|
Gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII |
Từ thực trạng...
Tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cũng như HĐND không chỉ là yêu cầu của Đảng, mà còn là mong muốn của giới nữ, của cả xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách, điều luật để tạo thuận lợi nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, Quốc hội và HĐND nói riêng. Tuy tỷ lệ phụ nữ tham chính đã tăng lên so với trước nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ.
Những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn được cơ quan các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo; chất lượng, số lượng đội ngũ từng bước được nâng lên. Nhiều chương trình hành động tại các địa phương được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị, trong đó có các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường công tác phụ nữ đến năm 2020; nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị nói chung, Quốc hội và HĐND các cấp nói riêng.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt ra chỉ tiêu ít nhất 35% đại biểu Quốc hội và HĐND là nữ trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ năm 2011-2016. Tuy nhiên, nữ chỉ chiếm 24,4% tổng số đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này, giảm gần 3% kể từ năm 2002. Ngay ở các cấp thấp hơn, tỷ lệ nữ tham gia cũng cách chỉ tiêu khá xa. Cụ thể là, tỷ lệ nữ trong số những người được bầu cử HĐND tại cấp tỉnh là 25,7%, cấp huyện là 24,6% và ở cấp cơ sở là 27,7%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có tăng so với nhiệm kỳ trước nhưng so với mục tiêu Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn một khoảng cách khá lớn, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội có xu hướng giảm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó rõ rệt nhất là định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội. Quan niệm cho rằng nam giới độc lập, mạnh mẽ, có năng lực và ra quyết định tốt hơn, khả năng thu thập thông tin, phân tích xử lý, chất vấn và trả lời chất vấn, chịu áp lực tốt hơn nữ giới trong vai trò đại biểu HĐND; trong khi phụ nữ gắn với việc sinh đẻ, chăm sóc con cái, gia đình, ít có thời gian cho công việc và khả năng xử lý tình huống công việc kém hơn nam giới. Định kiến giới cũng ảnh hưởng đến cách nhìn của người ra quyết định đối với việc bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong bộ máy, dẫn đến việc cán bộ nữ ít nằm trong quy hoạch đội ngũ lãnh đạo kế cận. Chịu áp lực làm việc nhà, do vậy phụ nữ không có thời gian để mở rộng các mối quan hệ xã hội để làm tốt vai trò lãnh đạo cũng như đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như độ tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam có trách nhiệm hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Trong bầu cử, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử để vận động bầu cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND.
Như vậy, trong giới thiệu ứng cử và tự ứng cử, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan. Việc giới thiệu số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của các cơ quan, đơn vị (với người được giới thiệu ứng cử). Kinh nghiệm cho thấy, trong quá trình giới thiệu người ứng cử là nữ, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy, công đoàn, nữ công rất quan trọng. Một khi các chủ thể này nhận thức đầy đủ quan điểm về bình đẳng giới thì sẽ giới thiệu cho MTTQ những người không những bảo đảm đủ tiêu chuẩn nói chung theo quy định của pháp luật về bầu cử, mà còn là những người nổi trội, xuất sắc trong tập thể, trong danh sách những người được giới thiệu (kể cả nam giới). Chỉ như vậy thì MTTQ mới có điều kiện để hiệp thương, lựa chọn người ứng cử là nữ vừa đủ điều kiện, vừa nổi trội đưa vào danh sách ứng cử.
Tuy nhiên, trước đó phải kể đến vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thường trực HĐND các cấp trong dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Thực tiễn quá trình hiệp thương thời gian qua cho thấy, nếu ngay từ bước dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đã có sự quán triệt tốt vấn đề bình đẳng giới thì sẽ tạo điều kiện cho các bước tiếp theo thực hiện tốt chủ trương này.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai của MTTQ, quá trình tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác đối với người ứng cử về cơ bản không có gì vướng mắc hay có sự phân biệt theo hướng bất lợi cho người ứng cử là nữ. Thậm chí trong thực tiễn ở khâu này, người ứng cử là nam giới thường có chỉ số tín nhiệm thấp hơn so với người ứng cử là nữ giới ở các hội nghị cử tri nơi cư trú.
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba quyết định lập danh sách chính thức những người ứng cử, lúc này những người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử đã trải qua các bước lấy phiếu tín nhiệm của nơi cư trú và nơi công tác, đồng thời đã qua giai đoạn xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có). Do vậy, danh sách (sơ bộ) những người ứng cử lúc này đã khá rõ ràng. Hồ sơ của mỗi người đều đã có biên bản về tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác; kết luận về khiếu nại, tố cáo (nếu có). Đây là những cơ sở quan trọng nhất để Hội nghị hiệp thương của MTTQ xem xét, lựa chọn, lập danh sách chính thức người ứng cử, tự ứng cử. Người có chỉ số tín nhiệm thấp (dưới 50%); người qua xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền rõ ràng là có sai phạm thì dù là nam hay nữ đều không đưa vào danh sách những người ứng cử.
