Hải Dương: Linh hoạt, công tâm trong thu hút người tài

20/12/2021 16:38
  • Print
  • Lượt xem: 2670

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, PGS.TS. Triệu Thế Hùng, giống như nhiều tỉnh thành khác, những năm qua, Hải Dương luôn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở khu vực công. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh đã triển khai đồng bộ công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện chính sách thu hút, tuyển dụng cán bộ có trình độ cao, tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi vào làm việc...

Nhiều chính sách, chế độ phù hợp

Để sử dụng tốt đối tượng thu hút và cử đi đào tạo, Hải Dương đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc. Đồng thời, thực hiện chu đáo chế độ, chính sách đối với đối tượng thu hút. Ngoài chế độ đãi ngộ vật chất ban đầu và hỗ trợ hàng tháng, ưu tiên thi tuyển công chức, viên chức, bồi dưỡng tiền công vụ, mỗi năm có hàng trăm lượt người được cử đi đào tạo bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ.

Với quan điểm để thu hút được người giỏi cần chủ động tìm kiếm, mời gọi và có các chính sách linh hoạt đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng, tạo "đất" giữ chân và phát huy được khả năng của họ, từ tháng 7.2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ đi đào tạo sau đại học, thưởng phong học hàm, tặng danh hiệu đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, với nhiều ưu đãi, tiến bộ hơn so với trước. 

Cụ thể, tỉnh hỗ trợ bằng tiền một lần với các trường hợp thu hút, bao gồm, giáo sư bằng 120 lần mức lương cơ sở; phó giáo sư bằng 100 lần mức lương cơ sở; tiến sĩ y khoa, tiến sĩ dược học, bác sĩ nội trú bằng 100 lần mức lương cơ sở; bác sĩ chuyên khoa II, dược sĩ chuyên khoa II, tiến sĩ không thuộc lĩnh vực y khoa, dược học bằng 80 lần mức lương cơ sở…

Nhằm tạo động lực khuyến khích người tài, người có năng lực về công tác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 - 2030, với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá.

Đề án đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, bố trí 100% Bí thư cấp ủy cấp huyện không phải là người địa phương; phấn đấu mỗi đơn vị cấp huyện bố trí ít nhất 10% số xã, phường, thị trấn có Bí thư cấp ủy hoặc Chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương. Bố trí 10 - 15% số xã, phường, thị trấn có cán bộ trẻ (dưới 30 tuổi) tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Đến hết năm 2025, có ít nhất 30% số Bí thư cấp ủy cấp xã đồng thời là Chủ tịch UBND; trên 20% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, bảo đảm tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên cao cấp; 100% số lãnh đạo cấp sở, ngành và 70% số cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý bảo đảm tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính (trừ cán bộ cấp xã). 

Hải Dương đặt mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu có từ 10 - 15% số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; có ít nhất 2 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dưới 45 tuổi; có ít nhất 15% số cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi; 10% trở lên cấp ủy viên cấp xã dưới 30 tuổi. Mỗi năm luân chuyển ít nhất 10% số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, giữa tỉnh và huyện, thị xã, thành phố, giữa các huyện, thị xã, thành phố...

Hải Dương triển khai nhiều chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguồn: ITN 

Đánh giá theo tiêu chí cụ thể

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quế khẳng định, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài là mối quan tâm nhiều năm của tỉnh với nhiều chính sách, chế độ hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, để "định danh" rõ thế nào là người giỏi, chỉ có 2 công cụ để đánh giá là bằng cấp và qua thực tế; "khoảng trống" bất cập chính là có người chỉ giỏi trên bằng cấp nhưng lại không giỏi trong thực tế; có người giỏi về tay nghề, kỹ thuật, chuyên môn... nhưng lại không có bằng cấp hoặc bằng cấp không đạt loại giỏi. Vì vậy, cần chủ động tìm kiếm, đánh giá đúng người giỏi để mời gọi, thu hút họ.

Để bảo đảm được tính đột phá trong thu hút người tài, không ít ý kiến cho rằng, cần đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức, cán bộ, trong đó, thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp, quy trình, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm cụ thể, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác. Tiêu chí, nội dung đánh giá chuyển từ đánh giá "định tính" sang đánh giá "định lượng".

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, có thể phát hiện và thu hút được nhân tài nhưng sử dụng và phát huy được tài năng của họ mới là vấn đề quan trọng nhất, vì nếu không biết sử dụng thì họ không thể có cơ hội cống hiến và phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển và tiến bộ xã hội, thậm chí làm cho tài năng của họ có thể bị thui chột. Chính vì vậy, trong thực hiện chính sách, không thể khuôn mẫu, cứng nhắc mà phải rất linh hoạt, công tâm, sáng suốt. 

Nguồn: https://www.daibieunhandan.vn