Gấp rút hoàn thiện chính sách để chăm sóc toàn diện đối với người có công

23/07/2025 16:02

Trong năm 2025, nhiều cơ chế, chính sách mới đang được Đảng và Nhà nước gấp rút hoàn thiện, không chỉ để tri ân bằng hành động cụ thể mà còn để sẻ chia, chăm sóc người có công một cách toàn diện và thiết thực hơn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Theo báo cáo từ Cục Người có công (Bộ Nội vụ), trên tinh thần tiếp nối truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, Cục đang phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 131/2021/NĐ-CP, dự kiến trình Chính phủ trong quý IV/2025.

Nghị định là văn bản qua trọng quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, kế thừa, sửa đổi, bổ sung từ thực tiễn, đồng thời phản ánh các nội dung mới phát sinh, bảo đảm phù hợp với tình hình hiện tại và nguyện vọng của người dân.

Đồng thời, Cục Người có công cũng đang hoàn thiện Nghị định điều chỉnh chế độ trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến và thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975, dự kiến trình Chính phủ trong quý III/2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và tặng quà các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, ngày 15/7/2025.

Cũng trong năm 2025, một điểm sáng nổi bật là việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) đã ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BLĐTBXH ngày 28/02/2025, quy định định mức kinh tế kỹ thuật cho dịch vụ giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong xác định danh tính liệt sĩ – một việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần đưa các anh về với gia đình và quê hương.

Theo Cục Người có công, trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục đã tiếp nhận 397 mẫu hài cốt liệt sĩ để giám định ADN, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc trả lại tên cho những người đã ngã xuống.

Cục cũng thực hiện thẩm định hồ sơ công nhận liệt sĩ, trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 196 Bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 1.959 Bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 56 hồ sơ liệt sĩ, tra cứu trên 2.550 bộ hồ sơ liệt sĩ.

Không chỉ dừng ở xây dựng thể chế, việc chăm lo đời sống người có công tiếp tục được ưu tiên. Chủ tịch nước đã ký các Quyết định về việc tặng quà người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1945 - 30/4/2025), Kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và 80 năm ngày thành lập nước (02/9/1945 - 02/9/2025).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 24/6/2025 kiện toàn Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương và Công điện số 102/CĐ-TTg ngày 30/6/2025 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chính sách người có công.

Bộ Nội vụ cũng ban hành hướng dẫn triển khai các quyết định của Chủ tịch nước về tặng quà, đồng thời đôn đốc thực hiện Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về hỗ trợ nhà ở đối với người có công và thân nhân liệt sĩ giai đoạn 2023 – 2025. Hàng vạn căn nhà đang được sửa chữa, xây dựng mới – mỗi viên gạch, mỗi mái ngói đều thấm đẫm nghĩa tình tri ân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trao quà của Tổng Bí thư Tô Lâm tới các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, ngày 15/7/2025.

Hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Thương bình - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), những ngày này, các hoạt động tưởng niệm, tri ân đang diễn ra trên cả nước. Một trong những điểm nhấn là Cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử cấp Trung ương do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội dự kiến vào ngày 24/7 tới đây, với sự tham gia của 250 người có công tiêu biểu.

Đây là dịp để tri ân sâu sắc tới các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử; người có công với cách mạng qua các thời kỳ; đại diện thân nhân liệt sĩ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Cùng với đó là chuỗi hoạt động thiết thực, đầy xúc động như: Dâng hương tưởng niệm, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ; phát động phong trào thanh niên chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; chỉnh trang công trình ghi công liệt sĩ; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương; tổ chức thăm hỏi, tặng quà tại các địa phương và trung tâm điều dưỡng người có công.

Tri ân không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động, những chính sách, hoạt động ý nghĩa đang góp phần khẳng định đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam - nơi sự hy sinh luôn được khắc ghi và lòng biết ơn luôn hiện diện trong từng quyết sách của Đảng, Nhà nước với người có công.

T Kiên