Tại phiên họp thứ 39 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (sáp nhập) của Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh, thành.
Sẽ giảm 9 huyện, 562 xã của 51 tỉnh, thành
Theo đó, thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 đơn vị cấp huyện và 361 đơn vị cấp xã để hình thành 5 đơn vị cấp huyện, 200 đơn vị cấp xã mới của 12 tỉnh, TP. Sau sắp xếp, giảm 1 đơn vị cấp huyện và 161 đơn vị cấp xã.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đến thời điểm hiện tại theo yêu cầu chung của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì tiến độ việc sáp nhập đơn vị cấp huyện, cấp xã chậm hơn.
Do đó, Bộ trưởng Trà nêu rõ Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm trong vấn đề chỉ đạo. Nhưng địa phương cũng cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm việc này. Bởi việc này đã chủ động sớm, từ năm 2023 đến nay và nhiều địa phương đã chủ động.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, đến thời điểm hiện tại đã có 50/51 tỉnh, thành phố có các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sáp nhập được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các đề án sáp nhập.
Còn một địa phương là tỉnh Ninh Bình hiện Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về đề án sáp nhập cấp huyện, xã của tỉnh này và sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Số lượng huyện, xã thuộc diện sáp nhập nhưng chưa thực hiện khá nhiều
Một nội dung theo Bộ trưởng Trà, trong lần sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã ở 12 tỉnh, thành phố vừa qua thì số lượng huyện, xã thuộc diện sắp xếp nhưng chưa thực hiện sắp xếp cao (53%). Cụ thể với 8 đơn vị cấp huyện và 258 đơn vị cấp xã.
Lý do chưa thực hiện là các đơn vị này có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông thuận lợi với đơn vị liền kề, đơn vị hình thành ổn định từ năm 1945.
Hay đơn vị có đặc điểm lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán mà nếu sắp xếp sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
“Dù có yếu tố đặc thù nhưng hiện tượng có một số địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt cao, thấy khó nên không tiếp tục thực hiện. Vì vậy, tới đây tổng thể trong 51 địa phương, bộ sẽ có hướng dẫn tất cả các địa phương việc đánh giá, hướng dẫn đánh giá phân loại. Đồng thời, có kiểm tra, đôn đốc cụ thể để chuẩn bị cho giai đoạn sắp xếp 2026 - 2030”, Bộ trưởng nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Trà, trong 200 đơn vị cấp xã hình thành sau sắp xếp tại 12 tỉnh, thành phố có 89 đơn vị chưa đạt tiêu chuẩn thuộc trường hợp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong số này chủ yếu rơi vào các đơn vị của Hà Nội và TP.HCM khi sáp nhập 2 đơn vị vào vẫn chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Nhưng nếu sắp xếp thêm 1 đơn vị cấp xã vào thì lại khó khăn trong quản lý do số lượng dân số quá lớn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các nghị quyết về sắp xếp thì có rất nhiều việc các địa phương phải làm như xử lý cán bộ dôi dư, tài sản công sau sắp xếp, ổn định sớm tình hình, giải quyết thủ tục hành chính sớm cho nhân dân...
Bộ đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh gọn, phục vụ nhân dân tốt nhất và tập trung cho Đại hội Đảng các cấp.