Hội thảo khoa học: Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển

11/02/2025 11:05

Sáng ngày 11/2/2025 tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Điểm nghẽn thể chế và các giải pháp đột phá để phát triển”. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long và Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn đồng chủ trì hội thảo khoa học.

Tham dự hội thảo khoa học có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Thượng tướng, PGS TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ; GS TS Nguyễn Quốc Sửu, Phó Giám đốc Học viện Hành chính và Quản trị công; Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, Hội đồng cố vấn, tư vấn, Hội đồng khoa học, các hội viên của Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam cùng đông đảo chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Thứ trưởng Trương Hải Long
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu khai mạc hội thảo khoa học.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long nhấn mạnh, để hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển cần một thể chế đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, nhất là trong điều kiện phải giải quyết 3 trụ cột của mô hình chủ nghĩa xã hội ở nước ta, gồm: (1) Phát triển kinh tế thị trường; (2) Hoàn thiện nhà nước pháp quyền và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng; (3) Chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia và ứng dụng các thành quả của cách mạng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.

Trong bối cảnh đó, thể chế không chỉ là khung khổ pháp lý mà còn là động lực quan trọng định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, thể chế hiện nay chưa theo kịp tiến trình phát triển, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn, rào cản về cơ chế, chính sách đang làm chậm sự phát triển của đất nước.

Theo Thứ trưởng Trương Hải Long, để góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, cần một tư duy đổi mới mạnh mẽ, một quyết tâm chính trị cao độ và sự đồng lòng của toàn xã hội, đồng thời bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn và khoa học những điểm nghẽn thể chế, từ đó đưa ra được những giải pháp thiết thực, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu đề dẫn, khẳng định thể chế có vai trò nền tảng, quyết định và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, thể chế có vai trò nền tảng, quyết định và tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia. Đất nước muốn bước vào kỷ nguyên phát triển và giàu mạnh cần phải tháo gỡ, khai thông các điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế. Việc nghiên cứu các điểm nghẽn thể chế và đưa ra các giải pháp đột phá, khơi thông để phát triển trong kỷ nguyên mới là rất cần thiết, đặc biệt quan trọng nhằm đạt được mục tiêu Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra: tinh – gọn – mạnh; hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả.

TS Trần Anh Tuấn nhận định cơ chế, chính sách trong hệ thống pháp luật chậm thay đổi so với với yêu cầu thực tiễn, đã tạo nên “chiếc áo quá chật” làm phát sinh nhiều chính sách đặc thù để các địa phương phát triển. Việc phân quyền, phân cấp giữa Chính phủ và chính quyền địa phương dù đã thực hiện nhưng vẫn mang tính hình thức, vẫn nhiều quy trình thủ tục, xin ý kiến... Trong các nguyên nhân, Chủ tịch Trần Anh Tuấn nhấn mạnh đến tư duy “ngồi im”, không thay đổi, hoặc thay đổi nửa vời, chắp vá, không có tính hệ thống thì quản lý, quản trị quốc gia vẫn đi theo “lối mòn”, vẫn “bình mới rượu cũ”, vẫn duy ý chí, giáo điều. Rất dễ sa vào tình trạng: giải quyết được điểm nghẽn này thì lại tạo ra điểm nghẽn khác.

Việc đánh giá vẫn chưa phân biệt được người có năng lực với người yếu kém. Chưa thực sự và còn loay hoay trong việc chuyển từ chế độ công vụ chức nghiệp sang chế độ công vụ việc làm. Danh mục vị trí việc làm chưa thực sự gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, chưa thực sự là căn cứ để đột phá trong đổi mới quản lý cán bộ, công chức. Tư duy tuyển dụng “suốt đời” gắn với biên chế vẫn “đậm nét” trong quản lý công vụ, chưa thích ứng với cơ chế thị trường. Tiêu chuẩn công chức vẫn “trăm hoa đua nở”, cơ quan nào cũng được giao quy định tiêu chuẩn, trở nên rất rắc rối, không đảm bảo được tính thống nhất. Từ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức khó được cải thiện và đáp ứng yêu cầu công vụ.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học.

Do vậy, bước vào kỷ nguyên mới, tư duy cũng phải "vươn mình",  cần nhận thức đầy đủ vai trò của Chính phủ trong kinh tế thị trường, để từ đó, thiết kế cơ cấu tổ chức của Chính phủ cho phù hợp theo hướng “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn”, “Chính phủ lái thuyền mà không chèo thuyền”. Việc của địa phương phải để địa phương quyết, thực hiện và chịu trách nhiệm; đẩy mạnh phân quyền, phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương với chính quyền địa phương. Chính phủ cần mạnh dạn hơn trong giao việc thực hiện các dịch vụ công cho các tổ chức ngoài nhà nước đủ năng lực thực hiện.

Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học đã tích cực tham vấn, đề xuất các ý kiến, tập trung vào một số nội dung, như: cần thay đổi cách thức xây dựng và ban hành thể chế; nâng cao dân trí; tăng cường trách nhiệm giải trình; đổi mới quy trình, phương thức soạn thảo luật theo hướng chuyên nghiệp và khoa học góp phần giải quyết điểm nghẽn về thể chế; tăng cường cơ chế phản biện xã hội; thành lập ủy ban kiểm soát và điều tiết thị trường; rà soát và cập nhật hệ thống pháp luật thường xuyên, từ đó, điều chỉnh và cập nhật các quy định pháp luật để phù hợp với sự phát triển của xã hội trong thời đại công nghệ số; phát triển các mô hình thể chế số hóa để tối ưu hóa quy trình quản lý và cung ứng dịch vụ công.

Phát biểu tổng kết hội thảo khoa học, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn cảm ơn các đại biểu, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã quan tâm tham dự, tích cực đóng góp ý kiến và gửi tham luận cho Hội thảo. Những vấn đề lý luận và thực tiễn cùng nhiều giải pháp thiết thực là trí tuệ, tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham gia Hội thảo sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu đầy đủ, làm cơ sở tổng hợp, báo cáo trình Bộ Nội vụ và Chính phủ xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 

Thuận Nghiên