Sinh viên sư phạm Trường Đại học Đồng Tháp trong giờ thảo luận nhóm. Ảnh: A.Minh
Như vậy “đầu vào” đã mở còn “đầu ra” thế nào để đáp ứng được mong muốn về những chính sách phù hợp, đem lại sự yên tâm công tác của trường sư phạm và sinh viên?
Cơ chế đã mở
Năm 2022 mức điểm chuẩn các ngành sư phạm tăng cao phần nào cho thấy sự quan tâm trở lại của thí sinh; đồng thời cũng là do tác động từ Nghị định số 116/2020/NĐ‐CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Đây là một trong những chính sách tốt nhất dành cho sinh viên sư phạm từ trước đến nay, đã mang đến những tác động tích cực, góp phần không nhỏ để thu hút sinh viên học sư phạm. Đặc biệt, sau tác động bởi dịch bệnh lên đời sống, kinh tế, việc lựa chọn ngành sư phạm để vừa được đi học vừa được trợ cấp hơn 3 triệu đồng/tháng là lựa chọn phù hợp với nhiều thí sinh.
Em Hồ Nguyên Bảo, sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Trà Vinh cho biết: “Chính sách miễn giảm học phí và trợ cấp hằng tháng với sinh viên sư phạm rất nhân văn. Sinh viên được hỗ trợ tiền học phí, giảm gánh nặng cho cha mẹ có con học đại học, nhất là gia đình kinh tế khó khăn. Việc sinh viên được nhận trợ cấp hằng tháng giúp ích rất nhiều trong việc sinh hoạt hằng ngày, nhất là tiền xăng, nhà trọ…”.
Còn sinh viên Hồ Thị Anh Thư, ngành Giáo dục tiểu học chia sẻ: “Nghị định 116 được ban hành nhằm giúp người học yên tâm học tập tốt, đồng thời thu hút sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm và nâng cao chất lượng đào tạo”.
Theo ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh), tăng số lượng nguyện vọng có thể do việc nắm bắt thông tin trong lĩnh vực giáo dục của các thí sinh. Triển khai Chương trình giáo GDPT 2018, trong lộ trình tới cần đội ngũ giáo viên có chất lượng là yêu cầu cấp thiết.
Triển khai Nghị định 116/2020 đối với ngành sư phạm, sau khi trúng tuyển và theo học, nhà trường sẽ theo dõi tiến độhọc tập trong 4 năm và báo cáo thường xuyên về UBND các tỉnh. Sau khi tố́t nghiệp, sinh viên sẽ báo kết quả học tập với cấp tỉnh đã hỗ trợ hoặc đơn vị hỗ trợ khác để được tư vấn, định hướng việc làm trong ngành Giáo dục.
Bên cạnh thực hiện Nghị định số 116, Trường Đại học Đồng Tháp triển khai chính sách thu hút sinh viên sư phạm chất lượng cao. Theo đó, trường sẽ hoàn trả học phí cho sinh viên sư phạm chuyên ngành Toán học, Hóa học, Tiểu học được tuyển sinh bắt đầu từ năm 2019 nếu ra trường thất nghiệp.
Theo lãnh đạo nhà trường, với 3 ngành học đang hướng đến đào tạo chất lượng cao nói trên, nhà trường khẳng định sẽ hoàn trả học phí 4 năm cho sinh viên nếu không có việc làm, không có chỗ giảng dạy sau khi ra trường. Cam kết hoàn trả học phí là giải pháp để tạo động lực, tự tạo áp lực để người dạy và người học phải cùng nỗ lực…
Đầu vào đã mở, trường sư phạm, sinh viên mong muốn có chính sách phù hợp để yên tâm công tác. Ảnh: Q.Ngữ
Cần giải pháp thu hút, giữ chân
Nghị định 116 của Chính phủ, ngoài miễn học phí, sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ tiền hàng tháng. Chính sách nhân văn này cũng là giải pháp thiết thực nhằm chăm lo đội ngũ giáo viên tương lai, góp phần tăng sức hút cho ngành sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục. Đầu vào đã mở, đầu ra cho đối tượng này thế nào vẫn là băn khoăn của sinh viên và trường sư phạm.
Theo các giảng viên và sinh viên, đầu vào cao cũng là dấu hiệu đáng mừng, song quan trọng nhất vẫn là giải quyết việc làm trong tương lai cho giáo sinh sau khi ra trường.
Thực hiện Chương trình GDPT mới, các địa phương thiếu giáo viên nhưng đồng lương eo hẹp, áp lực công việc lớn nên thời gian dài khó hút thí sinh đăng ký vào trường sư phạm. Việc giữ chân sinh viên sư phạm sau tốt nghiệp cũng là bài toán khó.
Để đáp ứng nhu cầu giáo viên Chương trình GDPT mới, Trường Đại học Sài Gòn tuyển sinh ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên và Sư phạm Lịch sử ‐ Địa lý.
Tuy nhiên, số lượng người theo học chưa nhiều, cụ thể năm 2019 dù có 30 chỉ tiêu nhưng ngành Sư phạm Lịch sử ‐ Địa lý chỉ có 9 sinh viên; ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên: 26 sinh viên. Ngành Sư phạm Mỹ thuật mỗi năm tuyển 30 chỉ tiêu nhưng năm 2019 chỉ có 5 thí sinh trúng tuyển nhập học; năm 2020 có 11 sinh viên…
Chia sẻ về việc các trường phổ thông khó tuyển giáo viên, ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều sinh viên ra trường không “mặn mà” với việc đi dạy, một phần do thu nhập thấp, chưa thu hút.
Đặc biệt, ngành Tin học và Anh văn rất khó tuyển giáo viên dù hằng năm trường vẫn đào tạo; tuy nhiên sau khi ra trường, ngoài đi dạy, các em có rất nhiều cơ hội việc làm khác với mức lương cao hơn. Mỗi năm, trường chỉ đào tạo khoảng 40 chỉ tiêu ngành Sư phạm Ngoại ngữ và 30 chỉ tiêu Sư phạm Tin học, nhưng chưa chắc ra trường các em có đi làm giáo viên hay không.
Theo ông Tuấn, trước khó khăn trong tuyển dụng giáo viên Tin học và tiếng Anh ‐ đây là 2 ngành học đặc thù, trường vẫn đào tạo nhưng sinh viên ra trường cơ hội việc làm ngoài ngành nhiều, thu nhập cao. Vì thế, cũng nên xem xét tính đặc thù của ngành nghề để có những giải pháp phù hợp.
Nguồn: giaoducthoidai.vn