Hồ Chí Minh với việc trọng dụng nhân tài ngoài Đảng và các bài học kinh nghiệm

12/10/2022 22:15

Dân tộc Việt Nam có truyền thống trọng dụng nhân tài và Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thiên tài trong việc thu hút và trọng dụng nhân tài. Việc trọng dụng nhân tài của Người đã tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, góp phần quan trọng vào việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài viết phân tích quan điểm về nhân tài ngoài Đảng; nghệ thuật dùng người của Hồ Chí Minh; từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Kế thừa truyền thống dân tộc và quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đặc biệt trọng dụng nhân tài, trong đó có “nhân tài ngoài Đảng”. Trọng dụng nhân tài ngoài Đảng không chỉ góp phần tạo ra đội ngũ cán bộ đầy tài năng mà còn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày nay, việc sử dụng nhân tài, bao gồm có nhân tài ngoài Đảng, bộ phận tinh túy của nguồn nhân lực chất lượng cao đang được xác định là “khâu đột phá” trong chiến lược phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, bài học về sử dụng nhân tài ngoài Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được hiểu sâu sắc và vận dụng linh hoạt, triệt để.

1. Hồ Chí Minh với việc trọng dụng nhân tài ngoài Đảng

Việt Nam là dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” nên “hào kiệt đời nào cũng có”, điều khác nhau chỉ là cách thức sử dụng nhân tài của nhà cầm quyền. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, triều đại nào thu hút, trọng dụng nhân tài, coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì quốc gia hưng thịnh, ngược lại thì triều đình suy vong. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng khẳng định phải học hỏi, kế thừa những thành quả ưu việt của chủ nghĩa tư bản và trí thức tư sản để xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin từng kêu gọi những người cộng sản “hãy dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: chính quyền Xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các Tờ rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ”(1) cũng như nắm bắt “những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại”(2) và nhất là phải tẩy bỏ căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” để sử dụng “bằng bất cứ giá nào và sử dụng trên quy mô lớn”(3) các chuyên gia tư sản với thái độ thực sự trân trọng để phục vụ cho mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc và trên cơ sở quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã phát triển việc thu hút, trọng dụng nhân tài, trong đó có “nhân tài ngoài Đảng” (người tài nhưng không phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam) lên tầm cao mới. Khái niệm “Nhân tài ngoài Đảng” được chính Hồ Chí Minh đưa ra, luận giải sâu sắc, toàn diện và coi việc thu hút, trọng dụng nhân tài là yếu tố khách quan, tất yếu của công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Trước hết, do mục tiêu kiến thiết nước nhà mà “kiến thiết cần phải có nhân tài”. Từ quan điểm của V.I.Lênin, rằng những người cộng sản chỉ như những giọt nước trong đại dương nhân dân, nếu “chỉ trông vào bàn tay những người cộng sản để xây dựng xã hội cộng sản, đó là một tư tưởng hết sức ngây thơ”(4), Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh một thực tế ở Việt Nam: “So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức, thì Đảng không làm được việc gì hết. Vì vậy, ta cần phải hợp tác với những người ngoài Đảng”(5). “Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”(6). Trong hoàn cảnh “thù trong giặc ngoài”, sự cần thiết phải thực thi chiến lược đại đoàn kết dân tộc tất yếu dẫn đến sự ra đời của “một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”(7)...

Muốn có nhân tài thực sự, trước hết, cần minh định nhân tài là ai? Hồ Chí Minh cho rằng, nhân tài không chỉ là người có tài năng xuất chúng, có thể làm được những việc không mấy ai làm được mà còn phải là người có đạo đức. Vì thế, Người luôn chủ trương “tìm người tài đức” và “trọng dụng những kẻ hiền năng”. Nhân tài là những người “có thể làm được những việc ích nước lợi dân” chứ không chỉ mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Tinh thần “dĩ công vi thượng” sẽ giúp tài năng của họ chuyển hóa thành các giá trị xã hội và trong quá trình cống hiến, tài năng càng được “nở rộ”.

Để có được vốn quý là nhân tài và sử dụng họ, điều quan trọng là phải phát hiện nhân tài. Hồ Chí Minh khẳng định, trách nhiệm này trước hết là của Nhà nước, Người nói: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”(8).

