Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi): Bổ sung nhiều quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua

12/06/2023 23:39

Tại Phiên họp thẩm tra Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế, bổ sung nhiều quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Toàn cảnh Phiên họp với hình thức trực tuyến

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp thẩm tra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng phù hợp. Cụ thể:

Về sửa đổi, bổ sung thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; thẩm quyền đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng, Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tặng Kỷ niệm chương; Bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các Ban của Đảng và tương đương ở Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng Kiểm toán nhà nước, Người đứng đầu Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được tặng Kỷ niệm chương; bổ sung thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tặng Huy hiệu do Luật thi đua, khen thưởng hiện hành chưa quy định thẩm quyền quyết định tặng hình thức khen thưởng Kỷ niệm chương, Huy hiệu.

Dự thảo Luật cũng bổ sung thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện được tặng “Xã tiêu biểu, Phường tiêu biểu, Thị trấn tiêu biểu” để phù hợp với phạm vi xét đối với các danh hiệu này; đồng thời thực hiện phân cấp về thẩm quyền công nhận các danh hiệu này. Quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, ban, ngành tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến”,“Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc ủy quyền công nhận danh hiệu “Lao động tiên tiến”,“Tập thể lao động tiên tiến”,“Chiến sĩ thi đua cơ sở” cho cá nhân, tập thể thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ban, ngành không có tư cách pháp nhân, để phù hợp với thực tiễn do Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành chưa quy định cụ thể thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua cho đối tượng này; Bổ sung quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, “Tập thể lao động xuất sắc” trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân do Chính phủ quy định; Bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”,“Chiến sĩ tiên tiến” trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân để thực hiện phân cấp về thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”,“Chiến sĩ tiên tiến” đối với lực lượng vũ trang nhân dân; Bổ sung quy định cụ thể thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định tặng danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”,“Lao động tiên tiến” và Giấy khen đối với cán bộ, công chức, nông dân, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trên địa bàn cấp xã;

Đồng thời, Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định: Tổng thư ký Quốc hội trình khen thưởng  Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, cơ quan của Quốc hội, để phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội; Bổ sung quy định “Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương”; Bổ sung quy định: “Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng Kỷ niệm chương”. Quy định cụ thể :Người đứng đầu có trách nhiệm phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng; đánh giá thành tích và chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng; Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng có trách nhiệm phát hiện cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Dự thảo Luật cũng quy định một số nội dung phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền. Theo đó, phân cấp về thẩm quyền quy định đối tượng, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo hướng: Luật sẽ quy định tiêu chuẩn chung đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của bộ, ban, ngành, tỉnh; đồng thời giao bộ, ban, ngành, tỉnh trên cơ sở quy định chung của Luật, căn cứ đặc điểm, tình hình của từng đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề để quy định cụ thể một số nội dung được giao trong Luật, phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề của các bộ, ngành, địa phương và để thực hiện chủ trương của Đảng là quan tâm khen thưởng cơ sở và người trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, chiến đấu.

Cụ thể: Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn tặng xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”; Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng Cờ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh; Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”; Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu  “Tập thể lao động tiên tiến”, “Đơn vị tiên tiến”; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc xét tặng danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu”; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc xét tặng danh hiệu “Thôn tiêu biểu”, “Làng tiêu biểu”, “Bản tiêu biểu”, “Ấp tiêu biểu”, “Tổ dân phố tiêu biểu” và tương đương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc xét tặng danh hiệu “Gia đình tiêu biểu”; Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh cho cá nhân, gia đình. Phân cấp cho Bộ, ban, ngành, tỉnh quy định tiêu chuẩn tặng Giấy khen. Luật không quy định tiêu chuẩn Giấy khen mà phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định để đảm bảo khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết 30 điều liên quan đến khen thưởng quá trình cống hiến, danh hiệu vinh dự nhà nước; thủ tục hồ sơ khen thưởng đối với các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; quỹ thi đua, khen thưởng và một số nội dung cần quy định trong các văn bản quy định chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, Luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định 02 điều về tiêu chuẩn khen thưởng và về việc thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nguồn: quochoi.vn

Anh Cao
Nguồn: quochoi.vn