457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Thủ tướng, 3 Phó Thủ tướng cùng 21 bộ trưởng, trưởng ngành; 152 lượt đã thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 38 lượt tranh luận. Những con số ấn tượng này đã khép lại 2,5 ngày chất vấn sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, các đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả phiên chất vấn lần này.
Các bộ trưởng được "chấm điểm" cao
"Có thể nhìn nhận cuộc chất vấn mang tính tổng rà soát tại kỳ họp này đã thành công", đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) nói. Theo ông, đây là lần đầu tiên từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, phương thức chất vấn theo nhóm lĩnh vực được áp dụng, song việc này đã có tiền lệ từ những nhiệm kỳ trước.
Việc chất vấn theo từng nhóm lĩnh vực, theo ông, có hạn chế là mỗi đại biểu chỉ quan tâm được một vấn đề với một bộ trưởng và không thể đặt nhiều câu hỏi, nhưng đây là điều phải chấp nhận vì số lượng đại biểu đăng ký đông và số câu hỏi chất vấn cũng nhiều.
Nhưng đại biểu An nhấn mạnh, cách thức chất vấn này cho thấy đại biểu Quốc hội theo dõi rất sát sao, chất vấn có trách nhiệm khi hỏi không chỉ để biết, mà quyết tâm đi đến cùng vấn đề, với những nội dung được xã hội quan tâm và nhân dân, cử tri đòi hỏi.
Trong khi đó, sự chuẩn bị của Chính phủ và các bộ ngành cũng rất chu đáo.
"Để có được một phiên chất vấn thế này, hàng nghìn trang báo cáo đã được chuẩn bị, cho thấy các cơ quan của Chính phủ nỗ lực và có trách nhiệm rất cao. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành cũng chia sẻ bên hành lang Quốc hội là rất lo lắng cho phiên chất vấn nên đều chuẩn bị kỹ lưỡng và cẩn trọng", ông An chia sẻ.
"Chấm điểm" cho phiên đăng đàn của các thành viên Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Theo ông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người dày dặn kinh nghiệm, nắm rất chắc vấn đề và trả lời thẳng thắn. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ dù nhận lượng câu hỏi chất vấn lớn vẫn trả lời rành mạch, rõ ràng, cụ thể từng nội dung.
Cũng nhận lượng lớn câu hỏi, Bộ trưởng GTVT đã thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu, dù mới nhận nhiệm vụ nhưng bám sát công việc của ngành. Phần trả lời của Tư lệnh ngành giao thông cho thấy lĩnh vực này đã rất nỗ lực nhưng cũng còn rất nhiều công việc cần hoàn thiện, theo đại biểu Trịnh Xuân An.
Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) ghi nhận Bộ trưởng GTVT đã có phần trả lời tốt.
"Trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho thấy ngành giao thông làm được nhiều việc nhưng cũng có rất nhiều vấn đề nóng cần giải quyết. Nhưng thông tin Bộ trưởng cung cấp đã nêu ra một lộ trình rõ ràng, thể hiện Bộ và Chính phủ đang rất nỗ lực giải quyết", ông Thịnh nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) chia sẻ ấn tượng và nể phục với cách giải quyết vấn đề, trả lời vấn đề cử tri quan tâm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang. Theo đại biểu, phần trả lời của Phó Thủ tướng có sự chân thật, mạnh dạn nhận khuyết điểm.
"Khi đã mạnh dạn nhận khuyết điểm sẽ khắc phục được khuyết điểm và tìm được lối ra cho những khó khăn, vướng mắc", nữ đại biểu nói.
Bà Sửu cũng bày tỏ niềm tin đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khi mới tiếp nhận vị trí đã có sự thẳng thắn nhận khuyết điểm.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá cao phần điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông Cường cho rằng điều hành của Chủ tịch Quốc hội rất linh hoạt, bám rất sát câu hỏi và tính liên kết giữa câu hỏi của đại biểu về lĩnh vực của ngành này với ngành khác.
Không gian chất vấn rộng, thời gian tranh luận nhiều hơn
Đưa ra đánh giá khái quát, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh cho rằng phần chất vấn của các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề đang đòi hỏi từ cuộc sống, có thể là những vướng mắc về cơ chế chính sách, hay các nội dung người dân đang quan tâm
Trong khi đó, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, trưởng ngành, trả lời rất thẳng thắn, cụ thể về các vấn đề sẽ làm cùng giải pháp nêu ra khá hoàn chỉnh, đầy đủ.
Những vấn đề chưa làm được cũng như vướng mắc, bất cập, theo đại biểu Thịnh, cũng được nhìn nhận một cách thẳng thắn và cởi mở.
Đặc biệt, ông đánh giá cao phiên chất vấn khi khuyến khích, tạo thời gian cho tranh luận nhiều hơn để đi đến cùng sự việc.
Việc Quốc hội lần này chất vấn theo từng nhóm lĩnh vực thay vì từng nhóm vấn đề như thông lệ, theo đại biểu Thịnh, cũng tạo được một không gian rộng hơn cho việc chất vấn, đặt các thành viên Chính phủ vào việc xác định tâm thế sẵn sàng trả lời chất vấn bất cứ lúc nào.
Trong nhiều nội dung chất vấn, ông Thịnh nhìn nhận có những vấn đề đã được đại biểu Quốc hội chất vấn nhiều lần và đã có chuyển biến rõ rệt, cho thấy hiệu quả của hậu chất vấn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Tạ Văn Hạ cũng đánh giá phiên chất vấn ở kỳ họp này có nhiều đổi mới, không khí chất vấn và trả lời chất vấn rất thẳng thắn, sôi nổi. Theo ông, dù lĩnh vực chất vấn rộng nhưng Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành nắm chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của đại biểu và cử tri.
"Đây là cơ hội để đại biểu Quốc hội kiểm tra, giám sát các thành viên Chính phủ trong việc thực hiện lời hứa của mình, cũng là dịp để các tư lệnh ngành nhìn nhận lại những vấn đề mình đang phụ trách để thấy những vấn đề bất cập được đặt ra từ góc nhìn của Quốc hội", ông Hạ nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu, sự liên kết, phối hợp giữa các ngành để giải quyết các vấn đề vẫn còn hạn chế. Ông kỳ vọng sau phiên chất vấn, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tập trung hơn nữa để đẩy nhanh xử lý, giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở các lĩnh vực.
Chính phủ cần nỗ lực hoàn thành lượng lớn công việc sau chất vấn
Là phiên chất vấn mang tính chất giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng Chính phủ có áp lực rất lớn trong việc triển khai khối công việc nặng nề sau chất vấn.
Trong số đó, có những nhiệm vụ cần làm ngay, có những nội dung mang tính vĩ mô đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Chính phủ mà cần sự đồng hành của cả Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết chất vấn, giao nhiệm vụ cụ thể, đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng Chính phủ cần lên kế hoạch sớm để chủ động triển khai.
Chia sẻ với sức ép dành cho Chính phủ, đại biểu Trịnh Xuân An tin tưởng với phong cách điều hành của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ cùng những đổi mới trong vài năm gần đây, Chính phủ sẽ có cách làm phù hợp, khả thi và hiệu quả.
Góp ý về vấn đề cần quan tâm, ông An nhắc đến câu chuyện mà Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đề cập trên nghị trường, đó là việc một bí thư tỉnh ủy phải đối mặt với "rừng" thủ tục hành chính và rất cảm ơn khi được Phó Thủ tướng tháo gỡ.
"Điều này cho thấy có nhiều nội dung mà qua chất vấn, lãnh đạo Chính phủ mới biết tồn tại những bất cập như thế. Nếu không sửa ngay, đây sẽ trở thành lỗi hệ thống", ông An nói và nhấn mạnh ý nghĩa của phiên chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, mà để cùng chia sẻ và đưa ra giải pháp.
Nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ cần tập trung, đại biểu Trịnh Xuân An lưu ý việc xây dựng thể chế, phân cấp phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm nguồn lực và khơi thông các điểm nghẽn nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vị đại biểu nhấn mạnh tính đồng bộ trong triển khai nghị quyết của Quốc hội với các yêu cầu về kinh tế - xã hội và những nhiệm vụ liên quan quốc phòng - an ninh, đối ngoại.