiếm sống để rồi bị lạm dụng, bị xâm hại… Chính phủ sẽ hành động kiên trì và quyết liệt, phối hợp cùng các bộ, ngành và địa phương để hiện thực hóa mục tiêu và quyết tâm này”, Thủ tướng khẳng định.

Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ mong muốn với các nữ ĐBQH, các đồng chí nữ lãnh đạo luôn đồng hành, ủng hộ Chính phủ thực hiện các chiến lược, giải pháp, biện pháp cụ thể phát triển đất nước, đặc biệt đóng vai trò tích cực hơn trong việc thực hiện có hiệu quả các luật như Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em và pháp luật liên quan khác. Phát huy hơn nữa vai trò đề xuất chính sách, giám sát thực thi chính sách, pháp luật về các lĩnh vực then chốt như y tế, giáo dục, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm quyền cho phụ nữ, trẻ em.

Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá, kiểm tra, tập trung vào những lĩnh vực nổi cộm xã hội quan tâm, nhất là các vấn đề các nữ đại biểu có sự thấu hiểu hơn và quan tâm đặc biệt như an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các đồng chí nữ đang giữ vai trò quản lý, điều hành tại cơ quan Trung ương, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng sẽ tiếp tục có những chương trình cụ thể, sáng kiến cụ thể để góp phần giải quyết những bài toán hóc búa xã hội đang đặt ra hiện nay cho chúng ta, Thủ tướng bày tỏ mong muốn.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan có văn bản cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu về các vấn đề các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND quan tâm khi có yêu cầu.

Đề xuất sáng kiến hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách về an toàn, an sinh cho phụ nữ và trẻ em và tổ chức thực thi thiết thực, hiệu quả.

Các bộ ngành, địa phương phải đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực trong gia đình, trong học đường, trong bệnh viện; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của phụ nữ và trẻ em. Gia đình, nhà trường và xã hội cùng có trách nhiệm trong việc giáo dục những mầm non nên người có ích cho đất nước.

Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, các cá nhân, các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với Chính phủ, Quốc hội trong việc thực hiện các mục tiêu vì sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, vì bình đẳng giới và phát triển bền vững.

“Châm ngôn có câu: Phía sau thành công của người đàn ông luôn có hình bóng người phụ nữ. Còn phía sau thành công của người phụ nữ, theo tôi, có lẽ cũng là người phụ nữ. Như thế, phụ nữ là những người rất nghị lực và mạnh mẽ. Người phụ nữ Việt Nam, càng đặc biệt nghị lực, mạnh mẽ”, Thủ tướng nói và kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời dịch bài thơ của Maksim Gorky mà ông từng đọc tại cuộc đối thoại với Phụ nữ nhân Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/2017) “Đời vắng mẹ hiền, không phụ nữ. Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại cuộc gặp mặt, các nữ đại biểu Quốc hội phát biểu, đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, với kết quả tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, trong đó 12/12 chỉ tiêu năm nay sẽ đạt và vượt. Các nữ đại biểu bày tỏ ấn tượng về việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nữ đại biểu, qua đó, “cho chúng tôi thêm niềm tin, bản lĩnh, thẳng thắn” trong thực hiện nhiệm vụ cử tri giao, như phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Một số ý kiến đề xuất Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục quan tâm việc tăng tỉ lệ phụ nữ là bộ trưởng, thứ trưởng trong nhiệm kỳ tới; tiếp tục quan tâm công tác bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số; Chính phủ sớm có chương trình hành động, đưa các luật, đề án mà Quốc hội vừa thông qua đi vào cuộc sống như Bộ luật Lao động sửa đổi, Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn…

Nguồn: baochinhphu.vn