Với tinh thần dân chủ, Hồ Chí Minh cho rằng, việc phát hiện, ứng cử người tài và tự ứng cử cũng là quyền và trách nhiệm của mọi công dân. Người nhắn nhủ: “Chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những việc đó, lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì mời gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng, có thể thực hành được thì thực hành ngay”(9). Như vậy, Hồ Chí Minh đã chủ trương Nhà nước phải dựa vào dân để phát hiện nhân tài, không quan trọng người đó có là đảng viên hay không.

Tìm kiếm nhân tài đã khó nhưng sử dụng nhân tài cũng không dễ... Sau Cách mạng Tháng Tám, do yếu tố lịch sử, phần lớn các trí thức, nhân tài đều xuất thân từ các thành phần lớp trên, với sự trải nghiệm thực tế, Hồ Chí Minh đã đúc kết một số nguyên tắc, đầu tiên là không câu nệ, thành kiến về thành phần xuất thân. Người đã nói về nguyên tắc này như sau: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được”(10).

Nói với cán bộ về nguyên tắc này, Hồ Chí Minh từng đặt câu hỏi: “Trước khi ra đời, các đồng chí có gọi “telephone” đến hỏi xem bố mẹ là thành phần gì không”(11). Hai là, tránh căn bệnh kiêu ngạo, bè phái, tư túng cá nhân. Hồ Chí Minh phê phán những người cậy mình là đảng viên rồi “vác mặt quan cách mạng lên”. Người đả phá căn bệnh kiêu ngạo vì “đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài có đức hay bàn ngay nói thẳng”(12). Người nhấn mạnh, “kéo bè kéo cánh” cũng là một căn bệnh rất nguy hiểm; việc ưa ai thì dùng, ghét ai thì loại sẽ “làm Đảng bớt mất nhân tài”.

Nhân tài là lớp người rất đặc biệt nên cách thức sử dụng nhân tài phải “khéo”. “Khéo” ở đây là biết phân phối nhân tài, “tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ”. Đó là sử dụng nhân tài đúng sở trường, “ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy” bởi nếu đặt sai vị trí thì nhân tài sẽ trở thành kẻ bất tài và sinh ra bất đắc chí. “Khéo” còn là phải làm cho người tài hiểu rõ, hào hứng với công việc; biết “đánh thức” trong họ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đưa ra sáng kiến, dám chịu trách nhiệm. Hồ Chí Minh đúc kết: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”(13). Khi Hồ Chí Minh khẳng định: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ”(14), Người đã khẳng định một chân lý: Sự bộc lộ tài năng của nhân tài không chỉ phụ thuộc vào bản thân họ mà phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng họ. Vì thế, khéo dùng nhân tài là bổn phận của người lãnh đạo. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”(15).

Muốn sử dụng nhân tài thì cách làm việc phải sâu sát, dân chủ và phải thực sự có niềm tin vào họ. Thói quan liêu như chỉ đọc lý lịch và nghe báo cáo sẽ làm người lãnh đạo bỏ sót người có năng lực. Một đặc điểm trong cách sử dụng nhân tài của Hồ Chí Minh là khi muốn dùng ai, Người đều gặp trực tiếp để trao đổi công việc. Người quan sát kỹ lưỡng để cảm nhận về người đó và khi đã yên tâm thì giao việc, giao quyền với tất cả lòng tin. Với lòng tin khoa học vào con người, ngày 29.5.1946, trước khi đi Pháp, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 82/SL để trao quyền Chủ tịch nước cho một người ngoài Đảng là cụ Huỳnh Thúc Kháng chỉ với lời nhắn nhủ: Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Thực tế cho thấy, những ai được Hồ Chí Minh tin dùng đều hoàn toàn xứng đáng với niềm tin ấy.

Tin tưởng sâu sắc vào con người là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đúc kết: “Chủ nghĩa nhân đạo của Hồ Chí Minh không chỉ là sống vì con người, suốt đời lo toan cho con người, càng không phải là làm ra và đem lại cho con người hưởng những điều con người mong muốn, mà là khơi dậy trong con người lòng tự hào và niềm tin, ý chí và nhiệt tình cách mạng, để con người tự mình làm ra tất cả”(16).

