Dự Cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ; thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); thành viên Tổ công tác thực hiện Đề án 06/CP của Bộ Nội vụ.
Phát biểu tại Cuộc họp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: năm 2022, Bộ Nội vụ đã nỗ lực chủ động, tích cực thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Đề án 06 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, bước đầu còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng đề nghị sau khi nghe dự thảo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP năm 2023 của Bộ Nội vụ, các đại biểu sẽ thảo luận để đi đến thống nhất những nội dung cơ bản, cốt lõi để triển khai Đề án 06/CP trong năm 2023 của Bộ Nội vụ.
Phát biểu tại Cuộc họp, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng nhấn mạnh, Đề án 06/CP là Đề án duy nhất từ trước đến nay do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo và phân công Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng Tổ công tác, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc làm Tổ phó Thường trực, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ phó và cùng Thứ trưởng các Bộ nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các Bộ triển khai Đề án 06/CP.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhận định, nhiệm vụ trong Đề án 06/CP rất nặng nề, nếu không có cách làm khoa học, quyết tâm chính trị và triển khai một cách kiên trì, linh hoạt, sáng tạo thì không thể duy trì, làm tốt được. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần nắm được tinh thần của Đề án 06/CP và nhiệm vụ của Bộ trong năm 2022 và 2023 để triển khai một cách hiệu quả. Đánh giá những khó khăn, vướng mắc cùng Bộ công an và đơn vị xây dựng hạ tầng là Tập đoàn VNPT thảo luận, tìm ra giải pháp, hướng dẫn triển khai Đề án 06/CP được tốt nhất trong năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 phải đảm bảo 3 nguyên tắc: (i) xây dựng kho dữ liệu chuyên ngành của Bộ Nội vụ phải đảm bảo tính bảo mật; (ii) đúng, đủ, sạch, sống; (iii) đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo tại Cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Bộ Nội vụ cho biết, xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong mọi mặt hoạt động, Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/BCSĐ về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định nhiệm vụ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ quan trọng của 3 trụ cột trong chuyển đổi số của Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ đã thực hiện số hóa hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) theo quy định, các hồ sơ TTHC được số hóa, quản lý, thực hiện, lưu trữ trên Hệ thống phần mềm Một cửa của Bộ. Hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được ký số, đảm bảo tính pháp lý của các văn bản để tái sử dụng cho lần kế tiếp.
Đề án 06 là Đề án có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách TTHC và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ khi đã xây dựng và vận hành được dữ liệu lớn.
Nhìn chung, Đề án 06/CP là Đề án có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Đặc biệt là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ khi đã xây dựng và vận hành được dữ liệu lớn.
Nhận thức được đây là sự chuyển đổi trạng thái rất khó khăn, là công việc chưa có tiền lệ, Lãnh đạo Bộ Nội vụ rất quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp để huy động sự vào cuộc của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ.
Về dự thảo Kế hoạch triển khai nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP năm 2023 của Bộ Nội vụ, Bộ đề ra một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Thứ nhất, về xây dựng thể chế, chính sách, tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06/CP và thực hiện công tác quản trị hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.
Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành: Thông tư quy định về cập nhật, khai thác và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; Thông tư quy định về sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số ngạch công chức, mã số chức danh nghề nghiệp viên chức để phục vụ công tác quản lý (bao gồm hồ sơ điện tử, thẻ công chức, viên chức điện tử); Quy chế về an toàn, an ninh mạng của Bộ Nội vụ; Sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động và cung cấp thông tin của Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ.
Thứ hai, cập nhật, đồng bộ dữ liệu về Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến cấp xã bảo đảm nguyên tắc “Đúng - Đủ - Sạch - Sống” và Kết nối, chia sẻ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ ba, về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, tiếp tục triển khai nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ bảo đảm sử dụng định danh điện tử, Efrom để kết nối, sử dụng được thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành (thuế, bảo hiểm, giáo dục…). Nâng cấp hạ tầng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu từ mức độ 3 trở lên phục kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ tư, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý, vận hành và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Thứ năm, về thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, thực hiện điền dữ liệu vào Efrom của 3 lĩnh vực: Công chức, viên chức; văn thư lưu trữ; quỹ hội. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo.
Tại Cuộc họp, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của Bộ Nội vụ đã trực tiếp trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06/CP, như: dữ liệu liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức mà Đảng quy định là Mật; cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức; nhân lực triển khai thực hiện Đề án 06/CP; trang thiết bị; nhân lực và kinh nghiệm quản lý vận hành; quy trình pháp lý cập nhật, kết nối cơ sở dữ liệu; Bộ quy trình quản lý vận hành Trung tâm dữ liệu để đảm bảo an toàn an ninh; lộ trình các đơn vị chưa kết nối dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức vào hệ thống; các giải pháp thu thập dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức; số hóa dữ liệu; thanh tra công vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực thi nhiệm vụ trong toàn quốc; tập huấn, bồi dưỡng;…
Phát biểu Kết luận Cuộc họp Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao, ghi nhận những kết quả nhất định mà các cơ quan, đơn vị đã đạt được trong việc triển khai Đề án 06/CP. Bộ trưởng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như: công tác tham mưu chưa đạt yêu cầu; sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ, giữa các đơn vị với C06 Bộ Công an chưa quyết liệt; quy trình trong việc thực hiện, triển khai các nhiệm vụ công tác còn chưa chặt chẽ; phương pháp hoạt động của bộ phận trực tiếp để tham mưu về vấn đề này là cơ quan thường trực về chuyển đổi số cũng chưa tốt nên kết quả đạt được còn chưa cao…
Đối với nhiệm vụ triển khai Đề án 06/CP của Bộ Nội vụ trong năm 2023, Bộ trưởng đề nghị tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện xây dựng hệ thống thể chế. Lưu ý, bắt buộc phải ban hành được Nghị định về cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho chuyển đổi số nói chung và vận hành Đề án 06/CP cũng như vấn đề an toàn, an ninh mạng.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính từ Trung ương đến cấp xã trước ngày 30/6/2023. Đồng thời, giao Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa làm Tổ trưởng Tổ công tác chuyên đề trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhất, không chỉ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, mà còn phục vụ cho toàn quốc về quản lý, sử dụng, vận hành, liên thông, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Thứ ba, về an toàn, an ninh thông tin, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn VNPT phối hợp với Bộ Nội vụ để rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng về an toàn bảo mật của Bộ Nội vụ. Qua đó, triển khai Đề án sát với mục tiêu đặt ra để thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, về nguồn nhân lực cần đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, kiến thức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin.
Thứ năm, gắn kết công tác thực hiện Đề án 06/CP với công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng giao Văn phòng Bộ tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện Báo cáo, dự thảo Kế hoạch và bảng phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trong việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP.