Trước tinh thần " Người Nội vụ" Bộ trưởng thấm thía về ý nghĩa cuộc cách mạng thần tốc

15/07/2025 09:33

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lý giải, cách cán bộ, công chức trong Bộ gọi nhau "người Nội vụ" thể hiện tinh thần phụng sự đất nước, cống hiến cho cuộc cách mạng tổ chức bộ máy lớn nhất trong lịch sử.

Trong cuộc cách mạng thần tốc ấy, Bộ trưởng thấm thía hơn về giá trị lớn lao của khát vọng đổi mới, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nhiều tâm huyết được Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên báo Dân trí nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và 20 năm thành lập báo điện tử Dân trí khi cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy đã về đích, cả nước đã vận hành đồng bộ bộ máy chính quyền mới chưa có tiền lệ.

Từ nửa cuối năm 2024, Bộ Nội vụ trở thành cơ quan đứng mũi chịu sào, tham mưu thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Giai đoạn 2 của cuộc cách mạng, cơ quan chủ trì tham mưu vừa phải tổ chức việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã vừa phải xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp để bộ máy có thể đi vào vận hành từ 1/7 vừa qua. Có thể nói khối lượng công việc đồ sộ chưa từng có mà quỹ thời gian lại rất ngắn, đúng tính chất "thần tốc" như Bộ trưởng nói? 

- Đúng là từ những ngày tháng cuối năm 2024, Bộ Nội vụ được giao một trọng trách đặc biệt, rất nặng nề, thách thức, chưa từng có tiền lệ. Đó là tham mưu tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương một cách căn cơ, khoa học, thận trọng, chắc chắn, hiệu quả. Cuộc cách mạng này khác với các nỗ lực cải cách trước đây không chỉ vì quy mô lớn mà bởi tính cấp bách của lịch sử phát triển đất nước, yêu cầu quyết liệt, thần tốc trong triển khai thực hiện.

Sau giai đoạn 1, ngay từ cuối tháng 1/2025, Bộ đã bắt tay ngay vào việc tham mưu cho các cấp có thẩm quyền việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và thiết kế mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bên cạnh việc xây dựng đề án, Bộ cũng bám sát, tham mưu xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Các nhiệm vụ được thực hiện đúng tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt là "vừa chạy vừa xếp hàng". Chỉ đạo của cấp có thẩm quyền thời điểm đó là khởi sự cho giai đoạn 2 trong cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy rất quyết liệt, rất thần tốc. 

Thực tế, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, chúng ta nhất thiết phải thực hiện nhiệm vụ với tốc độ bứt phá. Bộ máy phải tinh gọn để thích ứng với bối cảnh kinh tế số, xã hội chuyển động nhanh và các thách thức đa chiều. Không thể có sự trì hoãn nếu muốn bảo đảm bộ máy chính quyền mới được hình thành, đi vào hoạt động ổn định ngay từ ngày đầu, tháng đầu. 

Nói cách khác, tinh gọn bộ máy không chỉ là một nhiệm vụ hành chính mà là một đòi hỏi của thời đại, từ khát vọng đổi mới đất nước, từ ý Đảng, lòng dân, là bước đi tất yếu để đất nước phát triển trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Và với Bộ Nội vụ, đó là mệnh lệnh hành động.

Ban đầu, bản thân tôi cũng không lường trước được cuộc cách mạng diễn ra với mức độ nhanh, thần tốc như vậy. Khi thời cơ cho cuộc cách mạng của cả nước đã chín muồi, toàn bộ hệ thống chính trị phải nắm bắt ngay. Trong bối cảnh đó, với trách nhiệm của cơ quan tham mưu về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chậm một nhịp là lỗi với người dân, lỗi với Đảng, lỗi với tương lai.