Hồ Chí Minh còn cho rằng, muốn khỏi lãng phí nhân tài thì phải thường xuyên kiểm tra bởi “mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra”(17). Phải phát động các phong trào thi đua, bởi “nhờ thi đua mà nhân tài càng phát triển”. Điều đặc biệt của Hồ Chí Minh trong việc thu hút nhân tài ngoài Đảng là khơi dậy các động lực tinh thần và thu phục nhân tài bằng thái độ ân tình, chân thành, tin tưởng.

Là người “ngôn hành hợp nhất”, Hồ Chí Minh đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật dùng người với những lựa chọn, quyết định táo bạo mà sáng suốt. Thực tế cho thấy, Hồ Chí Minh là một người cộng sản đích thực, Chính phủ do Người đứng đầu luôn quy tụ rất nhiều nhân sỹ, nhân tài ngoài Đảng.

Chính phủ lâm thời ra đời ngày 28.8.1945 có 15 người thì chỉ 6 người thuộc Mặt trận Việt Minh. Tháng 3.1946, Hồ Chí Minh cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp kháng chiến với cơ cấu 10 bộ thì Mặt trận Việt Minh và Đảng Dân chủ chỉ giữ 4 bộ, hai đảng Việt Quốc và Việt Cách giữ 4 bộ, hai bộ quan trọng nhất là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đều do những người không đảng phái nắm giữ.

Tháng 11.1946, khi đại diện của đảng Việt Quốc, Việt Cách rút lui, Hồ Chí Minh được Quốc hội ủy quyền thành lập chính phủ mới. Lúc này uy tín của Việt Minh lên cao nhưng Người vẫn chủ trương chính phủ mới “phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”(18), “Việt Minh chiếm con số rất nhỏ”(19).

Sau hòa bình lập lại (năm 1955), trong Chính phủ vẫn có nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng như Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm... Bên cạnh việc lựa chọn các nhân tài ngoài Đảng tham gia Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sử dụng các nhân tài ngoài Đảng giữ các vị trí lãnh đạo, phụ trách chuyên môn của ngành y tế, giáo dục, khoa học, luật pháp. Những tên tuổi lớn trong ngành y tế Việt Nam như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Ngữ... đều được trọng dụng. Trong ngành giáo dục, ngoài bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Hồ Chí Minh trọng dụng các giáo sư, trí thức khác như Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Lân, Nguyễn Thúc Hào, Ngô Thúc Lanh. Về khoa học, Người trọng dụng kỹ sư Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Võ Quí Huân...

Về luật pháp, Người tin dùng luật sư Hồ Đắc Điềm, Vũ Trọng Khánh... Người cũng vận động các vị chức sắc tôn giáo như giám mục Lê Hữu Từ, nhà tư sản theo công giáo Ngô Tử Hạ trở thành “Cố vấn tối cao cho Chính phủ”; đưa linh mục Phạm Bá Trực trở thành Phó Chủ tịch Quốc hội. Do nhiều thành viên Chính phủ không phải là đảng viên nên khi họp, Hồ Chí Minh thường nói: “Kính thưa các vị bộ trưởng”, “Kính thưa các ngài bộ trưởng” hay thân tình hơn thì là “Kính thưa các cụ và các chú”. Chủ trương sử dụng nhân tài ngoài Đảng trong bộ máy nhà nước của Hồ Chí Minh đã giúp chính quyền cách mạng non trẻ có đủ nguồn nhân lực tài ba để gánh việc nước.

Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo các nhân tài ngoài Đảng từ các thành phần xuất thân và địa vị khác nhau. Không định kiến quá khứ mà luôn xem xét con người trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh còn trọng dụng một số quan lại cao cấp của chính quyền cũ như Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Đoàn, Khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Đổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe... Cụ Bùi Bằng Đoàn được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ và sau đó là Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tương đương Chủ tịch Quốc hội hiện nay), cụ Phan Kế Toại nhiều năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1947 - 1963) và Phó Thủ tướng (1955 - 1973).

Hồ Chí Minh sử dụng một số thành viên của Nội các Trần Trọng Kim như Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Hoàng Xuân Hãn... Ông Phan Anh còn được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Người cũng thu hút được đông đảo các trí thức “Tây học” như Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám, Trịnh Văn Bính, Nguyễn Khánh Toàn... Trong lần cải tổ Chính phủ vào tháng 11-1946, tiến sỹ Nguyễn Văn Huyên mới 38 tuổi đã được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ giáo dục.

