Hội thảo góp ý dự thảo Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam giai đoạn 2019 – 2022 tại TP. Đà Nẵng

12/12/2024 14:51

(Moha.gov.vn)-Sáng ngày 12/12/2024, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022. Ông Hoàng Quốc Long, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ và bà Nguyễn Thị Huyền, Cán bộ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Hoàng Quốc Long phát biểu khai mạc Hội thảo

Dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, cơ quan trung ương có liên quan; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; các chuyên gia, nhà khoa học; Ban Quản lý Dự án VNM10P01; đại diện một số tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc tại Việt Nam và lãnh đạo, công chức Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long cho biết, dự thảo Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022 là báo cáo quốc gia lần thứ ba của Chính phủ Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam triển khai, sau hai báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015 được công bố ngày 29/6/2015 tại Hà Nội và giai đoạn 2015 - 2018 được hoàn thành và phát hành vào cuối năm 2019. 

Báo cáo lần thứ Ba (giai đoạn 2019 - 2022) hiện đang trong quá trình dự thảo. Năm 2023, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, sự hợp tác tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Nội vụ đã xây dựng, hoàn thiện dự thảo, tổ chức các cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến của các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về dự thảo Báo cáo. Với mục tiêu chung là cung cấp thông tin tổng quan về tình hình thanh niên, sự phát triển của thanh niên Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022 và hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành về thanh niên, Báo cáo tiếp tục kế thừa kinh nghiệm thu thập, tổng hợp thông tin, số liệu về thanh niên giai đoạn 2015 - 2018, đồng thời, tạo dấu ấn mới bằng việc bổ sung nội dung quản lý nhà nước về thanh niên; trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên, đây là những nội dung lần đầu tiên được quy định tại Luật Thanh niên năm 2020.

Năm 2024, Bộ Nội vụ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học bằng văn bản và thông qua các cuộc họp kỹ thuật, hội thảo,… nhằm bổ sung, bảo đảm độ tin cậy của hệ thống số liệu trong báo cáo và hoàn thiện các nội dung của Báo cáo. Dự kiến Báo cáo được công bố và phát hành rộng rãi vào đầu năm 2025, là tài liệu để các Bộ, ngành, địa phương tham khảo, nghiên cứu, phục vụ công tác hoạch định, xây dựng chính sách phát triển thanh niên.

Để Hội thảo đạt kết quả, Vụ trưởng Hoàng Quốc Long đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận và đóng góp ý kiến vào các nội dung: (1) Kết cấu dự thảo Báo cáo, tiêu đề các nội dung chính của dự thảo Báo cáo, những khó khăn và thách thức trong giai đoạn mới; (2) Các nội dung chính sách (bám sát các chính sách quy định tại Luật Thanh niên năm 2020) và kết quả thực hiện; (3) Góp ý vào độ tin cậy của số liệu, số liệu đưa vào đã đầy đủ chưa và cần bổ sung số liệu gì?; (4) Góp ý bổ sung những nhận định, đánh giá và các đề xuất, khuyến nghị về chính sách cho thanh niên và thực thi chính sách trong giai đoạn tới để hoàn thiện Báo cáo.

Bà Vũ Hương Ngát, Chuyên viên chính Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tóm tắt tại Hội thảo, bà Vũ Hương Ngát, Chuyên viên chính Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền, các ngành và toàn xã hội ngày càng quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước; ban hành các cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và sự tham gia của thanh niên vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; huy động thanh niên tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là nguồn nhân lực trẻ, được tiếp cận và thụ hưởng nền văn hóa, giáo dục hiện đại, thanh niên ngày càng nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội; quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, khu vực và thế giới; sẵn sàng xung kích, tình nguyện đến những địa bàn khó khăn, gian khổ của đất nước để rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; chủ động, tích cực học tập, góp phần hình thành thế hệ công dân Việt Nam toàn cầu mới với năng lực, tự tin và hành trang hội nhập tốt.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, sự bùng nổ của thông tin, mạng xã hội trong kỷ nguyên số, thanh niên hiện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: thanh niên được đào tạo trình độ đại học nhưng năng lực thực hành chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tình trạng thất nghiệp, thiếu thông tin và cơ hội việc làm, việc làm không ổn định và thu nhập thấp gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn gần đây do tác động của dịch bệnh COVID-19 trên quy mô toàn cầu.

