Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo

02/12/2024 16:28

Để công nghiệp văn hóa Hà Nội thực sự "cất cánh" và trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu, sự kiện thường niên như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đang được xem là "bệ phóng" không thể thiếu trong hành trình phát triển này.

Tạo môi trường hấp dẫn để thu hút nhân tài

Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Những khó khăn chủ yếu bao gồm sự thiếu hụt nguồn lực tài chính, nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm ở cả khu vực công lẫn tư nhân. Bên cạnh đó, hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các bên, khó khăn trong bảo vệ sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường, cũng như áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm văn hoá nước ngoài đang là những rào cản lớn cần vượt qua.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đang dần khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Để công nghiệp văn hóa Hà Nội thực sự "cất cánh" và trở thành trung tâm sáng tạo hàng đầu, thành phố cần một chiến lược phát triển toàn diện. Trước tiên là việc hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng nhằm thu hút đầu tư. Song song với đó, việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp sẽ tạo môi trường làm việc hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.

Nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố then chốt trong phát triển công nghiệp văn hoá. Hà Nội cần đầu tư mạnh vào đào tạo, tạo môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Việc xây dựng các cộng đồng sáng tạo không chỉ tạo điều kiện cho các nhà sáng tạo giao lưu, học hỏi mà còn mở ra cơ hội hợp tác đa chiều.

Về cơ sở hạ tầng, các không gian sáng tạo như trung tâm văn hóa, khu phố nghệ thuật, studio cần được đầu tư hiện đại. Đặc biệt, việc kết nối hạ tầng kỹ thuật tiên tiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo và kinh doanh. Song song với đó, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại sẽ tạo nên những sản phẩm văn hóa độc đáo, có sức lan toả mạnh mẽ.

"Phép thử" về năng lực hợp tác đa ngành

Trong bối cảnh đó, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò là "bệ phóng" quan trọng cho công nghiệp văn hóa Thủ đô. Ra đời từ năm 2021, sự kiện này không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu Thành phố Sáng tạo của Hà Nội trong Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO mà còn là nơi hội tụ của các tài năng sáng tạo trong nước và quốc tế.

Bước sang năm thứ 4, Lễ hội 2024 với chủ đề "Giao lộ sáng tạo" đã đạt đến một tầm cao mới với 110 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá, bao gồm kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh và quảng cáo. Sự kiện quy tụ gần 500 nhà sáng tạo, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ và chuyên gia, tạo nên một sân chơi đa dạng và phong phú cho cộng đồng sáng tạo.

Lễ hội không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu mà còn là "phép thử" về năng lực hợp tác đa ngành. Những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, từ cơ chế, quy định, thủ tục đến sự khác biệt về quan điểm và phương pháp thực hiện, đều trở thành cơ hội quý báu để các bên tham gia tự hoàn thiện, tìm kiếm cơ hội hợp tác và xây dựng nền tảng phát triển bền vững.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh, người chịu trách nhiệm Lễ khai mạc Lễ hội 2024, nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của lễ diễu hành như một màn phô diễn sức mạnh của cộng đồng sáng tạo với sự tham gia tích cực của công chúng và cộng đồng địa phương. Anh đánh giá cao xu hướng khai thác giá trị văn hóa truyền thống trong các chương trình nghệ thuật và hoạt động văn hóa cộng đồng do giới sáng tạo trẻ thực hiện, coi đây là hướng đi phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Một điểm nhấn đặc biệt của Lễ hội năm nay là việc biến Cung Thiếu nhi Hà Nội - một không gian gắn liền với ký ức nhiều thế hệ - thành một tổ hợp sáng tạo đương đại. Lê Thuận Uyên, một trong những người trẻ gắn bó với Lễ hội nhiều năm qua, chia sẻ: "Cung Thiếu nhi không chỉ là ký ức cá nhân mà còn là một dạng di sản văn hóa, lưu giữ vô số câu chuyện và tương tác của nhiều thế hệ. Cách nhìn nhận về di sản đã trở thành câu hỏi gợi mở, là tiền đề để xây dựng nội dung chương trình tại đây".

Sự chuyển đổi này được xem như một mô hình thí điểm cho việc tái định vị và phát huy giá trị các không gian văn hóa truyền thống trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa hiện đại.

Như vậy, Lễ hội trở thành nơi thu hút và nuôi dưỡng các nhà sáng tạo trẻ - lực lượng nòng cốt của nền công nghiệp văn hóa. Số lượng người tham gia sáng tạo, các dự án được triển khai và chất lượng sản phẩm là những chỉ số quan trọng giúp Hà Nội đánh giá và hoạch định chiến lược phát triển ngày càng thực tế và bền vững cho công nghiệp văn hóa thành phố.

Với sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo đang dần khẳng định vai trò là động lực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Thông qua việc tổ chức lễ hội thường niên này, Hà Nội không chỉ tạo ra một sân chơi cho người dân và du khách mà còn xây dựng môi trường sáng tạo hỗ trợ các nhà sáng tạo, tổ chức và doanh nghiệp.

Dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với những nỗ lực không ngừng và sự định hướng đúng đắn, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo hàng đầu trong khu vực và là điểm đến du lịch lễ hội văn hóa hấp dẫn trên bản đồ thế giới. Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội, với vai trò "bệ phóng", sẽ tiếp tục là kênh hiệu quả thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa đầy tiềm năng này.

Nguồn: laodongthudo.vn

Nguồn: laodongthudo.vn