Áp lực công việc từ những nhiệm vụ kép vừa sắp xếp tỉnh thành vừa xây dựng mô hình chính quyền mới, Bộ trưởng nhận định là chưa từng có tại Bộ Nội vụ, khiến lãnh đạo, công chức trong Bộ thực sự là quên ăn quên ngủ. Mảng công việc nào áp lực hơn, thưa Bộ trưởng?

- Chúng tôi không có khái niệm "việc nào nhẹ, việc nào nặng" vì mọi việc đều như những mắt xích trong một cỗ máy đang chạy hết tốc lực. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn, tôi cho rằng việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là phần khó nhất, áp lực rất lớn vì phạm vi tác động bao trùm cả nước. 

Nói việc này khó bởi liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, đến con người, đến hệ thống chính trị hiện hành. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh thoáng nhìn là một việc hành chính nhưng thực chất là một cuộc tái cấu trúc tổng thể, toàn diện lãnh thổ quốc gia, tạo động lực, kiến tạo không gian phát triển. Mỗi một điều chỉnh không chỉ là thay đổi địa giới hành chính trên bản đồ mà còn là sự dịch chuyển về cơ cấu quyền lực, nguồn lực và cả tâm lý xã hội. Phải cực kỳ cẩn trọng nhưng không được phép chậm trễ. Đó là thách thức vô cùng lớn.

Thực sự là toàn dân quan tâm vấn đề này, hơn 100 triệu người đang kỳ vọng về đổi mới, phát triển. Vì thế, từ cuối tháng 2 đến nay, công việc với Bộ Nội vụ thực sự là bề bộn, không kể hết tên.

Đây cũng là việc chưa từng có trong lịch sử. Trước đây cả nước đã từng thực hiện hợp nhất tỉnh thành nhưng bối cảnh khác, mức độ khác. Nhưng lần sắp xếp này mới là một cuộc cách mạng, thực sự chưa có tiền lệ, với mục tiêu tổ chức lại hệ thống đơn vị hành chính nhà nước mang tính đồng bộ, toàn diện, sâu rộng để xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. 

Nói thật, từ khi bước vào nhiệm vụ sắp xếp lại đơn vị hành chính, lúc nào trong đầu tôi cũng phải lo nghĩ. Chưa bao giờ chúng tôi phải trăn trở nhiều như thế, vì việc đại sự quốc gia, việc lớn của đất nước đặt ra trách nhiệm tham mưu đối với Bộ Nội vụ.

Ngoài việc xây dựng đề án, định hướng sắp xếp, khối lượng công việc từ yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật như sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Việc làm và trên 20 Nghị định liên quan cũng rất lớn để đáp ứng tiến độ cuộc cách mạng, thưa Bộ trưởng?

- Một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng của cuộc cải cách lần này là phải đồng thời tiến hành việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp để bảo đảm bộ máy mới có thể vận hành thông suốt, không gián đoạn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đúng pháp luật.

Chúng tôi vừa thực hiện những công việc chung về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, vừa chạy đua xây dựng các chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… Bộ Nội vụ cũng được giao khẩn trương chủ trì soạn thảo, hoàn thiện thể chế pháp luật để có thể vận hành bộ máy mới. Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy không thể thành công nếu thiếu hành lang pháp lý vững chắc và quá trình hoàn thiện thể chế đó phải diễn ra song hành. Không thể "khai sinh" mô hình chính quyền mới mà luật vẫn cũ được. 

Việc sửa đổi một loạt luật trọng yếu là thách thức rất lớn suốt thời gian qua, khối lượng công việc hết sức nặng nề, phức tạp. Và nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương, đến nay tiến độ các phần việc được đảm bảo.

Bộ trưởng có thể chia sẻ về không khí làm việc, tinh thần đầy khẩn trương trách nhiệm ở Bộ và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong thời gian vừa qua?

