Một số đề xuất để triển khai thống nhất, hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

05/01/2022 16:52
  • Print
  • Lượt xem: 5649

Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm tạo môi trường, điều kiện, cơ chế để thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình và phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân tốt của đất nước, phát huy nhóm thanh niên tích cực, có khả năng dẫn dắt, tạo sức lôi cuốn thanh niên khác tham gia… 

Đó là đề xuất của ông Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại Hội nghị phổ biến và phát động phong trào thi đua thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, diễn ra tại Hà Nội ngày 13/12.


Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Minh Triết, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là chính sách quan trọng của thanh niên nhằm cụ thể hóa Luật Thanh niên 2020 với mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Chiến lược lần này có nhiều điểm mới, các mục tiêu, giải pháp và trách nhiệm các chủ thể được thể hiện rất cụ thể, rõ ràng; nhấn mạnh yếu tố phát huy trách nhiệm của thanh niên, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước bằng chính sách, cơ chế và sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng phát huy, chăm lo, bồi dưỡng, phát triển thành niên. Theo đó, tại Chiến lược, Trung ương Đoàn với trách nhiệm là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên được phân công chủ trì thực hiện nhiều nhiệm vụ, chương trình, đề án, chỉ tiêu, đó là: 100% tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp và các tổ chức khác của thanh niên được thành lập theo quy định của pháp luật; phát động phong trào và huy động thanh niên hưởng ứng, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội…

Quang cảnh Hội nghị

Để triển khai thống nhất, hiệu quả Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030, theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Chiến lược. Tại Chiến lược, Trung ương Đoàn được giao chủ trì tuyên truyền Chiến lược trong thanh niên và các cấp cấp bộ Đoàn, Hội, các tổ chức thanh niên. Đề nghị Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên các cấp trong quá trình tuyền truyền, phổ biến Chiến lược tới thanh niên và các tổ chức thành niên. Cần đa dạng các hình thức tuyên truyền, lựa chọn nội dung tuyên truyền và đối tượng tuyên truyền phù hợp.

Thứ hai, Bộ Nội vụ tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược các địa phương, đặc biệt là công tác ban hành chương trinh phát triển thanh niên tại các bộ, ngành, địa phương, ban hành Nghị quyết về phát triển thanh niên giai đoạn 2021-2030 của Hội đồng nhân dân các cấp trong giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược như hiện nay. Phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Trung ương Đoàn tổ chức có hiệu quả chương trình giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên hàng năm; nhất là trong những năm tới đây, sẽ tập trung giám sát việc triển khai thực hiện Luật Thanh niên 2020, các Nghị định triển khai thực hiện Luật, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và các cơ chế, chính sách, pháp luật đối với thanh niên.

Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phối hợp trong quá trình thực hiện Chiến lược.

Thứ năm,
cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm tạo môi trường, điều kiện, cơ chế để thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, để thanh niên phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân tốt của đất nước, phát huy nhóm thanh niên tích cực, có khả năng dẫn dắt, ảnh hưởng tốt, tạo sức lôi cuốn thanh niên khác tham gia. 

Cùng với đó, có cơ chế phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và các tổ chức thanh niên khác thực hiện tốt trách nhiệm của mình, thực sự là nơi gửi gắm niềm tin của thanh niên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh niên, tập hợp, định hướng và tổ chức hoạt động của thanh niên, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước về thanh niên. Bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để tổ chức thực hiện Chiến lược, Chương trình phát triển thành niên của địa phương. Căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, giao cho Đoàn Thanh niên, các tổ chức thanh niên thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án, đề án nhằm huy động, phát huy thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thanh Tuấn (Nguồn: Vụ Công tác thanh niên)