Rất tin cậy và trọng dụng các nhân tài trẻ tuổi, trong chuyến đi sang Pháp trở về, Người đã đưa về nước 4 trí thức nổi tiếng là Phạm Quang Lễ, Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh. Trước tài năng và nhân cách Hồ Chí Minh, các trí thức trẻ đã tự nguyện từ bỏ địa vị, bổng lộc, cơ hội thăng tiến và hạnh phúc cá nhân ở chốn phồn hoa để theo Người về nước, chấp nhận mọi gian khổ. Nhà nông học Lương Định Của, bác sỹ Hồ Đắc Di cũng từ Nhật trở về để tham gia kháng chiến. Một người thuộc dòng dõi hoàng tộc như bác sỹ Tôn Thất Tùng đã đúc kết: “Tôi ở một thành phần mà con đường duy nhất là đi đến phản cách mạng; thế mà nhờ có sự giáo dục của Đảng, công ơn của Bác mà tôi được thưởng huân chương, được tuyên dương anh hùng lao động”(20).

Quý trọng nhân tài là đặc tính nổi bật của Hồ Chí Minh. Giữa Người và các các bậc chí sỹ ngoài Đảng như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại... không chỉ là những cộng sự mà còn là “tri âm, tri kỷ”. Người thực sự thương tiếc mỗi khi những bậc cao nhân qua đời. Nếu tang lễ cụ Huỳnh được cử hành theo nghi thức Quốc tang thì trong tang lễ cụ Nguyễn Văn Tố, Hồ Chí Minh tự mình viết lời điếu theo lối văn cổ bởi cụ Tố vốn là nhà Hán học cự phách. Quý trọng nhân tài, thấu hiểu sự mặc cảm về thành phần xuất thân cũng như những khó khăn nhất định trong công việc của các nhân tài ngoài Đảng, Hồ Chí Minh có cách động viên rất tế nhị.

Khi ông Nguyễn Văn Huyên đến xin Hồ Chí Minh cho từ chức Bộ trưởng vì không phải là đảng viên, Người đã nói: Điều quan trọng không phải là đảng viên hay không đảng viên mà là làm việc có tốt hay không. Yêu quý nhân tài nên Hồ Chí Minh cùng họ “chia ngọt, sẻ bùi”. Khi con trai của bác sỹ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã viết thư động viên: “Ngài  đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc... Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng”(21). Bác sỹ Vũ Đình Tụng đã viết: “Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với dân tộc”(22).

Sáng suốt, chân thành, khoan dung, độ lượng, Hồ Chí Minh đã giúp các nhân tài ngoài Đảng “bung nở” tài năng, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự hiến dâng cho Tổ quốc.

2. Bài học, kinh nghiệm từ việc trọng dụng nhân tài ngoài Đảng của Hồ Chí Minh trong công tác cán bộ hiện nay

Xuất phát từ yêu cầu của thực tế, trong các Đại hội gần đây, Đảng ta đều khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế sử dụng nhân tài. Đến Đại hội XIII, Đảng chủ trương “có cơ chế đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài”(23). Tuy nhiên, đến nay, việc sử dụng nhân tài ngoài Đảng vẫn là vấn cần quan tâm trong thực tiễn. Số lượng đại biểu không phải là đảng viên trong Quốc hội các khóa gần đây ngày càng thấp (Quốc hội khóa XIII có 42 người đại biểu ngoài Đảng, chiếm tỷ 8,4%; Quốc hội khóa XIV có 21 đại biểu ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 4,2%; Quốc hội khóa XV có 14 đại biểu ngoài Đảng, chiếm tỷ lệ 2,8%)(24). Vấn đề đặt ra lúc này là: Làm thế nào Đảng vẫn giữ vững quyền lãnh đạo và quy tụ được nhân tài ngoài Đảng? Tư tưởng và thực tiễn sử dụng nhân tài ngoài Đảng của Hồ Chí Minh để lại một số bài học, kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, phải ra sức thực hành chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Sinh thời, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Yêu nước không phải là độc quyền của riêng ai, “đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Người cũng nhấn mạnh: “Chỉ đoàn kết trong Đảng, cách mạng cũng không thành công được, còn phải đoàn kết nhân dân cả nước... Vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi”(25). Thật đáng suy nghĩ khi Việt Nam đã hòa giải với các nước đối phương và cùng họ xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện nhưng giữa người Việt thì đây đó vẫn tồn tại tư duy phân biệt người trong Đảng - người ngoài Đảng. Tư duy đó phần nào cản trở việc phát huy tối đa nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội.