- Đã quen thuộc với Bộ Nội vụ cả nhiệm kỳ qua nhưng chưa khi nào tôi thấy không khí làm việc quyết liệt, phải gọi đúng là tận hiến như vừa qua. Mỗi vụ, cục hiện đều như những "đại bản doanh" nhỏ, ở nhiều thời điểm, nhiều công chức phải làm việc xuyên đêm tại trụ sở Bộ, không kể cuối tuần hay ngày nghỉ. Các cán bộ, công chức của chúng tôi đã cùng nỗ lực để kịp thời hoàn thành nhiều nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Chính phủ giao. Có thể nói khối lượng công việc lớn và áp lực chưa từng có.

Tôi thực sự xúc động trước tinh thần đoàn kết, tâm huyết, nỗ lực vượt khó, làm việc hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ của anh em trong Bộ. Thực sự nhiều nhiệm vụ rất khó, tưởng chừng như không thể hoàn thành nổi với áp lực về thời gian, chất lượng mà sau cùng anh em đã vượt qua rất xuất sắc. 

Sự nỗ lực ấy đem lại nhiều kết quả tích cực. Tôi rất vui là các đề án, văn bản xây dựng được các cấp có thẩm quyền và Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, thuyết phục được Trung ương, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận gần như tuyệt đối. Đó cũng là một sự động viên rất lớn đối với cán bộ, công chức Bộ Nội vụ.

Được biết, dịp Tết Nguyên đán, nhiều công chức Bộ chỉ nghỉ rất ít thời gian để quay lại làm việc. Ngoài ra, nhiều phòng làm việc của các cục, vụ thuộc Bộ cũng mở cửa xuyên 5 ngày nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5 vừa qua, thưa Bộ trưởng?

Tết Nguyên đán, các công chức của Bộ được giao nhiệm vụ chỉ nghỉ Tết đến ngày mùng 1. Dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua cũng là một trải nghiệm đáng nhớ với chúng tôi. Suốt 5 ngày nghỉ lễ, toàn bộ công chức của Vụ Chính quyền địa phương và anh, em được trưng dụng từ các đơn vị của Bộ đã làm việc toàn thời gian, xuyên lễ.

Đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi lại được thể nghiệm, được cảm nhận tinh thần thần tốc, táo bạo của cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy như khí thế cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa. Anh em phải thực sự chạy đua với thời gian.

Tôi luôn động viên cán bộ của mình, đã xác định làm cách mạng thì phải luôn sẵn sàng tâm thế như ra trận và chiến thắng, bằng mọi cách để hoàn thành tiến độ các nhiệm vụ được giao với chất lượng tốt nhất. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức khi được giao nhiệm vụ đều mang trong mình nhận thức, đó không chỉ là công việc hành chính mà còn là niềm vinh dự, tự hào được tham gia gánh vác một phần trách nhiệm lịch sử. Cả tập thể Bộ cùng chung nhận thức về ý nghĩa của công việc mình làm. Vì vậy, sự nỗ lực, sự cống hiến trở thành điều rất tự nhiên, tự giác.

Nói về công việc trong thời gian qua, Bộ trưởng từng chia sẻ, gian khổ, khó khăn, vất vả tới đâu thì trong lòng mỗi "người Nội vụ" cũng tràn đầy tự hào, hứng khởi để làm việc, ốm cũng thành khỏe. Như tâm niệm của Bộ trưởng về ý nghĩa của việc tận hiến, đâu là động lực để cán bộ của Bộ có thể làm việc với cường độ lớn như vậy?

Động lực lớn nhất là cảm giác được làm một việc có ý nghĩa cho đất nước, cho hiện tại và cho tương lai mà có lẽ không phải cán bộ, công chức nào cũng có được vinh dự đó. Trong niềm vui được tham gia cùng gánh vác công việc mang dấu mốc lịch sử thì sự hy sinh không còn là nỗi mệt mỏi mà trở thành niềm tự hào.

