Làm thế nào thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về làm việc là trăn trở của nhiều trường đại học. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được không ít trường đại học chú trọng. Nhiều trường 'mạnh tay' rót tiền, trải thảm đỏ thu hút tiến sĩ, giáo sư. Tuy nhiên, không chỉ thu nhập, muốn hút người tài, các trường cần đảm bảo nhiều yếu tố khác.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công Thương TP.HCM, cho hay thu hút và giữ chân tiến sĩ hiện nay phải có mức thu nhập tương xứng, tạo môi trường làm việc tốt, có cơ chế, chính sách thông thoáng, đầu tư các trang bị hiện đại để nghiên cứu. Ngoài ra, các nhân lực cần được tạo cơ hội thăng tiến và tạo văn hóa nhân văn, đoàn kết trong quá trình làm việc.
PGS.TS Hoàn cho hay, nhờ chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới cách làm việc, môi trường làm việc, tại Trường ĐH Công Thương, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư đã tăng lên. Đối với tiến sĩ, năm 2021, nhà trường có 106 người, đến năm 2022 có 130 người và năm 2023 có 169 người. Đối với nhân lực có trình độ phó giáo sư, năm 2021 trường có 21 người, năm 2022 tăng lên 24 người và năm 2023 có 34 người.
Lãnh đạo một trường đại học cũng cho rằng, khó khăn nhất để giữ chân nhân lực có trình độ cao hiện nay là cơ chế làm việc. Theo ông, muốn thu hút người tài, phải có các ưu đãi trong cơ chế trả lương và làm việc. Cơ chế quá chặt chẽ như quản lý về thời gian ra - vào... không thu hút được người tài và cũng sẽ dễ khiến nhân lực đang có rời đi.
Người này phân tích thêm, nhân lực trình độ tiến sĩ có thể hàng tháng làm việc ở trong phòng thí nghiệm. Nhưng các trường cũng phải cho họ thời gian nghỉ ngơi sau thời gian làm việc vất vả để hồi phục sức khỏe. Vì vậy, các trường đại học phải linh động thời gian với những nhân lực này. “Bên cạnh đó, về cơ chế trả thu nhập, thấp nhất mức 20 đến 30 triệu đồng/tháng mới có thể giữ chân được họ”- ông nói.
Ngoài thu hút, các trường đại học hiện nay nâng cao chất lượng nhân lực bằng cách tự đào tạo - tạo điều kiện cho ứng viên đi học nghiên cứu sinh ở trong nước hoặc nước ngoài. Cụ thể năm 2022, Trường ĐH Cần Thơ phê duyệt 25 giảng viên đi đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 89, trong đó, đào tạo ở trong nước là 5 giảng viên và ở nước ngoài là 20 giảng viên.
Tính đến tháng 3/2023, 10 giảng viên đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt hỗ trợ kinh phí (3 giảng viên học tiến sĩ trong nước và 7 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài) 7 giảng viên được phê duyệt đi học ở nước ngoài đang hoàn tất hồ sơ để nhập học chính thức ở nước ngoài.
Tháng 3/2023, Trường ĐH Cần Thơ tiếp tục phê duyệt danh sách 11 giảng viên đi đào tạo trình độ tiến sĩ theo Đề án 89, trong đó, đào tạo trong nước là 3 giảng viên và ở nước ngoài là 8 giảng viên. Số giảng viên này đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt. Tuy nhiên việc này cũng có những mặt trái nhất định.
Cách đây chưa lâu Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường ĐH Cần Thơ thu hồi kinh phí đào tạo của một số giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài, bằng ngân sách nhà nước, nhưng hết thời gian gia hạn học tập, không báo cáo tiến độ học tập, hoặc báo cáo nhưng không đúng mẫu, không có xác nhận của cơ sở đào tạo.
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay, sau khi nhà trường thực hiện tự chủ, đã viết lại đề án vị trí việc làm, trong đó có nhiều ưu đãi cho giảng viên, cán bộ nghiên cứu. Nhà trường không trực tiếp có những chính sách như thưởng công bố nghiên cứu khoa học, ưu tiên các đề tài nghiên cứu khoa học nhưng đang có nhiều chính sách ủng hộ gián tiếp cho cán bộ giảng viên, để họ thấy xứng đáng với công việc cũng như thu hút người tới trường làm việc.
Về thu nhập, ông Phúc cho hay khi thực hiện tự chủ, thu nhập của giảng viên tăng lên. Nếu ngày xưa, một số vị trí thu nhập chưa hợp lý, công việc không nhiều nhưng thu nhập cao hơn đội ngũ chính thức, trực tiếp giảng dạy, nay đã có sự tương xứng.
Hiện, mức lương của cán bộ, giảng viên đã tăng lên, đặc biệt là những giảng viên là tiến sĩ trẻ mức lương thay đổi so với trước đây khá nhiều. Nhà trường thực hiện trả lương và thu nhập cho cán bộ, giảng viên làm hai lần trong tháng, trong đó ngày 15 hàng tháng là lương theo hệ số còn ngày 5 là lương theo vị trí việc làm.
Nghĩa là một giảng viên nếu thực hiện hơn công việc được giao sẽ được hưởng thêm. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng thừa nhận khó khăn trong việc thu hút nhân lực có trình độ cao hiện nay đó là tạo môi trường làm việc tốt.
“Một số chính sách còn bất cập như chưa chấp nhận một người thầy chuyên giảng dạy mà ít làm nghiên cứu, còn có những người chuyên làm nghiên cứu và ít giảng dạy. Hiện nay, chúng ta vẫn yêu cầu giảng viên phải có nhiệm vụ 1 và nhiệm vụ 2 tức vừa giảng dạy và nghiên cứu ở một mức nhất định.
Trong khi đó, ở nhiều nước cho phép giảng viên có thể thiên về giảng dạy và chấp nhận người ấy chỉ giảng dạy, không tham gia nghiên cứu khoa học, đồng nghĩa với việc họ chỉ được nhận phí ở phần tham gia giảng dạy.
Hay có những giáo sư chuyên về nghiên cứu, tập trung hết thời gian nghiên cứu và được nhà trường hoàn toàn tạo điều kiện, đồng nghĩa với việc sẽ không nhận thu nhập giảng dạy. Điều đó có nghĩa họ linh động cho giảng viên lựa chọn lĩnh vực để phục vụ”- ông Phúc nói.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ở Việt Nam, việc nghiên cứu khoa học liên quan đến kinh phí và nhiều thủ tục khác dẫn đến việc nhiều giảng viên thích làm giảng dạy thuần túy. Do vậy, các trường không thể quy định hoàn toàn để giảng viên giảng dạy nhưng phần nào đó có thể linh hoạt hơn bằng cách giao việc này cho các trường được tự quyết, đặc biệt là các trường được tự chủ.
Lúc này, tùy vào sự phát triển của nhà trường, nhà trường sẽ tự phân công công việc làm sao phù hợp với sự phát triển của nhà trường.