Thứ hai, muốn sử dụng nhân tài ngoài Đảng thì phải chủ động tìm kiếm, vận động họ. Khi dân số Việt Nam chỉ 20 triệu người, Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng rằng đất nước không thiếu người tài đức. Với dân số trên 96 triệu người (năm 2021), chắc chắn nhân tài và những người có khả năng trở thành nhân tài ở nước ta không thiếu. Xưa kia, để mời được cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Bùi Bằng Đoàn - những con người tiết tháo, không màng danh lợi ra gánh việc nước, Hồ Chí Minh đã rất kiên trì và thể hiện rõ thái độ “cầu hiền”. Người từng nói với cụ Huỳnh rằng: “Trên con đường tranh đấu độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn một dặm nữa, xin cụ đừng thoái thác. Cụ vui lòng giúp tôi”(26).

Vận động nhân tài trước hết bằng sự chân thành, cởi mở, lấy uy tín cá nhân để bảo đảm là họ sẽ được thể hiện tài năng. Nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Nhân tài ngoài Đảng phải đốt đuốc mà tìm, trân trọng mà mời chứ đừng hy vọng là họ sẽ tự ra đâu. Họ có nhân cách và có nhiều việc để làm. Hãy hiểu, nhân sỹ, trí thức bên ngoài khi nhận lời mời của Đảng tức là đã hy sinh một phần đam mê riêng của mình”(27). Đối với những cơ quan, đơn vị chưa có đủ điều kiện để thu hút, hấp dẫn nhân tài thì nên có cơ chế cộng tác thích hợp nhằm sử dụng tài năng của họ.

Thứ ba, muốn quy tụ nhân tài ngoài Đảng, phải thực sự đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, phải khơi dậy trong đội ngũ trí thức tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Nhân tài, hiền tài là những người giàu trí tuệ, có tinh thần dân tộc nên muốn quy tụ họ thì phải lấy lợi ích dân tộc làm tối cao. Chính Hồ Chí Minh đã đúc kết bài học này: “Vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ”(28). Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng “cuộc sống hoàn toàn không một chút gợn riêng tư, đã tạo nên ở Người một cái gì vô cùng trong sáng”(29), có giá trị cuốn hút nhân tài, làm nảy sinh trong họ khát vọng hy sinh vì nghĩa lớn. Ngược lại, nếu dùng người tài chỉ để củng cố “cái ghế” của mình, phe cánh của mình và mưu lợi cá nhân thì không thể quy tụ được người tài - đức.

Thứ tư, muốn sử dụng nhân tài, trong đó có nhân tài ngoài Đảng thì phải thực sự quý trọng, nâng đỡ nhân tài, tạo điều kiện để người có năng lực trở thành người tài. Nói về vấn đề này, Hồ Chí Minh đúc kết: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(30). Trọng nhân tài thì phải đặt họ vào đúng chỗ, bởi dùng sai thì lãng phí, hỏng việc. Trọng nhân tài thì phải tôn trọng cá tính, không chấp nhất sự “khác người” của họ. Yêu thương nhân tài thì phải cảm thông, động viên họ khi họ va vấp trong quá trình tìm tòi chân lý, phải tạo điều kiện để họ được bồi dưỡng, rèn giũa. Đại hội VI của Đảng đã khẳng định: “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiều tài năng có thể mai một nếu không được phát hiện và sử dụng đúng lúc, đúng chỗ”(31). Nhân tài nào cũng cần có thời gian để “chín”, “bung nở”, tỏa sáng tài năng nên quý trọng nhân tài thì phải kiên nhẫn để họ “đơm hoa, kết trái”.

