Dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường, Vũ Chiến Thắng; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội của Bộ; lãnh đạo Sở Nội vụ và công chức liên quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau nghe Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Nội vụ, lãnh đạo Sở Nội vụ các địa phương đã trình bày tham luận, tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của ngành Nội vụ trong thời gian tới.
Nhìn chung, các tham luận tập trung vào: giải pháp đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị; tổ chức chính quyền đô thị; giải pháp thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính tại địa phương có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2030; kinh nghiệm thực hiện sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; giải pháp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đô thị giai đoạn 2023 - 2025; kinh nghiệm giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư tại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay; kinh nghiệm và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức; công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo;…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu rất trách nhiệm, tâm huyết, chất lượng của lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố.
7 kết quả nổi bật
Đánh giá về những kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm 2023 của ngành Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh một số kết quả nổi bật:
Thứ nhất, toàn ngành chúng ta đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt tạo được sự chuyển biến rõ nét, với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương, nâng cao vai trò, vị thế của ngành trong hệ thống chính trị và xã hội.
Thứ hai, chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất và giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó và những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, nhất là: đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20% cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; giải quyết bài toán về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố; về chính sách tinh giản biên chế và nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế sát yêu cầu thực tiễn và đổi mới tư duy, phương thức quản lý nhà nước một số lĩnh vực đáp ứng sự thay đổi và xu thế phát triển.
Thứ ba, bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương: tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ở địa phương gắn thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 50-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; đồng thời, chủ động chuẩn bị tích cực cho sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và nâng cao chất lượng, hiệu quả thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Thứ tư, chú trọng nghiên cứu đổi mới công vụ, công chức, hướng tới xây dựng một chế độ công vụ liên thông, một nền công vụ chuyên nghiệp, dân chủ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân; triệt để phân cấp, phân quyền; đổi mới việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và kiểm định chất lượng đầu vào công chức; hoàn thiện chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài trình Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều tiến bộ về cải cách hành chính, về nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn của mình. Đây là những bước tiến quan trọng để góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ.
Thứ sáu, nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số với một tinh thần chủ động và quyết tâm, và đặc biệt đã hoàn thành được việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống. Đến nay, đã đồng bộ được 1.974.488/2.030.095 hồ sơ (đạt 96,28%).
Thứ bảy, chú trọng công tác đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi những cái hay, cái tốt để thay đổi, phát triển tốt hơn đáp ứng được xu thế phát triển của bối cảnh tình hình hiện nay. Trong đó, chú trọng vào một số vấn đề quan trọng: quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống của chúng ta, trước hết là ưu tiên cho lãnh đạo của các chính quyền địa phương, tới đây là ưu tiên cho đội ngũ lãnh đạo của toàn ngành Nội vụ đào tạo, nghiên cứu để nâng tầm tư duy, nhận thức, hành động tốt hơn tại nước ngoài để phục vụ cho toàn ngành Nội vụ.
Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ hơn
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, bất cập, như: (i) Công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành và thực tiễn đặt ra; (ii) Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ hơn, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm, hiệu quả thấp; (iii) Việc tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn, hạn chế và có mặt lúng túng; (iv) Tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở Bộ, ngành, địa phương vẫn còn là vấn đề nan giải chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay để thúc đẩy nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại; (v) Cải cách hành chính ở một số địa phương chưa được chú trọng, chuyển biến chậm, chỉ số thấp; (vi) Công tác phối hợp với Bộ, ngành, địa phương để giải quyết công việc trên lĩnh vực của Ngành còn có những hạn chế (nhiều thông tư chưa ban hành).
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trao đổi một số vấn đề sau:
Trước hết, phải nhận diện tình hình thế giới sẽ tiếp tục biến động nhanh, khó đoán định, nhiều rủi ro, vô cùng bất định, bất thường, bất ổn và bất an. Đất nước tiếp tục còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khó dự báo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra là đất nước càng khó khăn, thách thức đối với ngành Nội vụ càng lớn, áp lực càng cao: vừa phải thể chế hóa các nghị quyết của Đảng để làm sao trên lĩnh vực của Ngành trở thành yêu cầu thực tiễn; vừa phải giải quyết vướng mắc, bất cập tồn tại từ rất lâu; vừa phải xử lý, phản ứng nhanh những vấn đề phát sinh lớn liên quan lĩnh vực Ngành; vừa thúc đẩy đổi mới, phát triển đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước trong tình hình mới góp phần kiến tạo và quản trị quốc gia.
Đẩy mạnh chuyển đổi số của toàn Ngành góp phần thúc đẩy Chuyển đổi số Quốc gia, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị toàn Ngành tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong Kế hoạch năm 2023 và chủ động triển khai các nghị định, thông tư, các Luật đã ban hành trên các lĩnh vực của Ngành.
Kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên thực tiễn và đổi mới phát triển trên một số lĩnh vực của Ngành nhất là trên lĩnh vực: quản lý công chức, viên chức, tổ chức - biên chế, thi đua - khen thưởng…
Theo đó, hoàn thành 16 Nghị định, 13 thông tư, các đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, nhiều vấn đề khó, (nhất là Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục đích chung; lộ trình cải cách chính sách tiền lương;…).
Hai là, tập trung tổng lực cho việc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 với tinh thần thận trọng, chắc chắn, khoa học, bài bản nhưng phải thống nhất, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.
Ba là, các địa phương tập trung thật kỹ lưỡng để cụ thể hóa Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Bởi vì, Nghị định này gói ghém tất cả những yêu cầu về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, giải quyết được bài toán vô cùng căn cơ và quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Đặc biệt là chuẩn bị một bước cho việc thực hiện liên thông đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp huỵên, cấp tỉnh.
Bốn là, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đây là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết.
Tham mưu bảo đảm đến năm 2026 hoàn thành giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Năm là, quan tâm tham mưu giải quyết tích cực, hiệu quả một số vấn đề tồn tại, phát sinh:
Tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm: lưu ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kỷ cương, kỷ luật, hoàn thiện thể chế, chính sách xử lý vi phạm.
Tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc: chú trọng xây dựng môi trường văn hóa; thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương; hoàn thiện thể chế, chính sách.
Đồng thời, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức theo chỉ tiêu biên chế và chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Sáu là, tham mưu tạo sự chuyến biến thực chất về cải cách hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo 6 trụ cột cơ bản.
Khen thưởng phải đúng người và đúng thành tích để thực sự có sức lan tỏa
Bảy là, làm tốt công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực. Thúc đẩy phong trào thi đua lúc này như thế nào để tạo ra được tinh thần thi đua, khí thế thi đua, ý thức thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua để hóa giải những vấn đề thách thức, khó khăn, biến khó khăn thách thức thành động lực. Đặc biệt, khen thưởng phải đúng người và đúng thành tích để thực sự có sức lan tỏa.
Bám sát địa bàn để không để phát sinh các vấn đề phức tạp về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình hiện nay. Bộ Nội vụ sẽ có văn bản chỉ đạo về vấn đề này để làm sao tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn để chủ động, phòng ngừa các vấn đề phát sinh, phức tạp.
Tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lĩnh vực Nội vụ, để làm sao trong lúc này con đường hợp tác quốc tế là con đường ngắn nhất để chúng ta đổi mới và phát triển, thay đổi tư duy và nhận thức để làm sao đạt được khát vọng trước hết là của lĩnh vực ngành Nội vụ, sau đó chính những thành quả đó sẽ đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, của địa phương.
Tám là, đẩy mạnh chuyển đổi số của toàn Ngành, làm tốt, làm kỹ để thực sự lấy chuyển đổi số làm động lực thay đổi, lấy chuyển đổi số là mục tiêu góp phần quan trọng thúc đẩy Chuyển đổi số Quốc gia, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.
“Với tâm huyết, trách nhiệm và quyết tâm cao, đồng sức, đồng lòng, nhất định ngành Nội vụ sẽ hoàn xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo” - Bộ trưởng tin tưởng.
* Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Nội vụ tổ chức trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc cập nhật, kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước Giai đoạn 1.