Tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương.
"Tôi cho đây là điểm nhấn và là dấu ấn của Quốc hội kỳ này, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, để thực hiện được chính sách cải cách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành trong thời gian qua. Trong đó phải kể đến nỗ lực trong việc tạo nguồn cho cải cách tiền lương.
"Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, hệ lụy kép từ tình hình thế giới và trong nước, nền kinh tế khó khăn nhưng chúng ta vẫn quyết tâm 'thắt lưng buộc bụng', đến nay lo đủ nguồn như Thủ tướng báo cáo là đã có 560 nghìn tỷ đồng để phục vụ cho cải cách tiền lương từ 1/7/2024 đến năm 2026", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị.
Điểm nhấn thứ 2 theo tư lệnh ngành nội vụ là thời gian qua, cả nước đã nỗ lực trong sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế. "Đây là cuộc cách mạng trong tinh giản biên chế từ trước đến nay và vừa qua chúng ta đã quyết tâm làm được. Từ đó tạo nguồn lực quan trọng để phục vụ cho cải cách tiền lương", bà Trà nói.
Bên cạnh đó, một yếu tố góp phần để thực hiện cải cách tiền lương là thời gian qua Chính phủ tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế công vụ, từ sửa luật đến các nghị quyết, nghị định để cơ cấu, xây dựng lại nền công vụ phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng phân tích thêm, cải cách tiền lương không những nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và gia đình của họ mà còn một điều quan trọng nữa chính là nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra cải cách tiền lương cũng chính là động lực tăng trưởng kinh tế. Bởi khi tiền lương được nâng lên sẽ tác động đến cung cầu.
Cải cách tiền lương còn thực hiện mục tiêu cơ cấu, sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cũng từ đó đáp ứng trở lại với yêu cầu cải cách tiền lương bền vững.
Cải cách tiền lương với một tư duy đột phá
Nói về nội dung cải cách tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chính sách tiền lương mới với một tư duy đột phá hoàn toàn, phù hợp với xu thế thế giới và phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, hệ thống bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm và theo chức danh lãnh đạo, quản lý thay cho bảng lương theo hệ số hiện nay tồn tại từ năm 2004.
"Qua 4 lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định.
Đi vào nội dung cụ thể của cải cách chính sách tiền lương, Bộ trưởng cho biết, chính sách tiền lương mới được cơ cấu lại để tính tỷ lệ lương cơ bản (70%), tỷ lệ phụ cấp (30%); loại hết những cơ chế chính sách tiền lương đặc thù và bổ sung 10% lương cơ bản để thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện mục tiêu thưởng cho cán bộ, công viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
"Những vấn đề mới này phù hợp với xu thế công bằng, tiến bộ", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bà cũng thông tin thêm, theo chính sách tiền lương mới này có 36 đơn vị của một số ngành không còn được hưởng chính sách lương đặc thù nữa (cao hơn mặt bằng chung).
"Nếu xây dựng bảng lương chạy ngang thì có một số cơ quan có thể bị giảm 50% lương. Nhưng theo tinh thần Nghị quyết 27 thì những cơ quan có chính sách lương đặc thù sẽ được bảo lưu (không tăng thêm nhưng không giảm đi). Như vậy để hướng đến sự công bằng với người hưởng lương", Bộ trưởng phân tích.
Tuy nhiên, bà cũng lưu ý, nguồn lực chuẩn bị cải cách tiền lương mới thực hiện từ 1/7/2024, sau năm 2024 tiếp tục tăng 7% để bù trượt giá và tăng GDP và chỉ đảm bảo đến năm 2026. Sau năm 2026 nếu không nỗ lực thì khó thực hiện tiếp chính sách tiền lương mới.
Vì vậy để có nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương bền vững, đảm bảo tốc độ tăng trưởng hàng năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu là tập trung để tạo nguồn lực tài chính bền vững.
"Vì vậy việc thu ngân sách như thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương cần phải quan tâm", Bộ trưởng lưu ý.
Một vấn đề nữa cũng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ lưu tâm là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Bởi trong quá trình tăng lương sẽ có giai đoạn chuyển lương cũ sang lương mới theo vị trí việc làm thì không thể đồng bộ ngay được mà sẽ có những vấn đề phát sinh.
"Nhưng điều chúng ta mong mỏi nhất khi cải cách tiền lương là đối với ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương cho họ. Khi đó xã hội phấn khởi, viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ sẽ phấn khởi", tư lệnh ngành Nội vụ nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh đến một việc không thể làm khác được đó là tiếp tục sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Riêng với công chức đến nay đã cố gắng sắp xếp tinh giản tương đối. Vì vậy thời gian tới sẽ có cơ chế tốt hơn để giảm số viên chức hưởng lương nhà nước để có thêm nguồn thực hiện cải cách tiền lương.