Ủy ban Pháp luật và Tư Pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2 về dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi vào sáng ngày 25/4/2025.
Quản lý công chức theo vị trí việc làm
Trình bày tờ trình tóm tắt dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, dự thảo Luật sửa đổi gồm 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với Luật hiện hành.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ khái quát 3 nội dung trọng tâm của dự Luật được sửa đổi, bổ sung bao gồm: Các quy định để liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã; các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức và tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ.
Về sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết dự Luật sửa đổi để làm rõ một số nội dung liên quan đến cơ chế quản lý, bố trí, sử dụng công chức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long (Ảnh: Trọng Quỳnh).
Theo đó, hoàn thiện khái niệm về vị trí việc làm và ngạch để làm căn cứ tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, đào tạo, bồi dưỡng... khi được bố trí vào vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý sẽ được xem xét bổ nhiệm vào ngạch tương ứng (bỏ thi nâng ngạch).
Đối chiếu lại quy định hiện hành, ông Long cho biết tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức kết hợp giữa ngạch và vị trí việc làm. Tuy nhiên, trong dự Luật lần này, công tác sử dụng công chức theo hướng vị trí việc làm, còn ngạch dùng để thực hiện tiền lương.
"Dự Luật đưa ra nguyên tắc kết hợp giữa ngạch và vị trí việc làm trong quản lý cán bộ, công chức. Song trong quá trình thực hiện sẽ đặt trọng tâm vào vị trí việc làm", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dự Luật còn đổi mới phương thức tuyển dụng theo vị trí việc làm. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng có thể thực hiện tuyển dụng công chức vào tất cả các vị trí việc làm thuộc phạm vi quản lý, kể cả vị trí việc làm có yêu cầu ngạch công chức tương ứng là chuyên viên chính hoặc chuyên viên cao cấp.
Đồng thời, người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ của vị trí việc làm, theo đó sau khi trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm, xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm trúng tuyển và không phải thực hiện chế độ tập sự.
Mặt khác, dự Luật cũng sửa đổi quy định về đánh giá thường xuyên trong năm từ kết quả thực hiện từng nhiệm vụ, công việc được giao thể hiện bằng số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm.
Đây là cơ sở thực hiện chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với người có phẩm chất, năng lực nổi trội, có nhiều thành tích, đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời để sàng lọc, cho thôi việc đối với những công chức không đạt yêu cầu của vị trí việc làm đảm nhận, khắc phục chế độ "biên chế suốt đời".
Đề nghị bổ sung thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Cán bộ, công chức; đồng thời nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời, cơ bản đáp ứng yêu cầu về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.
Về nguyên tắc quản lý công chức, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc tiếp tục quy định một trong những nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là "kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang chủ trì phiên họp (Ảnh: Trọng Quỳnh).
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị sửa đổi nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức theo hướng quản lý theo vị trí việc làm để góp phần tạo cơ sở pháp lý thực hiện trả lương theo vị trí việc làm đúng với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Về vị trí việc làm, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền xây dựng, phê duyệt vị trí việc làm.
Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định ký hợp đồng có thời hạn với chuyên gia, nhà khoa học, người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang cho biết, sau phiên họp này, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban và ý kiến tiếp thu của Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp sẽ tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.