Trong công tác quản lý nhà nước, mặc dù những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã ban hành và cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách phát triển thanh niên, song còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa chú trọng công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; chưa đánh giá thực chất, đúng mức tác động của các chủ trương, chính sách đối với thanh niên để đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn; còn thiếu những chính sách đặc thù đối với nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên là người dân tộc thiểu số; thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh niên từ 16 tuổi đến 18 tuổi,…

Dự báo dân số thanh niên những năm tới vẫn theo xu hướng giảm dần so với cơ cấu dân số cả nước. Trên thế giới và trong khu vực, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc; những vấn đề toàn cầu như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu,… tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự phát triển nhanh chóng, đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra cho thanh niên những cơ hội lớn để phát triển, vươn cao về trí tuệ, năng lực, sức sáng tạo, tính cạnh tranh, khả năng tiếp cận, chủ động thích ứng và hội nhập quốc tế. Thanh niên sẽ có nhu cầu cao về thông tin, giao lưu, hội nhập, du lịch, vui chơi, giải trí; sẽ hướng tới và đòi hỏi nhiều hơn về dân chủ và công bằng xã hội, về việc làm và các chính sách xã hội.

Do vậy, công tác quản lý nhà nước về thanh niên trong giai đoạn tới cần có những thay đổi tích cực, căn bản, theo kịp xu hướng và phát triển của thanh niên; đón đầu cơ hội và thách thức để định hướng, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Cán bộ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học đã tích cực trao đổi thảo luận và góp ý nhiều ý kiến tâm huyết của mình vào dự thảo Báo cáo. Nhìn chung, các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung: thời gian của báo cáo; bố cục, số liệu, dữ liệu trong báo cáo; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên; thanh niên tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, lao động, việc làm; đối thoại với thanh niên; phát động thi đua trong đội ngũ thanh niên theo giai đoạn; các thiết chế văn hóa, thể thao liên quan đến thanh niên tại địa phương; nghiên cứu, bổ sung những giải pháp để giải quyết tại phần kiến nghị, đề xuất; chính sách thu hút, tuyển dụng công chức, viên chức vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, hành chính nhà nước theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP; đào tạo, bồi dưỡng, khuyến học, khuyến tài tại địa phương; mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với tỉnh, thành Đoàn; bổ sung những bình luận, đánh giá về văn hóa trong thanh niên vào trong Báo cáo; đóng góp và vai trò của thanh niên đang sinh sống, học tập ở nước ngoài; các thuận lợi khó khăn trong thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên, thực hiện chính sách pháp luật về thanh niên, hỗ trợ nguồn lực, nguồn vốn cho thanh niên phát triển; phân tích bình đẳng giới ở các mặt; phân tích đặc trưng của thanh niên theo vùng miền; thanh niên khu vực dân tộc thiểu số;…

Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long phát biểu kết luận Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời, giao bộ phận biên tập tổng hợp, tiếp thu những ý kiến góp ý để hoàn thiện Báo cáo, những vấn đề nào vượt thẩm quyền cần tổng hợp, trình báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét cho ý kiến.

Vụ trưởng Hoàng Quốc Long hi vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo và kịp thời công bố theo thời gian đã định.

"Trong bối cảnh với khí thế mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thì thanh niên phải là lực lượng xung kích đi đầu trong kỷ nguyên mới, các chỉ tiêu, chỉ số về thanh niên, các vấn đề đặt ra với thanh niên, những chiến lược và dự báo đối với thanh niên trong giai đoạn tới cũng cần bổ sung, đề cập tương xứng, để Báo cáo mang tinh thần mới, quyết tâm, quyết liệt của dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình", Vụ trưởng Hoàng Quốc Long một lần nữa nhấn mạnh. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

 

Anh Cao