Dự Buổi làm việc, về phía Bộ Nội vụ có Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ: Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Tổ chức - Biên chế; Vụ Công chức - Viên chức; Văn phòng Bộ và Vụ Tiền lương. Về phía UBND TP. Hồ Chí Minh có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi; lãnh đạo một số đơn vị: Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Văn phòng UBND và Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.
Phát biểu tại Buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cơ bản thống nhất với các nội dung mà UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất trong dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ. Thứ trưởng cũng trao đổi và gợi mở một số nội dung mà UBND TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu bổ sung hoàn thiện dự thảo Nghị quyết số 54/2017/QH14 để trình Quốc hội theo quy định, cụ thể: (1) Về phạm vi đề xuất, cần rà soát, đối chiếu với các quy định của Đảng, Quốc hội xem có thay đổi gì không? Nếu có thay đổi thì có cần báo cáo không, báo cáo cơ quan nào? (2) Việc phân quyền cần rà soát lại xem có gì khác so với quy định của Luật, phân cấp thì có gì khác so với quy định của Chính phủ để khi đưa vào dự thảo Nghị quyết phải đảm bảo đúng với quy định. Đồng thời, Thứ trưởng cũng gợi mở và góp ý thêm vào một số nội dung mà UBND TP. Hồ Chí Minh đề xuất đưa vào trong dự thảo Nghị quyết số 54/2017/QH14.
Cũng tại Buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Nội vụ thống nhất với các chính sách mà TP. Hồ Chí Minh đưa ra; đồng thời, trao đổi, thảo luận và gợi mở một số nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, những cơ chế chính sách, đột phá, phân cấp, phân quyền, ủy quyền; tài chính ngân sách; thẩm quyền quy định điều kiện thành lập cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở văn hóa thể thao ngoài công lập ở những khu quy hoạch phát triển đô thị, các khu vực có mục đích sử dụng đất hiện hữu là đất ở; thí điểm thành lập Sở An toàn thực phẩm; sử dụng nguồn tiền cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm và chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của thành phố; giao thẩm quyền của UBND quận, phường cho Chủ tịch UBND quận, phường; tuyển dụng, quản lý, sử dụng công chức làm việc tại UBND xã, thị trấn thực hiện theo quy định công chức và thuộc biên chế công chức được giao hàng năm của UBND huyện; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy của TP. Thủ Đức;…
Phát biểu tại Buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao sự chuẩn bị, chủ động của UBND TP. Hồ Chí Minh trong xây dựng dự thảo Nghị quyết với tinh thần làm việc khẩn trương, cầu thị và quyết tâm.
Về cơ bản, Bộ trưởng thống nhất với các đề xuất của UBND TP. Hồ Chí Minh đưa ra trong dự thảo Nghị quyết, đồng thời nhấn mạnh, về nguyên tắc chung, Bộ Nội vụ sẽ thống nhất và phối hợp với thành phố để hoàn thiện nội dung Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ và sẽ tiếp tục đồng hành cùng thành phố để hoàn thiện các nội dung trong Đề án, làm sao đảm bảo xây dựng Đề án được chặt chẽ, đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để khi hoàn thiện Đề án này trình Quốc hội được khả thi và có cơ sở.
Bộ trưởng nhấn mạnh, Đề án xây dựng dự thảo Nghị quyết cần bám sát, quán triệt chủ trương của Đảng theo tinh thần các nghị quyết: Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW,… Việc xây dựng cơ chế chính sách, một mặt tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật hiện hành, mặt khác đề xuất, xây dựng các cơ chế chính sách có tầm quan trọng, tính chất vượt trội để tạo động lực cho thành phố phát triển vượt qua các quy định của luật hiện hành.
Việc xây dựng Đề án cũng phải đảm bảo theo đúng thẩm quyền, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị thì trình xin ý kiến Bộ Chính trị, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì phải trình xin ý kiến của Quốc hội và nhóm vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phải trình xin ý kiến của Chính phủ. Cơ chế, chính sách cho TP. Hồ Chí Minh thì vẫn phải quán triệt tinh thần tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Trên cơ sở những quy định của Đảng, Nhà nước và những nội dung mà hai bên đã trao đổi, thảo luận, gợi mở tại Buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị: UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tại Buổi làm việc và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của các Bộ, ngành bằng văn bản.
Các đề xuất cần đảm bảo tính khả thi và đặc biệt là thuyết phục được đại biểu Quốc hội và chính sách phải mang tính đột phá cho thành phố để đảm bảo yêu cầu phát triển của thành phố.
UBND TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công: giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, quản lý đô thị,… quy định trong dự thảo Nghị quyết để cơ sở triển khai thực hiện khi được thông qua.
Liên quan đến chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, cần nghiên cứu đưa lồng vào trong nội dung chính sách tiền lương trong Đề án.
Về phía Bộ Nội vụ, Bộ trưởng cho biết, sau Buổi làm việc này, Bộ sẽ thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng làm Tổ trưởng, chịu trách nhiệm chính để chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, định hướng. Thành viên Tổ công tác gồm lãnh đạo các Vụ: Chính quyền địa phương, Tổ chức - Biên chế, Công chức - Viên chức và Tiền lương. Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương làm Thường trực của Tổ công tác và chủ trì chính để tham mưu và chịu trách nhiệm làm đầu mối để phối hợp, liên lạc, trao đổi, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết làm sao đạt được mục tiêu giải quyết các cơ chế chính sách còn vướng mắc cần tháo gỡ, tìm ra các cơ chế chính sách vượt trội để giúp TP. Hồ Chí Minh phát triển.
Phát biểu tại Buổi làm việc Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cảm ơn các ý kiến phát biểu sâu sắc, góp ý chân thành của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà và các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ và khẳng định, TP. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình cấp có thẩm quyền theo quy định, đảm bảo về tiến độ thời gian và chất lượng, từ đó tạo động lực mới cho sự phát triển mạnh mẽ của TP. Hồ Chí Minh.