Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

25/03/2024 10:19

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đoàn viên, thanh niên tỉnh Hưng Yên, năm 2018). Ảnh: Tư liệu

Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn đề cao vị trí, vai trò của thanh niên và công tác thanh niên (CTTN). Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, khóa X đã khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc”(2). 

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về thanh niên và công tác thanh niên

Một là, thanh niên và công tác thanh niên luôn luôn là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt của cách mạng Việt Nam.

Từ đổi mới (năm 1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành 03 Nghị quyết chuyên đề về CTTN. Ngày 09/02/1991, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 25  -NQ/TW về đổi đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTN. Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, là điểm khởi đầu cho đường lối đổi mới của Đảng về CTTN thời kỳ đổi mới. Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 Hội nghị Trung ương lần thứ tư khóa VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới đã khẳng định “Công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”(3). Đây là bước chuyển biến có tính đột phá, căn bản trong nhận thức, chủ trương của Đảng đối với CTTN. Ngày 25/7/2008, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, Nghị quyết tiếp tục khẳng định vai trò to lớn và quan trọng của thanh niên đối với tương lai của dân tộc và tiền đồ của cách mạng Việt Nam: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội(4).

Hai là, thanh niên có mạnh, dân tộc mới mạnh; tương lai, tiền đồ của Tổ quốc Việt Nam nằm trong tay thanh thiếu nhi. 

Trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên, và thanh niên được xem là hạt nhân trong mỗi dân tộc, “làm tốt công tác thanh niên là bảo đảm sự kế tục và phát triển không ngừng của chế độ ta, bảo đảm hiện tại cũng như tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam”(5). Đảng ta đã khẳng định: “Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển, thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”(6). 

Ba là, phát huy vai trò của hệ thống chính trị trong công tác chăm lo, bồi dưỡng và giáo dục thanh niên dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Cần tăng cường xây dựng mối quan hệ của tổ chức Đoàn với các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, tổ chức Đoàn phối hợp và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên khác trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua đó thu hút rộng rãi các tầng lớp thanh niên thuộc các ngành, các lĩnh vực khác nhau vào hoạt động của tổ chức Đoàn. Sự tích cực tham gia của các tổ chức thành viên hệ thống chính trị còn thông qua việc thực hiện Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên và nhiều chính sách của Nhà nước nhằm tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho thanh niên. 

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để chăm lo, đào tạo và bồi dưỡng thanh niên. 

Nhà nước thông qua hệ thống tổ chức, bộ máy chính quyền các cấp ban hành, hướng dẫn toàn xã hội và tổ chức thực hiện Luật Thanh niên; ban hành các cơ chế, chính sách, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên; bảo đảm nguồn kinh phí, phương tiện làm việc và hoạt động cho tổ chức Đoàn và toàn xã hội. Bên cạnh đó, gia đình phải là hạt nhân, môi trường quan trọng hình thành nhân cách, giáo dục ý thức công dân, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp cho thanh thiếu nhi.

Năm là, Đảng lãnh đạo công tác thanh niên và trực tiếp lãnh đạo Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 25-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Đảng lãnh đạo CTTN và trực tiếp lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước. Đảng đề ra đường lối, chủ trương định hướng cho thanh niên hành động, xác định các chuẩn mực cho thanh niên phấn đấu; xây dựng các tấm gương điển hình tiêu biểu cho thanh niên học tập và noi theo”(7). 

Sáu là, Đảng với nhiệm vụ lãnh đạo công tác thanh niên.

Vai trò lãnh đạo của Đảng về thanh niên và CTTN tập trung vào các nội dung chính là: lãnh đạo xây dựng tổ chức Đoàn, Hội; ban hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng về thanh niên và CTTN; ban hành các chủ trương, nghị quyết và các văn bản của Đảng về CTTN và tổ chức Đoàn; lãnh đạo CTTN và Đoàn Thanh niên thông qua công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục thanh niên; phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên tham gia quản lý nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Bảy là, xây dựng Đoàn vững mạnh là nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là xây dựng Đảng trước một bước.

Đoàn thanh niên là tổ chức quần chúng gần Đảng nhất, xây dựng Đoàn thanh niên là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 44) xác định: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng, thường xuyên bổ sung lực lượng trẻ cho Đảng, kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt trong phong trào thanh niên; là trường học xã hội chủ nghĩa; đại diện quyền lợi của thanh niên; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”(8).

Tám là, Nhà nước quản lý thanh niên và công tác thanh niên.

