Tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động

14/04/2025 10:45

Nhằm tăng cường việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, ngày 02/4, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 907/BNV-CVL gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Tập đoàn, Tổng Công ty về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh kiểm tra tình hình đảm bảo ATVSLĐ tại Công ty Than Thống Nhất (tháng 10/2024)

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các yêu cầu của Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Trong đó, cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện với tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả).

Đồng thời, tập trung tổng kết thực tiễn thi thành Luật An toàn, vệ sinh lao động trong năm 2025 theo Kế hoạch tổng kết Luật An toàn, vệ sinh lao động của Bộ Nội vụ; đẩy mạnh các hoạt động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động; tăng cường hướng dẫn việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra thực tế tại các nơi làm việc có nguy cơ cao về an toàn lao động trong các lĩnh vực như xây dựng, khai khoáng, cơ khí, luyện kim…

Bộ Nội vụ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn lao động và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật, chấp hành nghiêm việc thống kê, báo cáo theo quy định pháp luật. 

Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện rà soát, đánh giá, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng các biện pháp, phương án làm việc an toàn, bảo đảm kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

Về tăng cường tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động, các Tập đoàn, Tổng Công ty tập trung vào các nội dung sau: việc tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; việc quản lý, sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; thực hiện quan trắc môi trường lao động; tổ chức chăm sóc sức khỏe người lao động. 

Bộ Nội vụ giao Cục Việc làm tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động (nếu có); tổng hợp các kiến nghị, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đảm bảo phù hợp và khả thi trong thực tiễn. 

Phương Nhung