Trước khi bước vào cao trào của cuộc cách mạng, tôi đã nói với anh em, từ ngày 1/3 công việc của Bộ thêm bộn bề, nặng nề nhưng cũng đầy vẻ vang. Trọng trách Bộ Nội vụ được giao đảm nhận là rất to lớn, vừa tham mưu xây dựng nền hành chính nhà nước vừa chăm lo cho chính sách xã hội hướng tới sự tiến bộ, công bằng xã hội, sự phát triển bền vững của xã hội.

Từ những ngày đầu vận hành bộ mới, tập thể cán bộ, công chức của 2 Bộ (Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH) đã thống nhất gắn kết chân thành, đồng cam cộng khổ, cùng làm việc bằng cả trái tim, bằng tinh thần trách nhiệm, cống hiến vì nhiệm vụ chung. 

Chúng ta vừa chứng kiến một giai đoạn mang tính lịch sử, công việc mang tính lịch sử và mỗi cán bộ chúng tôi là những người được tham gia vào cuộc cách mạng vĩ đại ấy. Cho nên gian khổ, khó khăn, vất vả tới đâu thì trong lòng mỗi người cũng tràn đầy tự hào, hứng khởi để làm việc, ốm cũng thành khỏe. 

Chúng tôi gọi nhau là "người Nội vụ", tức không chỉ là công chức, mà là người mang tinh thần của sự phục vụ, của cải cách đất nước. Và chính tinh thần đó là sức mạnh của chúng tôi.

Đi qua cuộc cách mạng thần tốc, bản thân tôi mới hiểu, thấm thía hơn về giá trị lớn lao của lý tưởng "vì mục tiêu chung của đất nước". Làm việc với khát vọng lớn, cống hiến cho sự nghiệp chung như thế, thực sự tôi thấy phấn chấn vô cùng, thấy có động lực mạnh mẽ.

Nếu gọi tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng thì cuộc cách mạng ấy cần nhất điều gì, thưa Bộ trưởng?

- Tôi cho rằng cần nhất là niềm tin, niềm tin vào con đường đang đi, vào giá trị của cải cách, vào trí tuệ tập thể và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Mọi khó khăn đều có thể vượt qua nếu niềm tin đủ lớn và hành động đủ quyết liệt. Tinh gọn bộ máy không chỉ là việc sắp xếp lại tổ chức mà là bước chuyển quan trọng trong tư duy quản trị quốc gia.

Chúng ta không thể vận hành đất nước với một bộ máy cồng kềnh, phân tán, thiếu hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong một thế giới đang biến động, thay đổi từng phút, từng giây. Cho nên, cuộc cách mạng lần này theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là một cuộc cải cách đơn thuần mà là bước đi định hình tương lai, tạo ra sự thay đổi đột phá trong diện mạo của nền quản trị quốc gia, tạo ra động lực mới, cú huých mới cho sự phát triển đất nước.

Cùng với cuộc sáp nhập lịch sử mà Bộ Nội vụ có trách nhiệm tham mưu thực hiện như Bộ trưởng nói, báo Dân trí trở thành một đơn vị của Bộ. Với việc này, Bộ Nội vụ lần đầu trở thành cơ quan chủ quản của một tờ báo, một thay đổi lớn so với trước đây. Đón nhận một đơn vị mới hoàn toàn như vậy, Bộ trưởng đánh giá như thế nào? 

- Cùng với cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc lần đầu tiên trở thành cơ quan chủ quản của một cơ quan báo chí lớn, có uy tín như báo Dân trí là một dấu mốc quan trọng với Bộ Nội vụ. Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức, mà còn mở ra cơ hội để Bộ Nội vụ có thêm một kênh truyền thông mạnh mẽ, hiện đại, gần gũi với người dân, góp phần lan tỏa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, cải cách hành chính, chính sách xã hội.

