Bộ Nội vụ ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân

07/07/2025 16:31

(Moha.gov.vn)-Ngày 30/6/2025, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch số 4560/KH-BNV thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Kế hoạch).

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Theo đó, mục đích, yêu cầu của Kế hoạch nhằm quán triệt, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 138/NQ-CP và Nghị quyết số 139/NQ-CP của Chính phủ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng, hành động trong Bộ Nội vụ về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh.

Theo chức năng, nhiệm vụ góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Góp phần tạo dựng niềm tin và sự đồng hành giữa Nhà nước và doanh nghiệp; bảo đảm quyền sở sữu, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nhân, doanh nghiệp.

Xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, làm căn cứ để các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần hiện thực hoá mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Kế hoạch xác định 6 nội dung thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, Bộ Nội vụ giao các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức quán triệt, phổ biến Nghị quyết số 68-NQ/TW, Nghị quyết số 138/NQ-CP, Nghị quyết số 139/NQ-CP và Kế hoạch hành động đến từng công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân; thay đổi tư duy, nhận thức, hành động, đối xử công bằng, bình đẳng với kinh tế tư nhân, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững.

Giao Trung tâm Công nghệ thông tin, Tạp chí Tổ chức nhà nước và Lao động, Báo Dân trí, Văn phòng Bộ xây dựng chương trình truyền thông chuyên đề về phát triển kinh tế tư nhân để khơi dậy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.

Ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, trong đó tập trung quán triệt toàn thể công chức, viên chức, người lao động đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, đảm bảo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”; nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, cơ chế “xin - cho”, hành vi bảo hộ cục bộ trong xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật; thống nhất trong thực thi chính sách.

Tổ chức xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật công bằng, minh bạch theo cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ.

Xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi được phân công quản lý để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nhằm loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Ứng dụng triệt để chuyển đổi số nhằm cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh. Triển khai cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh không phục thuộc vào địa giới hành chính….

Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh

Bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Trong đó, rà soát, phân loại đối tượng kiểm tra; chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài về cùng một nội dung, lĩnh vực; số lần kiểm tra tại doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm cả kiểm tra liên ngành không được quá một lần một năm, trừ trường hợp cần kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Công bố công khai kế hoạch kiểm tra trên Cổng thông tin của Bộ để cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh biết, phối hợp thực hiện. Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trực tuyến, từ xa; ưu tiên kiểm tra dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm tối đa kiểm tra trực tiếp. Tham mưu xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ, quyết liệt đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, vi phạm bản quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đúng pháp luật.

Thứ ba, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất daia, vốn, nhân lực chất lượng cao.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chương trình hỗ trợ của ngành cho đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong đó tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực quản trị, xây dựng hệ thống tài chính minh bạch, chuẩn mực, chuẩn hoá chế độ kế toán, kiểm toán…, để tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính…

Thứ tư, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Thứ năm, hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu bố trí, huy động, lồng ghép nguồn lực, tham gia triển khai Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong, Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global) theo lĩnh vực, địa bàn quản lý.

Thứ sáu, đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Kế hoạch giao các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức các sự kiện theo hình thức phù hợp nhằm tôn vinh, động viên và lan toả tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, tinh thần doanh nhân tới cộng đồng; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo thẩm quyền những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh làm ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam…

Anh Cao (Nguồn: Kế hoạch số 4560/KH-BNV)