Báo cáo tình hình thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Bộ Ngoại giao cho biết, Bộ đã đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt triển khai Nghị định; góp phần đổi mới nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ về việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu hút, tạo nguồn cán bộ.
Ngoài ra, Bộ đã thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách đến các học sinh, sinh viên, cán bộ khoa học trẻ bằng các văn bản chỉ đạo hoặc lồng ghép trong Chỉ thị hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm.
Ở nước ngoài, các Cơ quan đại diện Việt Nam đã triển khai phổ biến nội dung Nghị định trên trang thông tin điện tử của cơ quan và thông qua đầu mối là các hội sinh viên, đảng viên lưu học sinh sinh hoạt tại chi bộ, các hội người Việt tại địa bàn. Một số Cơ quan đại diện đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định, hoặc lồng ghép nội dung này vào nhiệm vụ hàng năm, gắn với công tác quản lý lưu học sinh và có các hình thức khen thưởng, biểu dương những sinh viên, nghiên cứu sinh có thành tích xuất sắc nhằm khích lệ, tạo thêm động lực cho sinh viên Việt Nam ở sở tại.
Bộ Ngoại giao cũng đã xây dựng và phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Ngoại giao giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch đào tạo, bồi dường cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Mục tiêu trong công tác thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của Bộ Ngoại giao là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chính quy, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động đối ngoại, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhiệm vụ thu hút, tạo nguồn cán bộ chất lượng cao tại Bộ Ngoại giao cũng có sự gắn bó chặt chẽ với công tác đào tạo, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm..., hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện đội ngũ cán bộ đối ngoại cho ngành.
Cũng theo Bộ Ngoại giao, việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ các quy định của Chính phủ, của cơ quan quản lý công chức, viên chức... như Nghị định sổ 140/2017/NĐ-CP; Nghị định số 27/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về tuyển chọn và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành, địa phương.
Mặt khác, nền kinh tế thị trường mở ra nhiều cơ hội lựa chọn về việc làm, mức lương, chính sách đãi ngộ ngày càng cao, nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức quốc tế... đã thúc đẩy cạnh tranh và tạo sức ép lớn cho khu vực công nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng trong công tác thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sẳc, cán bộ khoa học trẻ.
Cùng với đó, hệ thống giáo dục, tiêu chí xếp loại thành tích học tập và cách quản lý các cơ sở đào tạo, giáo dục ở các địa bàn là không giống nhau và khác biệt so với Việt Nam, thậm chí, bằng tốt nghiệp của một số nơi không có xếp loại. Do đó, các quy định khung về đối tượng, tiêu chuẩn áp dụng chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị định còn chưa thực sự phù hợp với mọi sinh viên tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài.
Do đó, Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc triển khai thực hiện các chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Chỉ đạo, phân công các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, thống kê và gửi thông báo định kỳ hàng năm tới Bộ Ngoại giao về những ngành nghề, vị trí công việc mà đất nước có nhu cầu trong tương lai (5-10 năm) để sinh viên, cán bộ khoa học trẻ là người Việt Nam ở các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài quan tâm có hướng phấn đấu cụ thể hơn.
Đối với Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút, “giữ chân” và tạo động lực cho “nhân tài”, các cán bộ, công chức có năng lực, trình độ cao làm việc, phấn đấu và đóng góp trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Riêng với Bộ Ngoại giao, để có thể thu hút và phát huy tối đa năng lực của đội ngũ cán bộ ngoại giao trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, căn cứ tính chất công việc đặc thù của ngành Ngoại giao phần nhiều mang tính chất chính trị, điều kiện lao động của ngành ngoại giao cũng cao hơn mức bình thường, từ tiêu chuẩn đầu vào, cường độ làm việc, yêu cầu trách nhiệm đến môi trường làm việc có độ nhạy cảm cao, đề nghị Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xem xét có chế độ tiền lương phù hợp, cho phép ngành Ngoại giao được hưởng mức phụ cấp theo hàm, cấp ngoại giao.
Thanh Tuấn (Nguồn: Vụ Công tác Thanh niên cung cấp)