Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ có những nội dung mới, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác lưu trữ hiện nay đồng thời đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Đó là nội dung trong Tờ trình về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày chiều 10/11 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Lưu trữ hiện hành, bên cạnh những kết quả đạt được, thì Luật cũng đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (trong đó có lĩnh vực lưu trữ) để tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.
“Do đó, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) là cần thiết nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác lưu trữ hiện nay đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế,” Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày.
Dự thảo Luật gồm 9 Chương, 68 Điều (tăng 2 Chương, 26 Điều so với Luật Lưu trữ năm 2011).
Cụ thể, 38 điều quy định mới về nội dung, chủ yếu về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ và hoạt động lưu trữ tư. 28 điều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quy định tại Luật Lưu trữ năm 2011 bảo đảm phù hợp với bối cảnh Chính phủ điện tử, Chính phủ Số, nền lưu trữ số, Chuyển đổi Số, lưu trữ tài liệu điện tử, xã hội hóa lưu trữ và hợp tác quốc tế về lưu trữ. 2 điều cơ bản giữ nguyên như quy định tại Luật Lưu trữ năm 2011 về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ và hiệu lực thi hành.
"Dự thảo Luật được xây dựng trên nguyên tắc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong lĩnh vực lưu trữ, đẩy mạnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Qua đây, ngành lưu trữ huy động, sử dụng và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa về lưu trữ gắn với thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh chuyển đổi số lưu trữ để tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư," Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động lưu trữ tư nhằm tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động lưu trữ.
Về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định của dự thảo Luật với Luật Di sản văn hóa và các nội dung dự kiến sửa đổi Luật này liên quan đến quản lý tài liệu lưu trữ được công nhận là “di sản tư liệu” - tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt được công nhận là bảo vật quốc gia để có quy định phù hợp, tránh chồng chéo, thiếu thống nhất giữa hai luật.
Bên cạnh đó, hiện nay, ngoài Luật Lưu trữ quy định chung các vấn đề về lưu trữ thì còn có một số luật khác như Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Công chứng, Luật Điều ước quốc tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... có quy định đặc thù về lưu trữ.
Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các luật nói trên, quy định rõ trong Luật trường hợp nào áp dụng pháp luật lưu trữ, trường hợp nào áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành để tránh trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các luật./.