Thủ khoa nêu ý kiến tại tọa đàm
Hàng chục năm trước đây, khi nhiều địa phương bắt đầu thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ” mời người tài thì vấn đề tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, tích cực đã được đặt ra như một điều kiện không thể thiếu. Thế nhưng, thực tế cho thấy, những năm qua, mặc dù các chế độ đãi ngộ ngày càng được nâng cao nhưng môi trường làm việc ở không ít cơ quan, đơn vị vẫn chậm được đổi mới, cải thiện. Bởi vậy, vấn đề này mặc dù đã được nói nhiều, bàn nhiều nhưng vẫn luôn là nội dung được đặc biệt quan tâm trong các diễn đàn, hội thảo về thu hút, trọng dụng nhân tài.
Chính vì môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp, thậm chí trì trệ, tiêu cực nên mặc dù nhiều địa phương chi hàng trăm triệu đồng hỗ trợ một lần, kèm theo các chế độ đãi ngộ khác như hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại... để mời cán bộ có trình độ cao, mời thủ khoa xuất sắc về công tác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, không ít người đã xin nghỉ việc. Nhiều tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài bằng tiền ngân sách, sau khi về làm việc một thời gian cũng đành phải nói lời chia tay, chấp nhận đền bù chi phí đào tạo...
Công bằng mà nói, những năm gần đây, môi trường làm việc tại các cơ quan nhà nước nhìn chung đã có sự thay đổi tích cực. Tuy vậy, so với đòi hỏi từ thực tiễn thì vẫn còn khoảng cách. Ở không ít nơi còn phổ biến tình trạng thiếu công khai, minh bạch, dân chủ hình thức; bố trí, sử dụng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không dựa vào năng lực, phẩm chất, hiệu quả công việc mà chủ yếu vì mối quan hệ thân hữu, “con cháu các cụ” hoặc xin xỏ, chạy chọt; phương pháp làm việc cứng nhắc, máy móc, thiếu năng động, sáng tạo... Những bất cập này còn tồn tại thì dù lương có cao, chế độ đãi ngộ hấp dẫn đến mấy cũng khó có thể thu hút, giữ chân người tài làm việc lâu dài hoặc tuy chấp nhận làm việc nhưng nhân tài không có động lực để sáng tạo, cống hiến.
Để có được môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp, tích cực không phải là điều đơn giản, càng không thể nóng vội một sớm một chiều bởi phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ những vấn đề có tính vĩ mô như cơ chế, chính sách, pháp luật đến từng cá nhân trong mỗi cơ quan, đơn vị, thể hiện ở trình độ, ý thức trách nhiệm, văn hóa ứng xử... Vì thế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ; xây dựng văn hóa công sở... Đặc biệt, một nội dung không thể thiếu là phát huy tính gương mẫu của người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu thực sự trong sáng, “dĩ công vi thượng” thì nhất định môi trường làm việc sẽ trở nên tích cực, thân thiện hơn.
Nguồn: qdnd.vn