Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; lãnh đạo các đơn vị: Vụ Chính quyền địa phương, Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Công chức - Viên chức, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ và các công chức có liên quan; Giám đốc, Phó Giám đốc và công chức trực tiếp tham mưu các nội dung liên quan của 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Nội vụ trong năm 2023 là rất lớn và nặng nề, vì chúng ta đang đi trên con đường tiếp tục phải đổi mới và phát triển. Vì vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Nội vụ đang tập trung vào các công việc cố gắng tạo ra sự thay đổi lớn hơn cho toàn ngành Nội vụ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, 3 nghị định này liên quan đến việc tạo điều kiện cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tới đây. Bởi vì, nếu triển khai các nội dung này không đồng bộ thì việc tham mưu cho Chính phủ các cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để cho việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng như Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp các tổ chức hành chính, các đơn vị sự nghiệp gặp khó khăn và nhiều vướng mắc.
Bộ trưởng khẳng định, năm 2023, 2024 là thời điểm tập trung cao nhất để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Cho nên, đây là khối lượng công việc đòi hỏi hết sức khẩn trương, quyết liệt rất cao. Mặt khác, cần phải chuẩn bị đủ các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, các đại biểu góp ý những kinh nghiệm, thực tiễn; đồng thời, các kết luận gần đây của Bộ Chính trị Kết luận số 48-KL/TW, Kết luận số 20-KL/TW và Kết luận số 40-KL/TW đều liên quan trực tiếp và cũng là kim chỉ nam để chúng ta xây dựng các nghị định này. Bên cạnh đó, cần bám sát cơ sở pháp lý, các luật liên quan.
Bộ trưởng cho biết, Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là một nội dung đột phá. Theo đó, sẽ tăng thêm biên chế đối với cấp xã nên phải báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung số biên chế này.
“Có những cái chúng ta phải có tư duy ngược lại một chút và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng lưu ý, việc xây dựng 3 Nghị định này là vừa quán triệt, vừa thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng cũng như các Bộ luật có liên quan để làm sao các nội dung thảo luận rõ, đạt và thuận lợi khi triển khai thực hiện thực sự khả thi, thiết thực, thúc đẩy cho phát triển chung của đất nước, địa phương, đơn vị và ngành Nội vụ.
Trình bày tóm tắt 03 dự thảo Nghị định quy định về: Chính sách tinh giản biên chế; quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng, cho biết:
Về dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đây là Nghị định mới, khó, có tính chính trị, cần sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung để thể chế hóa chủ trương tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.
Dự thảo Nghị định gồm 03 Chương, 15 Điều: Chương I. Những quy định chung gồm 04 Điều (từ Điều 1 đến Điều 4); Chương II. Trình tự, cơ chế khuyến khích, bảo vệ gồm 08 Điều (từ Điều 5 đến Điều 12); Chương III. Tổ chức thực hiện gồm 03 Điều (từ Điều 13 đến Điều 15).
Về đối tượng áp dụng, hiện có 2 loại ý kiến: Ý kiến thứ nhất, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; Ý kiến thứ hai, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước (kể cả cán bộ, công chức, viên chức chuyên môn, nghiệp vụ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý).
Về nguyên tắc khuyến khích, bảo vệ cán bộ, có 5 nguyên tắc: (1) Khuyến khích mọi cán bộ năng động, sáng tạo trong phạm vi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; (2) phải được tiến hành kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; (3) phải bảo đảm không trái Hiến pháp và Điều lệ Đảng; (4) khi thực hiện mà xảy ra thiệt hại thì phải xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, được xem xét miễn xử lý trách nhiệm; (5) trường hợp lợi dụng chủ trương thì bị xử lý nghiêm.
Về dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế (thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 01/12/2020).
Dự thảo Nghị định gồm 5 Chương và 25 Điều: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II. Quy định về chính sách tinh giản biên chế (từ Điều 6 đến Điều 13), Chương III. Quy định về trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế (từ Điều 14 đến Điều 16); Chương IV. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện tinh giản biên chế (từ Điều 17 đến Điều 23); Chương V. Quy định về điều khoản thi hành (Điều 24 và Điều 25).
Về dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố (thay thế các Nghị định số 114/2003/NĐ-CP, Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 112/2011/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP).
Dự thảo Nghị định gồm 04 Chương và 40 Điều: Chương I. Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 4); Chương II. Cán bộ, công chức cấp xã (từ Điều 5 đến Điều 32); Chương III. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố (từ Điều 33 đến Điều 36); Chương IV. Điều khoản thi hành (từ Điều 37 đến Điều 40).
Cũng tại Hội thảo,Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, lãnh đạo các Vụ: Tổ chức - Biên chế, Công chức - Viên chức và Chính quyền địa phương đã trao đổi, thảo luận và giải trình làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc mà các đại biểu đặt ra.
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với việc ban hành, tên gọi, bố cục và các nội dung được quy định trong các dự thảo Nghị định, việc các quy định này được ban hành sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mà thực tế đặt ra nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, trao đổi thảo luận, và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào các nội dung, quy định tại các dự thảo. Nhìn chung, các ý kiến tập trung vào các nội dung:
Đối với dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung: các ý kiến góp ý tập trung vào tên gọi và bố cục của Nghị định; phạm vi và đối tượng áp dụng; về nguyên tắc, điều kiện áp dụng; trình tự thực hiện khuyến khích và bảo vệ cán bộ; cơ chế, chính sách, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị để có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong giai đoạn mới;…
Đối với dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế: các ý kiến tập trung vào đối tượng áp dụng; các trường hợp tinh giản biên chế; các chính sách tinh giản biên chế; chính sách nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức cấp xã có tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã;…
Đối với dự thảo Nghị định quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố: các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến về đối tượng áp dụng; thẩm quyền tuyển dụng công chức cấp xã; chế độ phụ cấp đối với công chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã; phụ cấp kiêm nhiệm; số lượng công chức cấp xã tăng khi số lượng dân số tăng; tiêu chuẩn công chức cấp xã; thẩm quyền điều động, cán bộ công chức cấp xã; chế độ bảo hiểm đối với cán bộ công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp; số lượng Phó Chủ tịch; số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; số lượng, chức danh đối với công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; kỷ luật, xử lý cán bộ cấp xã;…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu; đồng thời, đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện các dự thảo Nghị định theo đúng tiến độ quy định.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nhấn mạnh, đây là Hội thảo đầu tiên được tổ chức lấy ý kiến ở phía Bắc, theo kế hoạch sẽ còn hai Hội thảo nữa được tổ chức để lấy ý kiến các địa phương tại miền Trung và miền Nam; đồng thời, sau khi kết thúc các Hội thảo, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các địa phương để một lần nữa hoàn thiện dự thảo các Nghị định và tiếp tục gửi lấy ý kiến các địa phương trước khi trình Chính phủ ban hành.
Để xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý một số nguyên tắc: (1) Quán triệt đầy đủ các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; (2) Kế thừa và phát huy những quy định còn hiệu quả; xử lý khắc phục những bất cập đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; (3) Đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền cho địa phương; giảm tối đa thủ tục hành chính; (4) Bảo đảm toàn diện, liên thông, đầy đủ các đối tượng; quy định phải cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện; (5) Đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở.