Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghe trình bày về việc thành lập thị trấn, điều tra địa giới hành chính của 4 tỉnh, thành

12/06/2023 15:29

Thực hiện Phiên họp thứ 55, sáng 27/4/2021, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày các tờ trình về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang, thành phố Hà Nội và của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Đề cập sự cần thiết thành lập thị trấn thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Huyện Yên Định cách thành phố Thanh Hóa khoảng 25 km về phía Tây bắc; có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, có Quốc lộ 45 đi qua, kết nối các huyện miền núi phía Tây với Cảng hàng không Thọ Xuân và cảng biển nước sâu Nghi Sơn, là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực phía Tây bắc của tỉnh Thanh Hóa.

Xã Quý Lộc và xã Yên Lâm được quy hoạch trở thành trung tâm dịch vụ, thương mại, trung tâm công nghiệp, vật liệu xây dựng kết hợp với dịch vụ hỗ trợ nghề đá, là đầu mối giao thông quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây bắc huyện Yên Định với các huyện giáp ranh. Thực hiện quy hoạch được duyệt, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển trên địa bàn các xã. Đến nay, kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt là phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, dịch vụ, thương mại, tạo bước chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trên địa bàn. Vì vậy, thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm là cần thiết, cùng với thị trấn Thống Nhất và thị trấn Quán Lào tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Định.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày các tờ trình về việc thành lập thị trấn, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc 4 tỉnh, thành.

Đối với việc thành lập thị trấn thuộc tỉnh Đồng Nai cho thấy, xã Long Giao nằm ở vị trí trung tâm của huyện Cẩm Mỹ, là ngã ba kết nối các trục giao thông huyết mạch trong vùng, có trụ sở hành chính của huyện đặt trên địa bàn, là trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện. Đồng thời, từ khi hình thành và phát triển đến nay, huyện Cẩm Mỹ chưa có trung tâm huyện lỵ (thị trấn). Vì vậy, việc thành lập thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ là yêu cầu cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, để huyện Cẩm Mỹ có trung tâm huyện lỵ theo quy định và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn.

Về điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thị trấn thuộc tỉnh Tuyên Quang: Hiện nay, huyện Lâm Bình có 3 xã (Hồng Quang, Thổ Bình và Bình An) cùng với 02 xã của huyện Chiêm Hóa (Phúc Sơn, Minh Quang) nằm trong lòng chảo, bao quanh bởi dãy núi cao và bị ngăn cách với các xã còn lại của huyện Chiêm Hóa bởi đèo Lai. Người dân của các xã nêu trên có nhiều nét tương đồng và cùng liên kết phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp. Tuy nhiên do thuộc quản lý của 02 huyện khác nhau nên việc lập quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho cụm xã chưa đồng bộ, chưa tạo được động lực để thu hút đầu tư, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các xã trong phát triển nông lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính nhằm chuyển 02 xã của huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và nguyện vọng của nhân dân địa phương.

Lăng Can là xã trung tâm của huyện Lâm Bình, là đầu mối giao thông quan trọng. Hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa tại xã Lăng Can đặt ra yêu cầu cần thiết phải thành lập thị trấn góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lâm Bình. Các thôn Cầu Trôi, thôn 11 và thôn Đồng Chằm thuộc xã Tứ Quận; thôn 1, thôn 6 thuộc xã Lang Quán tiếp giáp với xã Thắng Quân cùng nằm trên trục Quốc lộ số 2 tuyến Tuyên Quang đi Hà Giang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Đồng thời, đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt quy hoạch chung và được đầu tư xây dựng trung tâm thị trấn huyện lỵ Yên Sơn (bao gồm toàn bộ xã Thắng Quân và 05 thôn thuộc hai xã Tứ Quận và Lang Quán). Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn Yên Sơn là cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong khu vực và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Sơn.

Đề cập về sự cần thiết đề nghị điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực tế quản lý dân cư ngoài địa giới hành chính của các phường Nghĩa Tân, Mai Dịch (quận Cầu Giấy) thời gian qua là không đúng quy định, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý của chính quyền các cấp, nhất là công tác quản lý cư trú, đảm bảo an ninh trật tự và việc quản lý hành chính trên các lĩnh vực như quản lý đất đai, cấp phép xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục; đồng thời, làm ảnh hưởng đến người dân trong việc thực hiện các giao dịch hành chính và thực hiện các nghĩa vụ của công dân đối với cơ quan nhà nước ở địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, do những bất cấp nêu trên, nhân dân sinh sống tại 08 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân và tại tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 đều có nguyện vọng được chính thức điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính về quận Cầu Giấy quản lý. Vì vậy, việc điều chỉnh địa giới toàn bộ diện tích tự nhiên của 08 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân từ phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý và toàn bộ diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 từ phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý là cần thiết, nhằm giải quyết dứt điểm những bất cập trong quản lý địa giới hành chính và dân cư, bảo đảm đúng quy định pháp luật và được sự đồng thuận của Nhân dân trên địa bàn.

Đề cập về điều kiện, tiêu chuẩn điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Tuyên Quang, thành phố Hà Nội và thành lập các thị trấn của các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa 02 huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) và điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính giữa các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

Việc thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai; thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình và thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn thành lập thị trấn theo quy định tại Điều 9 và điểm c khoản 2 Điều 31 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

Quy trình, thủ tục

Cũng tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tế, đánh giá đúng thực trạng phát triển của các đơn vị hành chính và tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ, Đề án theo quy định. Hồ sơ, thủ tục đã đáp ứng đủ theo quy định. Đề án đã được đa số cử tri trên địa bàn đồng ý và được Hội đồng nhân dân các cấp biểu quyết, tán thành chủ trương. Đề án đã bảo đảm các nội dung theo quy định tại Điều 29 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Theo đó, đã nêu rõ sự cần thiết, các điều kiện, tiêu chuẩn điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập các thị trấn; định hướng phát triển và giải pháp cụ thể về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức của đơn vị hành chínhtrong giai đoạn tiếp theo.

Nguồn: quochoi.vn

Anh Cao
Nguồn: quochoi.vn