Nghị quyết số 25-NQ/TW đã nêu ra quan điểm: “Nhà nước quản lý thanh niên và công tác thanh niên; thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên thành pháp luật, chính sách, chiến lược, chương trình hành động và cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh hằng năm của các cấp, các ngành”(9). Thực hiện chức năng này, Nhà nước không thể quản lý thanh niên một cách độc lập mà phải tiến hành trong sự phối hợp chặt chẽ với các chủ thể khác, đặc biệt là với các tổ chức thanh niên, các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chín là, phát huy sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu và học tập của thanh niên theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Nghị quyết số 25-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo: “Sự nỗ lực học tập, rèn luyện và phấn đấu không ngừng của thanh niên theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng để xây dựng thế hệ thanh niên thời kỳ mới. Mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên là nội dung quan trọng của công tác đoàn để giáo dục, bồi dưỡng, động viên và phát huy vai trò thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(10). Quan điểm này là sự định hướng xây dựng các thế hệ thanh niên Việt Nam “vững vàng về chính trị, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, tiêu biểu cho thế hệ trẻ, trở thành những nhà lãnh đạo, quản lý, kinh doanh giỏi, những chuyên gia xuất sắc trên mọi mặt hoạt động của xã hội, những trí thức uyên bác chiếm lĩnh các đỉnh cao của khoa học, những văn nghệ sĩ có tài năng, những người lao động có tay nghề cao”(11).

Chính sách, pháp luật của Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Thứ nhất, Luật Thanh niên.

Qua gần 15 năm thi hành, Luật Thanh niên năm 2005 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; vì vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CTTN thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đề ra nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 cho phù hợp với tình hình nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ Nội vụ đã chủ trì giúp Chính phủ xây dựng, trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thanh niên năm 2020 để thay thế Luật Thanh niên năm 2005. Luật Thanh niên năm 2020 có những nội dung mới sau đây:

Một là, quy định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của thanh niên để làm cơ sở pháp lý định hướng cho thanh niên rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu nâng cao trách nhiệm. Luật Thanh niên năm 2020 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định 01 điều về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên, 01 chương riêng quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước và xã hội, gia đình và bản thân thanh niên.

Hai là, quy định 01 điều về lấy tháng 3 hàng năm là Tháng Thanh niên nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên để tham gia hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội và vận động tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển thanh niên.

Ba là, quy định 01 điều về đối thoại với thanh niên để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra nhằm giải quyết các kiến nghị, đề xuất của thanh niên.

Bốn là, Luật Thanh niên năm 2020 đã tách các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên thành một chương riêng để không bị chồng chéo với các chính sách đã được quy định ở các luật chuyên ngành và bảo đảm tính khả thi cao khi Luật được ban hành.

Năm là, dành 01 chương quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên với mục đích tạo nền tảng pháp lý quy định trách nhiệm trong việc phối hợp bảo vệ, chăm sóc, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam thành lập nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên.

Thứ hai, Chiến lược phát triển thanh niên.

Chiến lược phát triển thanh niên là chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ được thiết kế để đạt được mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của một giai đoạn cụ thể, là tổ hợp các mục tiêu, các chỉ tiêu dài hạn và các biện pháp, các cách thức, con đường đạt đến các mục tiêu đó. Chiến lược phát triển thanh niên đã trải qua 02 giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2003-2010; giai đoạn 2 từ 2011-2020). Đến nay, Chiến lược phát triển thanh niên đã bước sang giai đoạn thứ 3 (2022-2030).

Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là chính sách quan trọng của Nhà nước nhằm cụ thể hóa Luật Thanh niên năm 2020 với mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện. Chiến lược có nhiều điểm mới, các mục tiêu, giải pháp và trách nhiệm các chủ thể được quy định rất cụ thể, rõ ràng; nhấn mạnh yếu tố phát huy trách nhiệm của thanh niên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước bằng chính sách, cơ chế và sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng phát huy, chăm lo, bồi dưỡng, phát triển thanh  niên. Theo đó, Trung ương Đoàn với vai trò, trách nhiệm là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên được phân công chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ, chương trình, đề án, chỉ tiêu, đó là: 100% tổ chức Đoàn thanh niên, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật; phát động phong trào và huy động thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia”(12).

Thứ ba, chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định trong Luật Thanh niên năm 2020 đã được thiết kế theo hướng vừa quy định chính sách khung vừa quy định chính sách cụ thể, có tính chất định hướng trên các lĩnh vực gần với thanh niên, trong đó, quy định nguyên tắc định hướng để thực hiện các chính sách làm cơ sở cho việc bảo đảm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực và địa phương tổ chức triển khai thực hiện hoặc lồng ghép trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên về học tập và nghiên cứu khoa học, chính sách về lao động, việc làm, chính sách về khởi nghiệp, chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; chính sách về văn hóa, thể dục, thể thao; chính sách về bảo vệ Tổ quốc. Đối với một số đối tượng thanh niên có tính “đặc thù”, Luật Thanh niên năm 2020 quy định một số chính sách đối với thanh niên xung phong, chính sách đối với thanh niên tình nguyện, chính sách đối với thanh niên có tài năng./.

TS. Hoàng Minh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

----------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr. 216.

(2), (3), (4), (6), (7), (9), (10) Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 46, Nxb CTQG-ST, H.2006.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, ngày 19/01/2011.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, Nxb CTQG-ST, H.2007.

(12) Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 1331/QĐ-TTg ngày 24/7/2021 ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Nguồn: tcnn.vn

Nguồn: tcnn.vn