Thứ trưởng Lê Văn Thanh nắm bắt tình hình an toàn lao động tại mỏ dầu khí trên biển

15/04/2025 16:51

Sáng 14/4, đoàn công tác của Bộ Nội vụ có chuyến thăm và làm việc trên tàu FPSO Thái Bình Việt Nam ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu, để nắm bắt tình hình an toàn vệ sinh lao động trong ngành nghề khai thác, chế biến dầu khí. Đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương làm Trưởng đoàn.

Khai thác, chế biến dầu khí là ngành nghề có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh vai trò trọng yếu của ngành dầu khí trong việc đóng góp cho ngân sách nhà nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý khai thác, chế biến dầu khí là ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao, dễ xảy ra tai nạn do điều kiện làm việc phức tạp, môi trường khắc nghiệt.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Theo Thứ trưởng, doanh nghiệp ngày nay không chỉ hướng đến chất lượng sản phẩm mà còn phải phát triển bền vững, trong đó lấy người lao động làm trung tâm, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, nhân văn. Thông điệp này cần được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt trong Tháng hành động ATVSLĐ.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Đinh Thế Hùng, Trưởng ban Công nghệ và An toàn môi trường, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho hay, PVEP và Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) thời gian qua đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.

Tính đến quý IV năm 2024, PVEP đã tổ chức các lớp tập huấn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền trực quan, đo kiểm môi trường lao động, tự kiểm tra, rà soát rủi ro và khắc phục nguy cơ mất an toàn. Đơn vị cũng tổ chức, tham gia hội thi, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác kiểm tra tại công trình khai thác dầu khí trên biển

Riêng CLJOC, ngay từ đầu năm 2025, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như nhận diện rủi ro tại công trình biển, diễn tập ứng phó sự cố, rà soát quy trình làm việc an toàn, đẩy mạnh tuyên truyền và đào tạo người lao động.

Đơn vị duy trì hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách; tăng cường giám sát nhà thầu và áp dụng hiệu quả các công cụ quản lý rủi ro, với quan điểm "không có công việc nào quan trọng đến mức không thể làm an toàn".

Theo ông Ngô Khánh Xạ, Phó Tổng Giám đốc PVEP, đơn vị luôn áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và chuẩn mực quốc tế trong ngành dầu khí.

"Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này được coi là ưu tiên hàng đầu, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động. Chúng tôi đặt người lao động lên hàng đầu vì xác định con người là yếu tố then chốt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không may để xảy ra tai nạn, mỏ phải đóng cửa thì thiệt hại rất lớn. Vậy nên chúng tôi toàn tâm đầu tư, đảm bảo an toàn cho người lao động khi làm việc, đồng thời chú trọng cải thiện đời sống anh em ngày một tốt hơn", ông Ngô Khánh Xạ nói.

Ngoài ra, công ty cũng áp dụng các công nghệ tiên tiến và hiện đại trong vận hành, khai thác mỏ; sử dụng các thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho người lao động.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác kiểm tra tại công trình khai thác dầu khí trên biển

Phó Tổng Giám đốc PVEP nhận định đơn vị vẫn gặp một số khó khăn, thách thức vì điều kiện làm việc khắc nghiệt như thời tiết, áp suất, nhiệt độ cao tại các công trường; nhu cầu di chuyển thường xuyên của công nhân, đặc biệt trong mùa biển động.

Đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp an toàn lao động hiệu quả hơn.

Kiểm soát nguy cơ rủi ro

Sau khi nghe báo cáo của PVEP và CLJOC, Thứ trưởng Lê Văn Thanh ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo các đơn vị và người lao động trong công tác đảm bảo ATVSLĐ và sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, Thứ trưởng Lê Văn Thanh lưu ý các đơn vị tập trung một số nhiệm vụ cơ bản.

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, cập nhật và triển khai các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; quan tâm chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm

Thứ hai, có chương trình hành động cụ thể và bám sát kế hoạch các hoạt động để triển khai hiệu quả Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2025 với chủ đề "Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc". Doanh nghiệp cần chú trọng việc rà soát, xây dựng các quy trình, nội quy về an toàn trong lao động, sản xuất.

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và phát huy các sáng kiến cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất lao động, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; thường xuyên tăng cường kiểm soát việc tuân thủ kỷ luật lao động, nội quy, quy trình làm việc an toàn.

Thứ tư, quan tâm, chú trọng việc cải thiện điều kiện lao động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động tại nơi làm việc; xây dựng môi trường làm việc an toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện.

Thứ năm, tiếp tục đối mới, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, các hình thức tuyên truyền…

Phương Nhung