Dự Lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Chủ tịch Hội đồng thi; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; các thành viên Hội đồng thi, Ban Giám sát, Ban Coi thi, Tổ giúp việc Hội đồng thi; Ban Giám hiệu Trường Đại học Hà Nội và 1.242 thí sinh ở các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc kỳ thi, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thi nâng ngạch công chức là hoạt động công vụ, quan trọng của cơ quan quản lý nhằm lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực, trình độ đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để nâng ngạch thành chuyên viên cao cấp - một bậc cao nhất của hệ thống chức danh công chức.
Vì vậy, Bộ Nội vụ đặt ra yêu cầu rất cao là để làm sao có được một kỳ thi đáp ứng được việc lựa chọn được những cán bộ, công chức, viên chức hành chính có năng lực thực sự, có trình độ, kiến thức để nhằm mục đích ở Trung ương khi được bổ nhiệm ngạch chuyên viên cao cấp phải có khả năng, nhận định, đánh giá, xây dựng hệ thống thể chế chính sách mang tầm vĩ mô, có khả năng tham mưu trên lĩnh vực hành chính, những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đối với địa phương, là những người có khả năng dự báo, đánh giá, tham mưu, trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng trên lĩnh vực ngành hoặc lĩnh vực quản lý nhà nước; đặc biệt là đối với các đồng chí là lãnh đạo các địa phương, có khả năng để tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng chiến lược phát triển cho địa phương mình, cũng như là có tầm nhìn, tư duy để đảm bảo được năng lực quản trị tốt nhất đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương hoặc của cơ quan, đơn vị tại địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là một kỳ thi đặc biệt, thông qua một chặng đường dài thực hiện Luật Cán bộ, công chức và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ đang tổ chức đánh giá lại để từ đó sẽ trình cấp có thẩm quyền chuyển đổi việc thi chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp cho phù hợp. Chức danh nào cần chuyên viên cao cấp ở địa phương, chức danh nào khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo tại các tỉnh thì căn cứ vào các điều kiện, tiêu chuẩn có thể xem xét là chuyên viên cao cấp, còn lại là xem xét để thực hiện xét trên cơ sở phân cấp để thực hiện việc xét nâng ngạch, thăng hạng, và đối với Trung ương cũng sẽ thực hiện như vậy.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo các cấp ở Trung ương và địa phương để từ đó xác định chuyên viên cao cấp thì quy định cụ thể như thế nào đối với từng chức danh, ở Trung ương thì vị trí nào mới cần chuyên viên cao cấp để đạo tạo, bồi dưỡng, định hướng để trở thành chuyên gia tham mưu xây dựng hệ thống thể chế chính sách.
Đây cũng là kỳ thi tạo sự chuyển đổi cuối cùng cho việc tổ chức kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp; trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi để hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo chất lượng cao nhất đối với những tiêu chuẩn chuyên viên cao cấp, cùng với đó là cơ cấu lại để thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm, theo chức danh lãnh đạo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
“Việc tổ chức tốt kỳ thi này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức tại các Bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.
Bộ Nội vụ đổi mới nhiều nội dung, đặc biệt là đối với môn thi có cơ sở đánh giá trình độ, năng lực cán bộ, công chức với vị trí, chức danh, nhiệm vụ công tác của từng cá nhân cán bộ, công chức, viên chức hành chính.
Nội dung môn thi Đề án sẽ yêu cầu sát với thực tiễn công tác và phải có yếu tố mới, tiêu biểu, ứng dụng thực tế trong thời gian tới (không sử dụng đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã trình) và phải đảm bảo yêu cầu, tính chất hoạch định chính sách, chiến lược vĩ mô theo ngành, lĩnh vực hoặc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong phạm vi hoạt động của Bộ, ngành, địa phương nơi công tác.
Để kỳ thi đạt kết quả cao nhất, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, Hội đồng thi, Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban giám sát kỳ thi, các Tổ giúp việc Hội đồng thi phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị được giao, thực hiện nghiêm túc quy chế, kế hoạch tổ chức kỳ thi, không để xảy ra sai phạm, vi phạm quy chế coi thi, chấm thi, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ Hội đồng giao cho từng tổ chức, cá nhân trong kỳ thi, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ thi.
Bộ trưởng cũng đề nghị các thí sinh dự thi nỗ lực, cố gắng, bình tĩnh, tự tin vận dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn và trình độ, năng lực của bản thân tập trung hoàn thành tốt các môn thi; đồng thời, nghiêm túc thực hiện nội quy, quy chế thi.
Đối với các điều kiện bảo đảm cho kỳ thi, Bộ trưởng yêu cầu phải được kiểm tra, rà soát thường xuyên để bảo đảm an toàn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Hội đồng thi, Ban coi thi, chấm thi, đặc biệt là để các thí sinh tham gia các môn thi có một không gian an toàn, tự tin, thuận lợi để đạt được yêu cầu của kỳ thi.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng của Hội đồng và các thí sinh, kỳ thi sẽ diễn ra nghiêm túc, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả và thành công tốt đẹp.
Theo Ban Tổ chức, Kỳthi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hành chính lên chuyên viên cao cấp năm 2023 có tổng số 1242 cán bộ, công chức, viên chức được triệu tập; có 41 thí sinh xin thôi tham dự kỳ thi; tổng số thí sinh ở thời điểm hiện tại là 1201. Bao gồm:
Khối cơ quan Trung ương có 602 người. Trong đó, có 53 Vụ trưởng và tương đương; 217 Phó Vụ trưởng và tương đương.
Khối địa phương có 599 người. Trong đó, có 49 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 143 Giám đốc Sở và tương đương; 206 Phó Giám đốc Sở và tương đương.