Giá thuốc lá chưa phải là rào cản đối với việc hình thành thói quen hút thuốc lá

22/07/2024 10:05

Việt Nam hiện là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới, khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng thụ động. Mỗi năm, khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Một trong những lý do chính là giá thuốc lá của Việt Nam còn thấp, đứng thứ 157 trên tổng số 161 quốc gia theo đánh giá của WHO.

Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Tuy nhiên cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 32,5% tương đối vào năm 2030, so với tỷ lệ của năm 2015 như đã đề ra trong Chương trình sức khỏe Việt Nam.

Tiến sĩ  Angela Pratt cho rằng, một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế. Bởi giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Do vậy, Việt Nam cần thay đổi điều này và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này.

Trong giai đoạn từ năm 2016-2019, Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cắt giảm việc sản xuất và tiêu thụ thuốc lá như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng tỷ lệ người sử dụng thuốc lá ở Việt Nam vẫn giảm rất ít từ 47,4% ở nam giới vào năm 2010 xuống 42,7% vào 2022. 
Tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính tính giữ thuế suất với thuốc lá ở 75% nhưng bổ sung mức thuế tuyệt đối tăng dần. Cụ thể, 2026-2030, thuế tuyệt đối áp cho thuốc lá điếu sẽ tăng 5.000-10.000 đồng một bao, xì gà 50.000-100.000 đồng một điếu.
 

Theo báo Vnexpress,  Tại hội thảo ngày 16/7/2024, các doanh nghiệp lo ảnh hưởng tiêu cực nếu thuốc lá bị áp thêm thuế tuyệt đối 10.000 đồng một bao, lên cao nhất so với mặt hàng khác. Đại diện Công ty thuốc lá Thăng Long dẫn số liệu từ Hiệp hội thuốc lá cho biết 85% mặt hàng này tại Việt Nam ở phân khúc dưới 15.000 đồng một bao. Ngoài thuế suất tương đối ở mức 75%, doanh nghiệp sẽ phải nộp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 2%, bảo vệ môi trường 60 đồng, dán tem 18,18 đồng cho mỗi bao thuốc. Nếu tính thêm thuế tuyệt đối lần này, tối đa 10.000 đồng một bao (chiếm 66% giá bán hiện tại), đây sẽ là mặt hàng chịu thuế cao nhất.

Đại diện Cục Quản lý giám sát Chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) – Bà Lê Thùy Linh cho hay đề xuất tăng thuế sẽ nhằm hạn chế sản xuất, sử dụng thuốc lá, cụ thể dự kiến, sau tăng thuế, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 42,7% vào năm 2022 về 38,6% vào 2030. Thu ngân sách mặt hàng này tăng lên 39.200 tỷ đồng vào 2030, gấp 2,2 lần so với 2022.

Với phương án tăng thuế, các doanh nghiệp thừa nhận giá bán trong nước tăng mạnh, từ đó giảm lượng tiêu thụ 40-50% trong 5 năm tới. Song, họ cho rằng việc này sẽ tạo điều kiện cho thuốc lậu chiếm lĩnh thị trường. Thu nhập của lao động, ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng.

Ngoài thuốc lá lậu, đại diện Công ty thuốc lá Thăng Long còn lo ảnh hưởng tới khả năng bảo toàn, phát triển vốn nhà nước khi tiêu thụ sụt giảm. Hiện nay 18 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu trên cả nước đều có chủ sở hữu là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (100% vốn nhà nước) hoặc các UBND cấp tỉnh, thành phố. Cùng với đó, họ cho rằng nhà chức trách dự kiến điều chỉnh thuế cho 17 tháng tới, trong khi nhiều chiến lược, kế hoạch đầu tư được tính cho chu kì kinh doanh dài hạn hơn. Điều này ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh ổn định của doanh nghiệp.

Do đó, đại diện từ Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam và các doanh nghiệp đề xuất Bộ Tài chính cân nhắc "áp mức thuế tuyệt đối vừa phải, lộ trình hợp lý". Cụ thể, họ đề xuất tính thuế tuyệt đối 1.000 đồng một bao 20 điếu vào năm 2026 và tăng 500 đồng mỗi năm vào những năm tiếp theo.Thuế tuyệt đối đến 2030 theo kiến nghị của doanh nghiệp nên là 3.000 đồng một bao, bằng khoảng 30% mức Bộ Tài chính đưa ra. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, ổn định sản xuất và hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, ngân sách.

Theo đó, Bộ Tài chính cần nghiên cứu một cách thận trọng phương án, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nhằm  đảm bảo hài hòa giữa lợi ích sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngân sách của nhà nước.
 

Hạnh Phạm