Năm 2025 là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; năm có nhiều sự kiện trọng đại, ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Đây cũng là dịp Bộ, ngành Tổ chức nhà nước kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ và Ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945 - 28/8/2025); ôn lại truyền thống vẻ vang qua 80 năm xây dựng và phát triển; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước; thi đua lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Bộ Nội vụ lần thứ V, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI.
Đề cương tuyên truyền gồm các nội dung sau:
Phần I: Những chặng đường vẻ vang của Bộ Nội vụ và Ngành Tổ chức nhà nước
* Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Bộ Nội vụ:
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra Tuyên cáo và thông báo có 15 vị Bộ trưởng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Cơ cấu Chính phủ gồm 13 bộ, trong đó có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng. Từ đó, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, là ngày khai sinh của Bộ Nội vụ và đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức nhà
nước.
* Giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1954:
Dấu ấn nổi bật của Bộ Nội vụ đối với Chính phủ trong giai đoạn này là đã kịp thời tham mưu xây dựng, củng cố, bảo vệ thành công và phát huy tối đa công năng của hệ thống chính quyền cách mạng còn non trẻ thông qua việc phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt.
* Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975:
Thành tựu quan trọng của Bộ Nội vụ trong giai đoạn này là củng cố chính quyền nhân dân, xây dựng bộ máy nhà nước phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về tổ chức bộ máy của Bộ Nội vụ và của ngành đã có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Các công tác do Bộ Nội vụ chỉ đạo ở khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tập trung vàomột đầu mối tổ chức thống nhất lấy tên là Ban Tổ chức dân chính.Theo đó, hệ thống tổ chức nhà nước được tổ chức một cách hoàn chỉnh gồm: Bộ Nội vụ, các vụ tổ chức cán bộ ở các bộ, ngành và Ban Tổ chức dân chính ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Từ năm 1970 có sự thay đổi trong hệ thống tổ chức của ngành Tổ chức nhà nước, các chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác tổ chức nhà nước chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng. Năm 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được nhiều thắng lợi quyết định, để chuẩn bị cho một phương hướng chiến lược mới, chuẩn bị cho một Nhà nước thống nhất, ngày 20/2/1973, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/CP thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức, xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước trong tình hình mới. Sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), ngành Tổ chức nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công tác tổ chức và hoạch định chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong điều kiện thống nhất cơ chế, quản lý về tổ chức và nhân sự trên toàn quốc.
* Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2002:
Trong giai đoạn này, bộ máy nhà nước được xác lập bởi Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Đây là giai đoạn có nhiều khó khăn, thách thức khi tổ chức bộ máy nhà nước được chuyển đổi từ chế độ quản lý tập trung, kế hoạch hóa, bao cấp sang chế độ quản lý mới, xóa bỏ bao cấp, từng bước đổi mới bộ máy nhà nước phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Năm 1990, Ban Tổ chức của Chính phủ được đổi tên thành Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và được bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn với tư cách là cơ quan thuộc Chính phủ. Năm 1994 Từ một cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ đã trở thành một cơ quan ngang Bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước; công chức, viên chức nhà nước; lập hội quần chúng và tổ chức phi chính phủ; phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia. Với những đóng góp to lớn của ngành Tổ chức nhà nước đối với đất nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về ngày truyền thống ngành Tổ chức nhà nước, theo đó, Thủ tướng cho phép lấy ngày 28 tháng 8 hàng năm làm “Ngày truyền thống của ngành Tổ chức nhà nước” để ghi nhận đóng góp to lớn của ngành và động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành Tổ chức nhà nước nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
* Giai đoạn từ năm 2002 đến nay:
Năm 2002, Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ được đổi tên thành Bộ Nội vụ. Đây là thời kỳ mà Bộ Nội vụ, ngành Tổ chức nhà nước được Đảng, Nhà nước quan tâm, tin tưởng và giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Cương lĩnh, chiến lược của Đảng và Hiến pháp năm 2013 và là giai đoạn đổi mới và đẩy mạnh cải cách hành chính. Bộ, ngành Tổ chức nhà nước luôn bám sát định hướng, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trong các lĩnh vực công tác.
Tám mươi năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước không ngừng nỗ lực, rèn luyện, tiếp nối phấn đấu tạo nên truyền thống vẻ vang của Ngành. Đó là sự trung thành tuyệt đối với đường lối của Đảng, tận tụy vì sự nghiệp xây dựng đất nước vững mạnh, là ý chí quyết tâm, không chịu lùi bước trước mọi khó khăn, gian khổ, vững bước tiến lên. Với những thành tích đã đạt được, ngày 30/5/2005, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Quyết định số 535/2005/QĐ/CTN về việc tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho Bộ Nội vụ nhằm ghi nhận những công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
Phần II: Những bài học kinh nghiệm đối với Bộ Nội vụ và Ngành Tổ chức nhà nước
Trong chặng đường 80 năm xây dựng và phát triển, Bộ Nội vụ đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu của cách mạng qua từng thời kỳ lịch sử, đồng thời trực tiếp tham gia giải quyết nhiều công việc cụ thể được Đảng, Chính phủ giao phó trong lĩnh vực Tổ chức nhà nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Từ những kết quả đạt được, Bộ Nội vụ đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý giá và sâu sắc cho công tác của ngành Tổ chức nhà nước.
Phần III: Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ và Ngành Tổ chức nhà nước trong thời gian tới.
Cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đất nước ta đã và đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII là dấu mốc, là bước chuyển quan trọng, trong đó có vị trí, vai trò quan trọng của Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới đơn vị hành chính; cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tín ngưỡng, tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của bộ theo quy định của pháp luật,… Bộ Nội vụ có nhiệm vụ tham mưu cho Chính phủ xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Việc tổ chức thực hiện thành công mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng, là tiền đề vững chắc góp phần để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Với trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị và cũng là danh dự, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ và ngành Tổ chức nhà nước cần phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và cùng đoàn kết, phấn đấu để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao.
Đề cương kèm theo Phụ lục về Danh sách các Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Trưởng ban, Phó trưởng Ban Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ từ năm 1945 đến nay.
Xin mời xem toàn văn Đề cương tại File đính kèm.