Tham dự Diễn đàn có người đứng đầu nền công vụ các nước ASEAN và ASEAN +3; các cán bộ cấp cao, cán bộ đầu mối ACCSM +3, Ban thư ký ASEAN, Ban Công vụ Australia; đại diện một số Bộ, cơ quan Trung ương và một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Phạm Thị Thanh Trà vui mừng chào đón đại biểu các nước ASEAN, ASEAN +3 và Ban Thư ký ASEAN đã đến Hà Nội, Việt Nam tham dự Hội nghị ACCSM 21.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trải qua hơn năm thập niên hình thành và phát triển, các nước ASEAN ngày càng lớn mạnh, trưởng thành hơn về chính trị, bền vững hơn về kinh tế, hoàn thiện hơn về thể chế, gắn kết hơn trong các mối quan hệ. Có được thành quả này là có phần đóng góp hết sức quan trọng của đội ngũ công chức nền công vụ các nước ASEAN tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm và ngày càng chuyên nghiệp, có kiến thức, có phẩm chất đạo đức tốt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng, những biến động, thách thức to lớn và khó lường gần đây đã khiến nền công vụ của các nước ASEAN, ASEAN +3, hơn bao giờ hết, phải nhìn lại mình, phải cấp thiết đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ để thực sự là những nền công vụ hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm. Điều này đòi hỏi đội ngũ công chức các nước cũng phải thay đổi, linh hoạt hơn, nhanh nhạy hơn, sáng tạo hơn, học hỏi hơn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây chính là lý do để Bộ Nội vụ Việt Nam chọn chủ đề của Diễn đàn là “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Tại Diễn đàn này, với những thông tin và kinh nghiệm được chia sẻ từ Indonesia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và đặc biệt là Ban Công vụ Australia, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà hy vọng các nước sẽ không chỉ học hỏi được từ những bài học thành công, mà còn cả từ những khó khăn trong triển khai, thực hiện chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nền công vụ.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, Diễn đàn là cơ hội để các nước cùng lắng nghe, cùng chia sẻ và học hỏi với ý nghĩa thu hẹp khoảng cách, khuyến khích hợp tác giữa các nước ASEAN, các nước ASEAN+3 và các nước đối tác nhằm bảo đảm tiếp thu những nguyên tắc quản trị hiệu quả. Đồng thời, mong muốn các đại biểu sẽ nhiệt tình, tích cực trao đổi, thảo luận trên cơ sở sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm để cùng xây dựng nền công vụ ASEAN hiện đại và thích ứng.
Tại Diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Việt Nam Phạm Minh Hùng đã chia sẻ chuyên đề: “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.
Theo đó, Hệ thống thể chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Việt Nam liên tục được hoàn thiện, đến nay cơ bản đã bảo đảm đồng bộ, khoa học, thống nhất, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.
Hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được nâng lên. Công tác xây dựng đội ngũ giảng viên và tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ tham mưu quản lý đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, ngành, địa phương được quan tâm thực hiện có hiệu quả.
Chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức liên tục được rà soát, chỉnh sửa, đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau. Việc quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm thực hiện có hiệu quả, bám sát quy định của pháp luật về đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; liên tục hoàn thiện các tiêu chí, nội dung đánh giá,... qua đó công tác đánh giá chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngày càng chính xác, phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng không ngừng được nâng cao cả về số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ, ngang tầm nhiệm vụ và đủ khả năng thích ứng, hội nhập quốc tế.
Nhìn chung, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế là một yêu cầu tất yếu, khách quan của Việt Nam trong quá trình cải cách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay.
Chia sẻ về kinh nghiệm của Singapore trong phát triển nguồn nhân lực khu vực công, đại diện Singapore cho biết, nền công vụ Singapore trân trọng đội ngũ của họ và tin rằng mỗi công chức đều có tài năng và khả năng cần được phát triển tối đa. Việc đào tạo xây dựng văn hóa học không ngừng nghỉ, khuyến khích công chức cải thiện kỹ năng, kiến thức, năng lực, đảm bảo mỗi cá nhân có công việc trọn đời.
Singapore cũng đào tạo nuôi dưỡng cam kết về mức độ xuất sắc và cải thiện dịch vụ công. Đào tạo góp phần xây dựng một nền công vụ có năng lực, sáng tạo và tiên tiến có thể tạo ra những điều kiện cần thiết để cho một Singapore thành công và tràn đầy sức sống.
Về chính sách học tập và phát triển, Singapore cho mỗi công chức được quyền hưởng 100 giờ đào tạo mỗi năm. Đào tạo là trách nhiệm chung của cả cá nhân công chức lẫn người quản lý họ. Việc đào tạo cần đáp ứng nhu cầu của cả cá nhân và tổ chức. Về nguyên tắc, đảm bảo 60/40 đối với công việc liên quan giữa đào tạo so với đào tạo tự phát triển.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng được nghe kinh nghiệm được chia sẻ từ Indonesia, Thái Lan và đặc biệt là Ban Công vụ Australia, đưa ra những bài học thành công cũng như những khó khăn trong triển khai, thực hiện chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nền công vụ.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã trao đổi, đối thoại, chia sẻ thông tin giữa các nước trong khu vực, với Ban Công vụ Úc về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng công chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; về các thách thức đặt ra đối với nền công vụ ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi với sự nổi lên của các thách thức mới chưa từng có tiền lệ; đưa ra các giải pháp thúc đẩy hợp tác ASEAN trong tình hình mới; tăng cường hợp tác với các nước +3 của ASEAN và ACCSM; chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước về cách thức nền công vụ ứng phó và thích ứng với các vấn đề mới phát sinh như vấn đề dịch bệnh COVID-19…
Bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà chân thành cảm ơn sự tham gia, đóng góp và chia sẻ nhiệt tình của các đại biểu và các quốc gia thành viên tại Diễn đàn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng, Diễn đàn đã giúp các đại biểu có cách nhìn toàn diện và đa dạng hơn về các chiến lược và giải pháp đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, cũng như những yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ ở mỗi quốc gia; đồng thời, hi vọng những kinh nghiệm đó sẽ được xem xét, lựa chọn để có thể áp dụng phù hợp với thực tiễn của mỗi nước, giúp xây dựng nền công vụ thực sự đổi mới, hiện đại, chuyên nghiệp và mang lại những tiêu chuẩn cuộc sống tốt hơn cho công dân ở mỗi nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Diễn đàn là cơ hội tốt để các nước một lần nữa khẳng định giá trị và tầm quan trọng của nền công vụ và đội ngũ công chức đối với phát triển bền vững ở mỗi quốc gia, trong đó con người là chủ thể tạo nên sự thay đổi, đổi mới. Việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có ý thức, thái độ và đạo đức công vụ cao, thực thi công vụ hiệu quả, chuyên nghiệp là yêu cầu tất yếu hiện nay về đổi mới chính phủ, đổi mới nền công vụ và quản trị công của các nước trong khu vực.