Thiếu cơ hội tiếp cận nghề nghiệp
Tại hội thảo “Thực tiễn và chính sách về việc làm bền vững phụ nữ nhập cư” do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam và Plan International Việt Nam tổ chức ngày 28-3, TS Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), chia sẻ một kết quả khảo sát thị trường việc làm cho lao động nữ nhập cư tại Hà Nội. Chương trình thực hiện vào năm 2017, với sự tham gia của 50 doanh nghiệp và 256 lao động nữ nhập cư.
Kết quả cho thấy, đa số lao động nữ nhập cư đang làm việc trong các khu vực kinh tế phi chính thức và chưa được được đào tạo kỹ năng nghề. Phần lớn họ làm việc ở khu vực phi chính thức chưa được đào tạo nghề chính quy, hoặc chỉ học nghề thông qua vừa học vừa làm, không biết ngoại ngữ, thiếu kỹ năng tin học, kỹ năng giải quyết vấn đề, cũng như giao tiếp còn hạn chế.
Một bộ phận lao động nữ di cư đã có kinh nghiệm làm việc và trình độ tay nghề nhất định, nhưng do chưa có bằng cấp hay chứng chỉ nên những kỹ năng đó đã không được công nhận chính thức trên thị trường lao động. Họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và trả lương. Trên thực tế, lao động nữ chưa qua đào tạo nhận mức lương thấp hơn đáng kể so với lao động qua đào tạo (4,8 triệu so với 6,1 triệu đồng/tháng). Mức thu nhập ấy chỉ đủ để trang trải cho các nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Chị Mai Thị Dung, 28 tuổi, quê Thanh Hóa, đang làm việc tại một công ty tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội, chia sẻ, hai vợ chồng đều làm công nhân. Tiền lương chỉ đủ thuê nhà và trang trải cuộc sống. Hai con nhỏ phải gửi về quê cho người nhà chăm sóc.
Theo ông Nguyễn Quang Việt, lao động nữ di cư gặp phải nhiều vấn đề an sinh xã hội không được bảo đảm. Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu đã tổng kết, có khoảng 70% không được ký hợp đồng lao động nên cũng không được nhận các chế độ đãi ngộ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nghỉ ốm hay nghỉ phép hằng năm.
Một lao động nữ nhập cư 26 tuổi chia sẻ trong cuộc khảo sát rằng: “Chúng tôi chưa được tiếp cận thông tin hoặc tư vấn về nghề nghiệp hay việc làm. Một số người trong chúng tôi muốn được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế, nhưng bản thân không có thông tin sẽ đóng như thế nào và ở đâu. Thêm nữa, nếu chúng tôi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm này không áp dụng cho các ngày nghỉ phép do con ốm, do mình ốm hay bệnh hoặc tai nạn nghề nghiệp. Trong khi, những quyền lợi ngắn hạn này lại rất quan trọng đối với những người nhập cư chúng tôi”.
Tăng cơ hội tiếp cận việc làm
Theo dự báo của TP Hà Nội, đến năm 2020, nhu cầu lao động với nhân viên dịch vụ và bán hàng là cao nhất (1,035 triệu người, chiếm hơn 26%), nhân viên dịch vụ lưu trú và ăn uống (hơn 208 nghìn người), hoạt động dịch vụ khác như chăm sóc sắc đẹp, làm thuê trong những hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh (hơn 58 nghìn người)…
Ở cả khu vực chính thức và phi chính thức, thị trường lao động Hà Nội vẫn có nhu cầu lao động cao. Lao động nữ nhập cư có thể tìm việc khá dễ dàng và có cơ hội phát triển nếu được hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp phù hợp. Trong khi đó, vì thiếu thông tin về tuyển dụng, không được tiếp cận dịch vụ tư vấn về nghề và việc làm và không có các kế hoạch để nâng cao kỹ năng nghề và trình độ nên việc cải thiện tình trạng việc làm với họ sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Bà Sharon Kane, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan International Việt Nam, nhấn mạnh, nhu cầu việc làm bền vững, môi trường sống an toàn và cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội ở các khu vực đông người nhập cư luôn rất lớn. Vì vậy, Plan đang hợp tác với các đối tác bao gồm Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh và Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh sáng (Light) thực hiện một dự án với mục tiêu tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho lao động nữ nhập cư ở khu vực thành thị bằng cách cung cấp các kỹ năng nghề cho nữ thanh niên và phụ nữ ở độ tuổi 18-30 nhằm tăng cơ hội việc làm bền vững.
Bên cạnh đó, để tạo cơ hội thúc đẩy môi trường cho lao động nữ nhập cư tiếp cận việc làm bền vững, cần có chính sách cụ thể nào dành cho lao động nữ nhập cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Hiện tại, hầu hết các luật và chính sách đều hướng tới điều chỉnh đối tượng lao động làm việc ở khu vực chính thức.
Trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam Elisa Fernandez cho rằng, để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững ở Việt Nam, đòi hỏi phải có cam kết mang tính hệ thống nhằm bảo đảm “không ai bị bỏ lại sau”. Đặc biệt, cần xây dựng các tiêu chí việc làm bền vững, tiếp cận an sinh xã hội, tôn trọng quyền của lao động nữ nhập cư ở Hà Nội.
NDĐT