Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo cho biết, trong năm 2023, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, quan tâm, nhiều mô hình hay, điển hình như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Bình Dương...
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét.
Việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như Bộ Nội vụ, TP. Hồ Chí Minh...
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả, mô hình tốt, điển hình như tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Đồng Nai...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắng chỉ ra những tồn tại, hạn chế: cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số Bộ, ngành chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương; cải cách thủ tục hành chính đã có cải thiện so với năm 2022, nhưng vẫn còn hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ và nhiệm vụ ở một số bộ, ngành và địa phương; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương với các Cơ sở dữ liệu quốc gia còn chưa thông suốt; kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong giải quyết thủ tục hành chính còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập; việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế; số lượng dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, doanh nghiệp cao, nhưng nhiều dịch vụ công chất lượng thấp, chỉ đơn thuần chuyển từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, chưa quan tâm tái cấu trúc quy trình, trải nghiệm người dùng; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả; vviệc tổ chức, vận hành Bộ phận Một cửa các cấp nhiều nơi còn chưa đúng quy định, đặc biệt là cấp xã; công chức một số nơi chưa thành thạo trong khai thác, sử dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính;...
Để công tác cải cách hành chính đạt kết quả trong năm 2024, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Thứ nhất, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của các Bộ, cơ quan, địa phương.
Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về cải cách hành chính. Tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ kiện toàn tổ chức và hoạt động, tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch hoạt động, kiểm tra năm 2024. Bộ Nội vụ tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, các tỉnh và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023, bảo đảm chính xác, khách quan và công bằng.
Thứ ba, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Các Bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, thu gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm phù hợp với quy hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, thực hiện nghiêm Thông báo kết luận số 114/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 08/12/2023 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhằm hoàn thành giảm 114 đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 (xong trước 30/9/2024).
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tập trung cắt giảm những thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, được người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị. Tập trung triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; có giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân theo Đề án 06. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các cơ chế, chính sách mới trong quản lý cán bộ, công chức, viên chức, như: Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào đối với công chức; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,...
Thứ sáu, tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, ngành, địa phương. Tổ chức triển khai có hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp các Bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật để đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa dịch vụ công ở các lĩnh vực có đủ điều kiện.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch đã phê duyệt. Theo đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ phục cho chuyển đổi số; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nền tảng ứng dụng; tập trung xây dựng, hoàn thiện, đưa vào khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ- CP một cách thực chất, hiệu quả; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06, tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.