Về số lượng chức danh lãnh đạo, Đề án xác định, ĐVHC cấp xã sẽ có Chủ tịch HĐND (chức danh kiêm nhiệm) và 01 Phó Chủ tịch HĐND (chức danh chuyên trách); Chủ tịch UBND (chức danh chuyên trách) và 02 Phó Chủ tịch (01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng HĐND và UBND, 01 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm chức danh Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công).
Các Ban của HĐND sẽ có Trưởng ban (chức danh kiêm nhiệm) và 01 Phó Trưởng ban (chức danh chuyên trách); Các phòng và tương đương của UBND có Trưởng phòng (chức danh chuyên trách hoặc do Phó Chủ tịch UBND kiêm nhiệm) và 01 cấp phó (chức danh chuyên trách).
Riêng trường hợp ĐVHC cấp xã giữ nguyên (không sắp xếp) và không tổ chức các phòng chuyên môn thì số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã có thể bố trí tăng thêm 01 Phó Chủ tịch để bảo đảm vai trò lãnh đạo, điều hành của chính quyền trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về biên chế, theo Đề án, chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có mặt (không bao gồm thanh tra cấp huyện) để bố trí biên chế cấp xã, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay được bố trí làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới; có thể tăng cường CBCCVC cấp thành phố về cấp xã.
Trước mắt, giữ nguyên số lượng biên chế CBCC của cấp huyện (không bao gồm thanh tra cấp huyện), cấp xã hiện có mặt để bố trí làm việc tại cấp xã mới và thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 05 năm sắp xếp theo đúng khung định mức quy định (dự kiến biên chế bình quân của mỗi xã sau khi sắp xếp là 32 biên chế (không bao gồm khối đảng, đoàn thể).
Trong đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở phương án sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực tại cấp xã mới theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Thành phố Cần Thơ sẽ bố trí chỉ tiêu biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong tổng số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, thực hiện đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa bàn.
Một góc Thành phố Cần Thơ.
Về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ấp, khu vực, Đề án nêu, kết thúc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kể từ ngày 01/8/2025. Giao chính quyền địa phương cấp xã mới xem xét, có thể sắp xếp, bố trí những trường hợp đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ để tham gia công tác tại khu phố (ấp, khu vực); giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Trước mắt giữ nguyên các ấp, khu vực hiện có; sau khi hoàn thành sắp xếp ĐVHC các cấp, căn cứ quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ và hướng dẫn theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, thành phố sẽ tiến hành sắp xếp, tổ chức lại ấp, khu vực theo hướng tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục, Thành phố Cần Thơ đề xuất phương án giữ nguyên và chuyển giao các trường THCS, tiểu học, mầm non công lập cho chính quyền địa phương cấp xã quản lý. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện sẽ chuyển giao về Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý, tổ chức lại để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường.
Về các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, duy trì, chuyển các Trạm Y tế trên địa bàn cấp xã hiện có từ Sở Y tế về UBND cấp xã quản lý. Căn cứ vào diện tích, quy mô dân số của ĐVHC cấp xã mới, xem xét, tổ chức lại thành 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để thực hiện nhiệm vụ về phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Trung tâm y tế cấp huyện sẽ được cơ quan có thẩm quyền đề xuất tổ chức lại để cung ứng dịch vụ theo khu vực hoặc liên xã, phường.
Bên cạnh đó, Đề án cũng dự kiến sắp xếp, tổ chức 01 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho người dân trên địa bàn (cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thông,...); Sắp xếp lại, tổ chức 01 đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên (Ban quản lý dự án) thuộc UBND cấp xã để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực xây dựng, phát triển quỹ đất, giải phóng mặt bằng,... trên địa bàn. Trường hợp cần thiết, UBND thành phố xem xét thành lập đơn vị sự nghiệp thuộc Ban quản lý dự án của UBND thành phố để cung ứng dịch vụ theo khu vực liên xã, phường;
Phương án và lộ trình bố trí, sắp xếp CBCCVC và người lao động sau sắp xếp ĐVHC cấp xã
Xác định rõ phương án sắp xếp CBCCVC và người lao động, Thành phố Cần Thơ sẽ tạm thời vẫn giữ ổn định số lượng biên chế, nhân sự đang có mặt tại các cơ quan, đơn vị để rà soát, sắp xếp, bố trí thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, cụ thể: Chuyển biên chế có mặt/ biên chế được giao năm 2025 (không bao gồm thanh tra cấp huyện) để bố trí biên chế cấp xã; Chuyển số lượng người làm việc có mặt/ được giao năm 2025 để bố trí vào biên chế viên chức cấp xã đối với các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; Chuyển biên chế CBCC có mặt tại UBND cấp xã vào biên chế cấp xã mới; Người hoạt động không chuyên trách sẽ được xem xét, bố trí nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu nhiệm vụ để tham gia công tác tại khu phố (ấp, khu vực) và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp không bố trí công tác theo quy định.
Đối với việc giải quyết chế độ, chính sách tinh giản biên chế CBCCVC, Thành phố Cần Thơ sẽ rà soát, đánh giá và thực hiện chính sách, chế độ theo quy định đối với các trường hợp có đơn tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc; không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí đảm nhiệm vị trí việc làm ở cấp xã mới.
Thực hiện tinh giản biên chế CBCCVC sau sắp xếp ĐVHC cấp xã theo lộ trình, kết hợp các giải pháp như: Hỗ trợ kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm; Nghiên cứu, hỗ trợ kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm trong khu vực tư cho CBCCVC không tiếp tục công tác; hỗ trợ chuyển đổi việc làm, tạo điều kiện sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn nhân lực của thành phố.
Một góc Thành phố Cần Thơ.
Sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC cấp xã
Theo Đề án, việc bố trí, sử dụng trụ sở, tài sản công sau sắp xếp ĐVHC thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Thành phố Cần Thơ có tổng số 80 trụ sở công của ĐVHC cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng trụ sở công ở cấp xã được bố trí tiếp tục sử dụng là 21 và sẽ có phương án xử lý đối với 59 trụ sở dôi dư.
Đồng thời, rà soát hiện trạng trụ sở công trên địa bàn cấp xã để cân đối, bố trí nguồn ngân sách đầu tư, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ cho hoạt động của ĐVHC mới hình thành sau sắp xếp; sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho đội ngũ CBCCVC của các ĐVHC cùng sắp xếp để ổn định điều kiện làm việc tại ĐVHC mới sau sắp xếp.