Điều tôi trân trọng ở Dân trí không chỉ là uy tín sẵn có mà còn là tinh thần trách nhiệm với những vấn đề lớn của đất nước. Trao đổi ở Quốc hội những ngày qua, tôi vẫn nói với Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung (nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan chủ quản của báo Dân trí trước khi sáp nhập bộ) là tờ báo về với Bộ Nội vụ rất đúng thời điểm, để sát cánh với chúng tôi trong cuộc cách mạng, trong nhiệm vụ to lớn, đầy thách thức lần này. Có một tờ báo mạnh đồng hành, công việc của Bộ, yêu cầu thông tin, tuyên truyền chung cho việc đại sự quốc gia có nhiều thuận lợi. 

Tôi nhớ ngay thời điểm xúc tiến việc hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ LĐ-TB&XH, với tư cách một cơ quan phản biện chính sách, báo Dân trí đã có những nội dung, loạt bài kết nối vấn đề tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế với chuyện chuẩn bị chính sách tạo việc làm, "xây tổ" mới cho nhân lực tinh giản, như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm lúc đó. Phải nói đó là phản ứng rất nhanh nhạy, một sự nhạy cảm, tinh tế của cơ quan báo chí có trách nhiệm, tạo ấn tượng tốt với toàn ngành. 

Sau thời gian cùng làm việc, cho đến giờ, tôi đánh giá cao vai trò, vị thế và năng lực của báo Dân trí trong chặng đường phát triển vừa qua. Báo có đội ngũ làm báo chuyên nghiệp, có uy tín xã hội, có khả năng dẫn dắt, tạo ảnh hưởng tích cực trong dư luận, có tinh thần dấn thân vào những vấn đề mới, vấn đề khó, có trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội cao. Với ấn phẩm điện tử và ấn phẩm báo giấy, Dân trí vừa có sự nhanh nhạy, cập nhật, theo thời gian thực về thông tin vừa bảo đảm chiều sâu trong các nội dung về các vấn đề quan trọng của đất nước. Đó là một sự kết hợp rất nhuần nhuyễn, hiệu quả của thông tin báo chí.

Tôi kỳ vọng, với tư cách là một đơn vị của Bộ Nội vụ, báo Dân trí sẽ tiếp tục phát huy bản sắc riêng, vừa phản biện vừa đồng hành, định hướng dư luận trong thời điểm nhạy cảm của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn kết chặt chẽ hơn với nhiệm vụ chính trị của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng cũng từng nhận xét, báo Dân trí đã phát huy tốt chức năng truyền thông, góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận và tinh thần chung tay thực hiện cuộc cách mạng vĩ đại về sắp xếp, tổ chức bộ máy. Vậy tờ báo được Bộ xếp ở vị trí nào trong cuộc cách mạng toàn ngành Nội vụ đã thực hiện thời gian qua? 

- Là cơ quan ngôn luận chính thức của Bộ, chúng tôi coi tờ báo là một phần trong đội hình "tác chiến" của mình trong cuộc cách mạng quan trọng này. Nếu ví quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một chiến dịch lớn, thì Dân trí chính là "đơn vị truyền tin đặc biệt", vừa nhanh nhạy, vừa chính xác, vừa thuyết phục.

Bộ Nội vụ cần một cơ quan báo chí, một đối tác thực sự, nhận diện sâu sắc vấn đề, biết khơi gợi, biết lý giải và biết đồng hành. Và thời gian qua, tờ báo đã làm rất tốt điều đó. 

Trong thời đại thông tin, làm chính sách luôn song hành cùng truyền thông chính sách. Vì thế, chúng tôi đặt báo Dân trí ở vị trí quan trọng trong đội ngũ đồng hành, cả về truyền thông chiến lược lẫn truyền cảm hứng cải cách. Tôi tin tưởng, báo Dân trí sẽ tiếp tục là người bạn tâm giao, cầu nối bền chặt giữa cơ quan hoạch định chính sách với người dân, là kênh thông tin thực tiễn và chuyển tải những nội dung chính sách một cách giản dị, sâu sắc, đầy đủ, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân và được người dân, độc giả tin yêu.

 Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: dantri.com.vn