Đối với người ứng cử là nữ, một trong những kinh nghiệm của nhiều địa phương là phải dự kiến số lượng phụ nữ ứng cử một cách rộng rãi ngay từ hiệp thương lần thứ nhất để lựa chọn dần, đến hội nghị hiệp thương lần thứ ba số đại biểu nữ vẫn bảo đảm một tỷ lệ thích hợp và kết quả trúng cử không chỉ đáp ứng được chỉ tiêu đề ra mà còn có khả năng cao hơn.
Mặc dù Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã có những quy định mang tính định hướng về tỷ lệ đại biểu Quốc hội, HĐND là nữ, nhưng trong thực tế còn có khoảng cách khá xa so với yêu cầu. Vì thế, mong muốn của nhiều phụ nữ là các văn bản pháp luật về bầu cử và chỉ thị của Trung ương Đảng cần quy định về tỷ lệ nữ trong Quốc hội và HĐND là chỉ tiêu bắt buộc; đồng thời các cơ quan, tổ chức hữu quan trong đó có MTTQ Việt Nam cần có các biện pháp thích hợp, có quyết tâm cao để thực hiện yêu cầu này.
... Đến giải pháp
Thứ nhất, cần định hướng rõ ràng về chủ trương bình đẳng giới trong quá trình tổ chức bầu cử. Quán triệt và nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị trong giới thiệu người ra ứng cử về bình đẳng giới (từ khâu dự kiến đến khâu bầu cử).
Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử cần quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới. Theo đó, các cơ quan, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là những nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ. Bảo đảm cân bằng về giới khi phân bổ số lượng các ứng cử viên, các ứng cử viên nữ không “gánh” quá nhiều cơ cấu.
Thứ ba, trong quá trình giới thiệu người ứng cử của các cơ quan, đơn vị cần có sự thống nhất cao giữa người đứng đầu với cấp ủy, công đoàn, nữ công (nếu có) về số lượng, chất lượng người được giới thiệu ứng cử. Việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, có vị trí chức danh tương đương nhau, khắc phục tình trạng giới thiệu cơ cấu nữ với nghĩa làm “đệm” cho nam hoặc cho cán bộ lãnh đạo.
Thứ tư, trong quá trình hiệp thương, ủy ban MTTQ các cấp phải quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới, bảo đảm những phụ nữ đủ tiêu chuẩn đều được xem xét đưa vào danh sách chính thức ứng cử.
Thứ năm, trong quá trình vận động bầu cử, các cơ quan truyền thông cần có sự bình đẳng trong tuyên truyền, vận động giữa người ứng cử là nữ với người ứng cử là nam. Việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử cũng phải tiến hành bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với người ứng cử là nữ. Ở giai đoạn này, vai trò của hội phụ nữ các cấp rất quan trọng, ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng vận động tranh cử cho các nữ ứng cử thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình bầu cử. Đối với người ứng cử, chị em phải hết sức tự tin, tuyệt đối không bao giờ tự cho rằng mình chỉ là “đệm” cho người khác, dẫn đến buông xuôi, làm cho qua chuyện, mà phải quyết tâm khẳng định mình và thuyết phục cử tri.
Thứ sáu, trong quá trình bầu cử, đây là công đoạn ít người chú ý để theo dõi, giám sát, song lại là yếu tố quyết định của mỗi cuộc bầu cử. Qua theo dõi các cuộc bầu cử gần đây cho thấy việc bầu hộ, bầu thay có tác dụng rất không tốt đến kết quả bầu cử, đặc biệt không có lợi cho người ứng cử là nữ. Chúng ta đều biết một quan niệm khá phổ biến ở nông thôn, đó là “việc nhà là của phụ nữ, việc xã hội là của đàn ông”. Vì thế, trong bầu cử ở hầu hết các địa phương, người đi bầu hộ, bầu thay chủ yếu là nam giới; tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” đã ảnh hưởng, chi phối đến việc bỏ phiếu. Vì vậy, cần vận động đông đảo các nữ cử tri đi bầu cử, đồng thời giám sát chặt chẽ việc bầu cử, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bầu hộ, bầu thay.
Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được tổ chức trong một ngày. Để thực hiện tốt chủ trương này, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND để trong một thời gian ngắn, lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Đồng thời, thể hiện một cách đầy đủ nhất tư tưởng bình đẳng giới, góp phần làm cho những tư tưởng cao đẹp về bình đẳng giới được thể hiện một cách sinh động và hiệu quả.
Phan Anh