Thứ năm, phải chủ động thu hút trí thức, nhân tài người Việt ở ngoài nước. Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở 130 quốc gia trên thế giới(32), trong đó có tới hơn 6000 tiến sỹ và hàng trăm nhà khoa học có danh tiếng trên nhiều lĩnh vực(33). Phần lớn họ đều tâm huyết và mong muốn đóng góp cho đất nước. Có thể thu hút nguồn trí thức ở nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau như: về nước sinh sống, làm việc nhưng cũng có thể vẫn sống ở nước ngoài mà tham gia tư vấn, kiêm nhiệm làm việc cho các tổ chức trong nước. Muốn thu hút trí thức Việt kiều thì cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Tuy nhiên, để trả cho họ mức lương cao như ở các nước phát triển thì rất khó nên cũng cần thuyết phục họ cảm thông với những khó khăn của đất nước và tìm thấy hạnh phúc trong sự cống hiến cho quê hương.

Thứ sáu, muốn thu hút được người tài ngoài Đảng thì phải chọn được người đứng đầu thực sự có đức, có tài và có tư duy mới về công tác cán bộ. Có một tài năng lớn hơn mọi tài năng là tài năng sử dụng người tài. Người đứng đầu phải thực sự “dĩ công vi thượng”, dùng ai, loại ai phải vì lợi ích chung. Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”(34). Phải thực sự tuân thủ phương châm “chọn người tài chứ không chọn người nhà”.

Người đứng đầu phải chú trọng xây dựng môi trường làm việc dân chủ, chuyên nghiệp, thân thiện, không đố kỵ, có chế độ thông tin kịp thời, sử dụng đúng người, đúng việc. Tạo môi trường làm việc phù hợp, thuận lợi cho những người tài phát huy năng lực. Người lãnh đạo cũng phải biết bảo vệ nhân tài bởi vì người tài có tư duy độc lập, không chấp nhận “lối cũ, đường mòn” nên dễ trở thành “biệt lập” và hay bị những kẻ “hãm tài” nhưng đầy tham vọng tỵ hiềm, chống phá. Vì thế, nói như Hồ Chí Minh thì người lãnh đạo “phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”(35). Phải có cơ chế kiểm soát và ràng buộc trách nhiệm để người đứng đầu không thể lợi dụng chính sách thu hút nhân tài mà vụ lợi cá nhân.

Đối với bất kỳ quốc gia nào, lãng phí nhân tài cũng là lãng phí lớn nhất. Đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đặt ra những mục tiêu hết sức lớn lao, việc sử dụng nhân tài ngoài Đảng càng trở nên tất yếu và cấp thiết. Việc thấm nhuần và vận dụng sáng tạo các bài học, kinh nghiệm của Hồ Chí Minh sẽ góp phần quy tụ, phát huy nguồn “Trí Việt” quý giá trong việc xây dựng và phát triển đất nước./.

PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử ngày 25/5/2022.

 

 

__________________________________________

 

(1), (2) V.I.Lênin (1977), Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, T.36, tr.684, 368.

(3) V.I.Lênin (1977), Sđd, T.37, tr.493.

(4) V.I.Lênin (1978), Sđd, T.45, tr.117.

(5), (6), (12), (13), (14), (15), (17), (19), (21), (25), (28), (30), (34), (35) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.5, tr.278, 315-316, 632, 114, 320, 281, 314, 256, 49, 278, 504, 313, 123, 319.

(7), (8), (9), (10), (18) Hồ Chí Minh (2011), Sđd, T.4, tr.478, 504, 114, 43, 478.

(11), (20), (22) Xem: Vũ Thị Kim Yến (2020), Chuyện kể Bác Hồ với nhân sỹ, tri thức, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.129, 205, 55.

(16) Phạm Văn Đồng (2011), Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.205.

(23) ĐCSVN (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII,  Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, T.1, tr.110.

(24) https://vnexpress.net/nguoi-ngoai-dang-trung-cu-quoc-hoi-it-dan-3416996.html.

(26) Dẫn theo: Huỳnh Thúc Kháng tiểu sử (2019), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.206.

(27) Hữu Thọ, Phải thực sự cầu hiền, biết cách cầu hiền, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 21.11.2007.

(29) Võ Nguyên Giáp (2012), Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.333.

(31) ĐCSVN (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.134.

(32) https://viethome.co.uk/su-kien/63386-53-trieu-nguoi-viet-dang-song-va-lam-viec-o-130-quoc-gia-vung-lanh-tho.

(33) https://tuyengiao.vn/dien-dan/phat-huy-tiem-nang-tri-thuc-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-vao-su-nghiep-cnh-hdh-va-hoi-nhap-quoc-te-6023.