Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày tờ trình Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), việc sửa đổi cơ bản các quy định về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hoá đầy đủ các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 (sau khi sửa đổi, bổ sung) nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 03 cấp như hiện nay (gồm: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thành 02 cấp (gồm: cấp tỉnh và cấp xã).
Dự thảo Luật gồm 07 Chương và 54 Điều, cơ bản kế thừa nguyên tắc tổ chức và nguyên tắc phân định thẩm quyền của Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung các quy định để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Trong đó, tập trung vào 04 nhóm vấn đề: (1) Sửa đổi các quy định liên quan đến việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; (2) Sửa đổi các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã; (3) Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức chính quyền địa phương; (4) Về hiệu lực thi hành và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương từ 03 cấp sang 02 cấp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành với các lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời tán thành việc xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hồ sơ dự án Luật bảo đảm đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo Luật như việc quy định Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Uỷ ban nhân dân cấp mình có đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở địa phương hay không?; việc quy định về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp xã; việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Uỷ ban nhân dân cấp xã bảo đảm phù hợp với yêu cầu, thực tiễn của địa phương và chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Ngoài ra, làm rõ thêm việc cụ thể hóa Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị về chỉ định các chức danh của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân khi sắp xếp các đơn vị hành chính; tiếp tục rà soát quy định chuyển tiếp trong dự thảo Luật và các quy định khác có liên quan để có thể bao quát được hết các trường hợp cần chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc của chính quyền cấp huyện khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp (không tổ chức cấp huyện), tránh bỏ sót, làm ảnh hưởng đến tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của của bộ máy chính quyền địa phương cũng như ảnh hưởng quyền lợi chính đáng và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn...
Tại Phiên họp, các đại biểu cũng được nghe ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi; Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải;...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động, tích cực, trách nhiệm trong việc chuẩn bị hồ sự dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đã tiến hành thẩm tra nghiêm túc, khẩn trương, thể hiện rõ quan điểm trên toàn diện các vấn đề Hồ sơ, Tờ trình nêu. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nội dung chính của dự án Luật, đề nghị Chính phủ căn cứ vào ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý một số nội dung: quy định Uỷ ban nhân dân cấp xã được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Uỷ ban nhân dân cấp mình; việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân cấp xã; việc tổ chức các cơ quan chuyên môn, đội ngũ công chức tham mưu giúp việc Uỷ ban nhân dân xã; cụ thể hóa Kết luận số 150-KL/TW của Bộ Chính trị; giải trình rõ hơn vấn đề cơ cấu Hội đồng nhân dân; vai trò của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; rà soát quy định về điều khoản chuyển tiếp đảm bảo đồng bộ với Hiến pháp và các luật liên quan được trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này;...
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn