Đề án 500 trí thức trẻ: Bổ sung nguồn nhân lực phát triển nông thôn, miền núi

18/12/2019 09:50
  • Print
  • Lượt xem: 3477

Mang trong mình hành trang tri thức, nhiệt huyết và bản lĩnh, 10 đội viên của Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện về tham gia phát triển nông thôn - miền núi giai đoạn 2013 - 2020 ở huyện Tân Sơn đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành với khát vọng cống hiến sức trẻ, tài năng, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở những vùng đất khó.

Cống hiến sức trẻ
3 năm nay, đội viên Nguyễn Thúy Hằng (quê ở huyện Thanh Sơn) đã gắn bó với mảnh đất Thu Ngạc, huyện Tân Sơn. Tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, cô gái trẻ sinh năm 1992 tình nguyện tham gia Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện và được bố trí đảm nhận chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch ở xã Thu Ngạc. Những ngày đầu về xã, Hằng phải đối mặt với những vấn đề về tập quán và tiếng nói của người dân địa phương. Trên địa bàn xã có 98% dân số là người Mường nên việc giao tiếp, tìm hiểu cuộc sống của bà con rất khó khăn. Để đáp ứng yêu cầu công việc, Hằng đã tự nghiên cứu tìm cách học tiếng Mường. Đến nay, em đã có thể giao tiếp với người dân nơi đây bằng tiếng địa phương. Khảo sát ở Thạch Khoán cho thấy, do thiếu hiểu biết pháp luật, rất nhiều người dân còn thiếu các loại giấy tờ tùy thân, đặc biệt người dân đăng ký khai sinh muộn chiếm tới 40%. Điều đó khiến công việc của cán bộ Tư pháp - Hộ tịch như Hằng thêm vất vả khi phải hướng dẫn người dân hoàn thiện giấy tờ. Trước thực trạng đó, Hằng đã tham mưu với lãnh đạo xã triển khai Dự án “Nâng cao chất lượng công tác đăng ký khai sinh trên địa bàn xã”. Để dự án đạt hiệu quả, Hằng không quản khó khăn, vất vả, đi từng bản, xuống từng nhà, tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, tình cảm, tìm hiểu phong tục tập quán và tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức, thực hiện đúng quy định pháp luật. Hằng yêu công việc này đến mức quên cả thời gian, có những khi Hằng làm việc qua trưa hoặc nán lại cuối giờ chiều để hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho bà con ngay trong ngày. Đến giờ, người dân các thôn, bản của xã Thu Ngạc vẫn thường gọi em là “con người của công việc”.
Hằng chia sẻ: Em rất tự hào khi được tham gia Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện, được cống hiến nhiệt huyết và sức trẻ cho vùng khó khăn. Để đồng nghiệp gần gũi, tin tưởng, người dân yêu quý, em không ngại khó, ngại khổ bởi khi bản thân mình xây dựng được lòng tin, uy tín trong công việc thì nói gì và làm gì cũng thuận lợi.
Sinh ra và lớn lên ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, Hà Thị Kim Chiến (sinh năm 1990) có nguyện vọng trở về góp sức dựng xây quê hương. Về xã Văn Luông, Chiến đảm nhận chức danh công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường. Là con em địa phương nên Chiến cũng có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, trình độ dân trí của người dân ở đây không đồng đều, một số tập quán còn lạc hậu, cơ sở vật chất thiếu thốn, kinh tế khó khăn,  người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất... Qua khảo sát, lắng nghe tâm tư của người dân và nhu cầu thực tiễn ở địa phương, Chiến đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã triển khai mô hình trồng 19ha cây bưởi Diễn trên đất gò đồi. Song do khó khăn về nguồn nước tưới, tập quán canh tác lạc hậu của bà con đã khiến cho mô hình của Chiến hiệu quả chưa như kỳ vọng. Không nản lòng, Chiến bám sát cơ sở, xuống từng khu tiếp tục vận động, tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật. “Mưa dầm thấm đất”, bà con dần thay đổi thói quen canh tác lạc hậu dựa vào thiên nhiên là chính sang áp dụng kỹ thuật chăm sóc thường xuyên. Nhờ vậy, những vườn bưởi Diễn đến nay sinh trưởng tốt. Ngoài ra, Chiến còn vận động bà con thâm canh cây chè theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm chè sạch cung cấp cho các nhà máy chè trên địa bàn huyện và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Cùng với đó, Chiến tham mưu xây dựng dự án nuôi dê cái sinh sản tại khu Hoàng Hà và khu Đồng Tún với số lượng ban đầu 40 con. Hiện, đàn dê sinh sôi lên hơn 100 con. Bà con hưởng ứng tích cực tham gia vào các dự án phát triển kinh tế do Chiến hướng dẫn. Nhờ đó, có hộ vươn lên thoát nghèo như hộ ông Trần Văn Hùng ở khu Hoàng Hà và gia đình ông Hà Văn Chiệc ở khu Đồng Tún.
Cũng như Nguyễn Thúy Hằng, Hà Thị Kim Chiến, các đội viên tham gia Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện ở Phú Thọ luôn mang trong mình tinh thần xung kích, sáng tạo, khát khao cống hiến với mong muốn được góp phần giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Thành công được ghi nhận
Sau gần 3 năm công tác, các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện đã nhanh chóng tiếp cận được với công việc của công chức xã theo chức danh chuyên môn đảm nhận. Trong quá trình làm việc tại cơ sở, với trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, tận tụy trong công việc, các đội viên Đề án được nhân dân tin tưởng, quý mến, trưởng thành nhanh chóng và có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của địa phương.
Ông Hoàng Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc cho biết: Xã miền núi Thu Ngạc có gần 36% hộ nghèo, khả năng tiếp cận pháp luật của bà con thấp, phát huy kiến thức của mình, đội viên Nguyễn Thúy Hằng đã tuyên truyền cho người dân hiểu, làm theo hiến pháp và pháp luật. Đến nay, tất cả thủ tục liên quan đến tư pháp, hộ tịch đều được giải quyết trong ngày giảm thời gian chờ đợi và đi lại cho người dân. Trong năm 2017, Hằng đã tham mưu cho xã áp triển khai áp dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch một cách chính xác, hiệu quả, nhanh chóng. Hằng còn tham gia vào ban hòa giải cơ sở chủ yếu trong lĩnh vực tranh chấp đất đai và khởi kiện ly hôn; tham mưu cho UBND xã thực hiện niêm yết công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết của UBND cấp xã tại bộ phận một cửa. Với sự cố gắng ấy, 3 năm công tác Hằng đều được bình xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tháng 9/2017 em vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
anh-2.jpg
Đội viên Nguyễn Thúy Hằng hướng dẫn người dân xã Thu Ngạc thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân
Còn đối với Hà Thị Kim Chiến, trong quá trình công tác Chiến đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. 3 năm liên tiếp Chiến được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tạo điều kiện tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.
Để đạt được những kết quả đó, ngay từ khi triển khai Đề án, các đội viên được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh thường xuyên quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tinh thần; chọn cử tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước; thực hiện các chế độ chính sách đối với đội viên đúng quy định, chú trọng công tác phát triển Đảng đối với đội viên. Trong 10 đội viên, có 2 đội viên là đảng viên trước khi tham gia Đề án, 4 đội viên được kết nạp Đảng sau khi về xã công tác, 3 đội viên tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và 1 đội viên đang theo dõi, giúp đỡ phát triển Đảng.
