Nghiên cứu bổ sung quy định về quy hoạch đặc cách đối với một số trường hợp có khả năng vượt trội nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn để bổ nhiệm cán bộ có đức, có tài

13/12/2022 16:15

Đây là một trong 3 nội dung được Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ kiến nghị, đề xuất đối với Ban Cán sự đảng Chính phủ trong Báo cáo số 112-BC/BCSĐ ngày 15/11/2022 kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Theo đó, ngay khi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP có hiệu thi hành từ ngày 20/01/2018 đến nay; căn cứ quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức và các Luật có liên quan, các bộ, ngành và địa phương như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Bình… đã chủ động ban hành Kế hoạch triển khai việc thu hút, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.

Hằng năm, các cơ quan ở Trung ương và địa phương căn cứ chỉ tiêu biên chế được giao, nhu cầu sử dụng công chức, viên chức đã ban hành Kế hoạch tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm như: Công tác tuyên truyền về chính sách đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng đã tạo được động lực lớn đối với các em học sinh, giúp các em có tinh thần, động lực trong việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và khu vực. Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ngay sau khi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, nhiều bộ, ngành và địa phương đã ban hành Văn bản để tổ chức triển khai thực hiện chính sách này. Công tác tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp với thực tiễn về nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút vào làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị đã đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các Bộ, ngành và địa phương, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Một là, Kết luận số 86-KL/TW quy định từ năm 2014 đến năm 2020 tuyển được 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên, số lượng thu hút đến nay còn hạn chế là do một số nguyên nhân, cụ thể như sau:

Do Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ban hành ngày 05/12/2017 nên từ  ngày 20/01/2018 (ngày có hiệu lực) mới triển khai thực hiện.

Một số cơ quan thuộc khối Đảng bị hạn chế về nguồn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ vì theo quy định tại Hướng dẫn số 37-HD/BTCTW ngày 04/8/2015 của Ban Tổ chức Trung ương về hướng dẫn một số nội dung trong tuyển dụng công chức, viên chức, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thì đối tượng tuyển dụng phải là đảng viên.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an áp dụng Nghị định và ban hành chính sách riêng. Tuy nhiên, do đảm bảo công tác bí mật nhà nước nên nội dung báo cáo không nêu rõ số liệu tuyển dụng. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù của quân đội, là ngành lao động đặc biệt, địa bàn hoạt động rộng, cả biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, điều kiện công tác, đi lại, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, phải thường xuyên xa gia đình, một số lĩnh vực công tác có tính chất nguy hiểm, độc hại... nên việc thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ còn hạn chế.

Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có chính sách riêng đặc thù (Hà Nội thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh).

Đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ còn có một số nội dung chưa phù hợp dẫn đến nguồn sinh viên thuộc diện được thu hút bị hạn chế; nhiều tài năng bị sót, chưa được hưởng chính sách thu hút. Hiện nay, có một số cuộc thi của sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn là đơn vị chủ trì mà giao cho các hội chủ trì, do đó khi đối chiếu với Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, nhiều sinh viên đạt giải sẽ không thuộc diện đối tượng được thu hút. Đối với học sinh phổ thông, yêu cầu phải đạt giải ba cá nhân trở lên tại một trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, đạt giải khuyến khích trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc Bằng khen trở lên trong các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi quốc tế thuộc một trong các môn khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học) và khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ) trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông là hơi cao, dẫn đến nguồn sinh viên xuất sắc bị hạn chế; nhiều cuộc thi mang tính trí tuệ cao khác chưa được cập nhật.

Hai là, một số cấp ủy, đơn vị, địa phương chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, dẫn đến khi triển khai còn chưa chủ động trong việc tìm kiếm, phát hiện tạo nguồn cũng như thực hiện các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng sử dụng và tôn vinh đối với các trường hợp thu hút.

Ba là, chính sách thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ đối với một số ngành, nghề đặc thù chưa thật sự hấp dẫn, lúng túng và thiếu đồng bộ trong việc lựa chọn, cử cán bộ trẻ, sinh viên ưu tú đi đào tạo ở nước ngoài và sử dụng họ sau khi đào tạo.

Bốn là, mặc dù đã có chính sách về chế độ cao hơn đối với những công chức tuyển dụng thông qua thi tuyển nhưng nhiều sinh viên sau khi đăng ký xét tuyển vẫn không tham gia dự tuyển. Bên cạnh đó, một số ngành, lĩnh vực, thành phố và khu vực nông thôn, miền núi gặp khó khăn khi thu hút, tuyển dụng do thiếu nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP.

Năm là, các quy định khung về đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị định chưa thực sự phù hợp với sinh viên, cán bộ khoa học trẻ tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài do hệ thống giáo dục, tiêu chí xếp loại thành tích học tập, rèn luyện và cách quản lý các cơ sở đào tạo, giáo dục ở các nước là không giống nhau và khác biệt so với Việt Nam.

Sáu là, nhu cầu của cơ quan tuyển dụng và đối tượng tuyển dụng chưa được kết nối kịp thời nên các bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn trong việc tìm nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để tuyển dụng. Việc tìm nguồn hiện nay chủ yếu thông qua hình thức thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bảy là, chính sách đãi ngộ về tiền lương khi thực hiện thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ chưa đảm bảo thu hút được đội ngũ này do hiện nay mức lương, chế độ đãi ngộ ở khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế... ngày càng cao.

Tám là, chênh lệnh tiền lương, phụ cấp quá lớn (gấp 2 lần) trong khi chế độ tiền lương đối với công chức, viên chức vẫn đang tính theo thâm niên công tác, bên cạnh đó mỗi vị trí công việc yêu cầu khác nhau dẫn đến sự so sánh trong nội bộ đơn vị và áp lực đối với các trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trúng tuyển.

Chín là, chính sách ưu tiên trong công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm đối với công chức được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP chưa được quy định rõ ràng, chưa tạo được bước đột phá.

Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ kiến nghị đề xuất với Ban cán sự đảng Chính phủ như sau:

Thứ nhất, giao Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tổng thể về chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát hiện, trọng dụng nhân tài làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền về chính sách chung đáp ứng nhu cầu tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ hai, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về quy hoạch đặc cách đối với một số trường hợp có khả năng vượt trội (về công tác chuyên môn và quản lý) nhằm đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn để bổ nhiệm cán bộ có đức, có tài trong các cơ quan.

Thứ ba, giao Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ trên cơ sở Kết luận số 86-KL/TW chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách sau tuyển dụng và tổ chức thực hiện chính sách đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ đảm bảo thu hút được nguồn lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đồng thời, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược quốc gia về trọng dụng nhân tài đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

 

Anh Cao (Nguồn: Báo cáo số 112-BC/BCSĐ)