“Đình chỉ ngay việc thiêu, hủy tài liệu”

01/07/2025 10:11

“Đình chỉ ngay việc thiêu, hủy tài liệu” là nội dung quan trọng, được Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh trong văn bản gửi tới người đứng đầu các cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ cách đây hơn 70 năm.

“Đình chỉ ngay việc thiêu, hủy tài liệu” là nội dung quan trọng, được Bộ trưởng Bộ Canh nông (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh trong văn bản gửi tới người đứng đầu các cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ cách đây hơn 70 năm.

Hiện nay, cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở đang đồng lòng khẩn trương thực hiện quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy - mở ra chương phát triển mới, bền vững, toàn diện của đất nước. Trong quá trình này, công tác văn thư - lưu trữ được coi yếu tố quan trọng để đảm bảo tính kế thừa, thông suốt và hợp pháp trong hoạt động điều hành, quản lý của các cơ quan, tổ chức.

Nhìn lại chặng đường lịch sử dân tộc, có rất nhiều mốc son đáng nhớ, tạo nên sự thay đổi tầm vóc của đất nước. Có một sự liên hệ tương đồng, Mùa thu năm 1954, Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể từ “Thủ đô gió ngàn” Việt Bắc trở về giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trong rất nhiều công việc quan trọng, công tác lưu trữ tài liệu luôn được được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao.

Thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, ngày 05/8/1954, Thư viện Trung ương (Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương) đã có văn bản gửi tới các Bộ, trong đó nhấn mạnh những việc cần làm ngay về công tác lưu trữ trong bối cảnh chuẩn bị về xuôi, rời căn cứ địa ra đô thị. Văn bản được viết bằng tay, nhân bản thành 15 bản và gửi tới các Bộ.

Trước tình trạng các cơ quan đều muốn “thiêu, hủy, cho bớt tài liệu sách báo đồ vật để đi cho nhẹ”, Thư viện Trung ương đã nhấn mạnh những việc mà các Bộ cần làm ngay, trong đó việc đầu tiên, quan trọng là “Các cơ quan giải thích ngay cho nhân viên, cán bộ đình chỉ việc thiêu hủy tài liệu, sự cần thiết của lưu trữ, bảo tàng”.

Văn bản số 143/TV-TW ngày 05 tháng 8 năm 1954 của Thư viện Trung ương
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Nhận thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc này, các Bộ hết sức hưởng ứng, triển khai khẩn trương các biện pháp và công việc để thu thập, lựa chọn, đóng gói tài liệu lưu trữ. Trong số đó, xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc văn bản của Bộ Canh Nông (tiền thân của Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện nay) bày tỏ sự tán thành đề nghị của Thư viện Trung ương, đồng thời triển khai đến các Vụ, Sở, Trường trực thuộc.

Văn bản số 179 - CN/PI ngày 24 tháng 8 năm 1954 của Bộ Canh Nông về việc tập trung tài liệu và hồ sơ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Văn bản yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị làm những việc cụ thể:

“1. Giải thích cho cán bộ và nhân viên rõ sự cần thiết của việc này và nhiệm vụ phải tích cực đóng góp vào, việc đầu tiên là đình chỉ ngay việc thiêu hủy tài liệu.

2. Soạn lọc tài liệu

a) Không những soạn lọc trong các hồ sơ, tài liệu hiện đang lưu trữ và sử dụng ở các bộ phận (trong trụ sở hiện tại) mà còn phải soản lọc trong các hồ sơ, tài liệu hiện cất ở các lán, hoặc gửi ở các nhà đồng bào tại các địa điểm cũ. Vậy cần tập trung ngay các hồ sơ tài liệu rải rác như trên và đem về trụ sở.

b) Các hồ sơ, tài liệu, đồ đạc,… sẽ xếp thành hai loại:

- Loại I: Cơ quan còn cần dùng đến. Loại này sẽ do cơ quan phụ trách lưu trữ, bảo quản và đem theo đơn vị

- Loại II: Loại xét không cần dùng đến nữa. Loại này sẽ giao cho Thư viện lưu trữ và bảo quản

- Để bớt cồng kềnh, có thể xếp riêng một loại để ủy bỏ được (thí dụ: các văn bản viết nháp, các phiếu gửi, các bản thừa,… nhưng cần trình các cấp phụ trách xét và đồng ý, mới được thiêu hủy đi.

b) Soạn lọc xong, đối với loại II, cần lập một bảng kê rành mạch:

- Của đơn vị nào?

- Số lượng văn kiện (gói, sọt, hòm,…)

- Tên các hồ sơ tài liệu.

Để tiện việc kiểm điểm lúc giao cho Thư viện và dễ dàng cho việc sưu tầm, tìm tòi khi cần đến.

Sau đó, sẽ gói ghém, niêm phong cẩn thận và chuẩn bị sẵn sàng, để giao cho Thư viện

- Đóng vào sọt, hòm, gói, buộc kỹ càng và sẵn sàng, cho Thư viện cho người đến lấy đe đi hoặc cho chỉ thị mời qua Bộ.

- Trong lúc gói ghém, niêm phong, chú ý làm những kiện hàng gọn, chắc chắn, tiện gánh vác.

c) Báo cáo về Bộ khi thi hành xong cho biết địa điểm, số kiện, trọng lượng bao nhiêu cân.

Bộ lưu ý thêm các bộ phận về mấy điểm sau đây:

1. Cần khẩn trương, cho súc tiến những việc trên ngay sau khi nhận được chỉ thị này. Nếu để chậm, phải làm vội vàng sẽ xảy ra nhiều thiếu sót, sai lầm.

2. Trực tiếp theo dõi, nếu có sự thiếu sót, sai lầm (trong việc chọn lọc, xếp loại) sẽ có ảnh hưởng đến công tác sau này của cơ quan, cho nên các Thủ trưởng cần trực tiếp theo dõi, đôn đốc công việc này.

Và ít nhất sau khi đã chọn lọc và phân loại xong, trước khi gói ghém niêm phong, ông Thủ trưởng cần kiểm tra lại.

3. Bảo mật: chú ý bảo đảm bí mật trong việc này (gói ghém kỹ lưỡng, biên ghi để theo dõi nhưng kín đáo).

Các Viên, Sở chỉ thị cho các Trại, Phòng ở địa phương cùng tiến hành những việc như trên (tập trung tài liệu, chọn lọc, phân loại tài liệu) chỉ khác một điểm là tạm thời các cơ sở hãy phụ trách giữ và bảo quản loại II, báo cáo về Bộ và chờ chỉ thị mới của Bộ./.”

Văn bản nêu trên được soạn rõ ràng, mạch lạc, do Chánh Văn phòng thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Canh Nông ký ban hành, được giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

Đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng tầm quan trọng của công tác văn thư, lưu trữ nói chung và tài liệu lưu trữ nói riêng, vẫn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh đất nước có nhiều đổi thay.

L.Thuỷ - Anh Cao