Ông Vũ Tiến Bắc - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết:Huyện Tân Sơn có 10 trí thức trẻ là đội viên Đề án 500 về nhận nhiệm sở tại 10 xã: Văn Luông, Mỹ Thuận, Thu Ngạc, Thu Cúc, Tân Sơn, Lai Đồng, Minh Đài, Xuân Đài, Kim Thượng và Xuân Sơn. Khi về địa phương được bố trí các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trước khi nhận nhiệm vụ các đội viên Đề án 500 trong tỉnh đều được đào tạo bài bản nên có trình chuyên môn vững vàng. Khó khăn của các đội viên chính là kinh nghiệm công tác và sự bỡ ngỡ khi tiếp xúc với môi trường mới. Trong quá trình công tác, ngoài việc nâng cao kiến thức chuyên môn, các đội viên Đề án 500 đã không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những cán bộ, công chức trong cơ quan, cố gắng bám sát cơ sở để có thêm kinh nghiệm thực tế và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Về đâu khi Đề án 500 kết thúc?
Theo Đề án 500, từ năm 2015 toàn quốc sẽ tuyển chọn 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi. Thời gian công tác tối thiểu là 5 năm. Nếu đội viên tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm việc thì phải bồi thường cho Nhà nước kinh phí hỗ trợ ban đầu, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và các chi phí quản lý khác có liên quan. Đội viên sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được cơ quan có thẩm quyền xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên dựa vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đội viên còn được ưu tiên xét tuyển khi tuyển sinh vào hệ đào tạo sau đại học, được chính quyền địa phương ưu tiên sắp xếp, ổn định công việc, điều kiện về chỗ ở và các khoản hỗ trợ khác.
Tuy nhiên băn khoăn lớn nhất của tất cả các đội viên tham gia Đề án 500 tại huyện Tân Sơn là sau khi Đề án kết thúc thì sẽ bố trí việc làm như thế nào? Khi đặt câu hỏi này, lãnh đạo các xã ở địa phương có đội viên tham gia đề án có chung mong muốn giữ đội viên lại để tiếp tục công tác nhưng hiện nay thực hiện tinh giản biên chế nên việc sắp xếp vị trí việc làm cho đội viên này địa phương cũng rất trăn trở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn Vũ Tiến Bắc chia sẻ: Trước Đề án 500, huyện Tân Sơn đã nhận 7 đội viên của Dự án 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã. Khi Đề án kết thúc, huyện chỉ bố trí được việc làm cho 5 đội viên, 2 đội viên còn lại phải bố trí tại 2 huyện Thanh Sơn và Yên Lập. Với việc thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, bố trí việc làm cho đội viên Đề án 500 sẽ càng khó khăn hơn bởi hầu hết các xã của huyện đều đã đủ số công chức theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2020 khi Đề án 500 kết thúc, huyện sẽ thường xuyên rà soát cán bộ nếu địa phương nào thiếu sẽ sắp xếp bổ sung bất kỳ thời điểm nào chứ không phải đợi đến khi Đề án kết thúc. Huyện sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em được công tác ổn định ở địa phương. Và tôi mong rằng Sở Nội vụ, UBND tỉnh có cơ chế đặc biệt cho các địa phương thực hiện Đề án 500, đồng thời các huyện khác cùng phối hợp, cộng tác với Tân Sơn tạo việc làm ổn định cho các đội viên như với Dự án 600.
Tại hội nghị Sơ kết Đề án 500 của 14 tỉnh phía Bắc vừa qua được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ, ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu và ban hành hướng dẫn chi tiết về quy hoạch, bố trí việc làm cho đội viên từ nay đến khi kết thúc. Trung ương sẽ không chủ trì bất cứ dự án trí thức trẻ nào nữa, mà sẽ ban hành chính sách để áp dụng chung cho toàn quốc. Các địa phương sẽ dựa vào để đề xuất giải pháp thu hút và đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt trong tương lai. Vấn đề quan trọng là việc tuyển chọn trí thức trẻ cần bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, đang thiếu cán bộ ở lĩnh vực nào. Chỉ khi đó, nguồn cán bộ trẻ có trình độ mới được sử dụng hiệu quả, để tri thức và nhiệt huyết tuổi trẻ tiếp tục góp phần thay đổi diện mạo của những vùng khó khăn.
Theo http://www.phutho.gov.vn/

Theo http://www.phutho.gov.vn/