Cần sửa đổi, hoàn thiện quy định và thực thi chính sách về thuốc lá mới

12/11/2024 11:27

Tỷ lệ người hút thuốc lá mới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng gia tăng đã nêu lên một thực tế cần phải sửa đổi, hoàn thiện quy định và thực thi chính sách về thuốc lá mới để kiểm soát và hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lá mới đặc biệt trong giới trẻ hiện nay

Bộ Y tế cho biết, năm 2019, khoảng 2,6% học sinh Việt Nam từ 13 đến 17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử (3,6% nam và 1,5% nữ). Năm 2022, tỷ lệ sử dụng ở vị thành niên là học sinh 13-15 tuổi là 3,5% (4,3% nam và 2,8% nữ).

Kết quả điều tra sơ bộ tại 11 tỉnh, thành phố trong năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở học sinh 13 đến 17 tuổi là 8,1%; tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành năm 2015 là 0,2% tăng lên 0,6% năm 2021.

Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) là 3,6%, cao nhất ở nhóm vị thành niên và thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,3%; tiếp đến là nhóm tuổi 25-44 (3,2%) và 45-64 tuổi (1,4%).

Đối mặt với sự gia tăng người sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ đã để lại những tác hại đối với sức khoẻ, môi trường, thiệt hại về kinh tế và để lại những hậu quả đối với xã hội. 

Để giải quyết vấn đề này, đã có rất nhiều các Hội nghị, hội thảo được tổ chức, đều nhấn mạnh tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe đồng thời khuyến cáo: việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới lưu thông trên thị trường sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. 

Các chính sách về thuốc lá như cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, hạn chế hay ban hành quy định cấm đối với thuốc lá mới,  các quốc gia đều gặp một số thách thức trong việc thực thi, khả năng ứng phó với tiến bộ công nghệ đổi mới sản phẩm, trong kiểm soát quảng cáo, bán hàng trực tuyến và năng lực quản lý, cấp phép hay giám sát cũng như yêu cầu đầu tư nguồn lực cao cho công tác quản lý nhà nước. Ở nhiều quốc gia, sau khi cho phép quản lý đã chứng kiến sự tăng nhanh tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ, phải chuyển từ quản lý sang cấm một số loại thuốc lá điện tử hoặc áp dụng quy định quản lý rất nghiêm ngặt.

Tại phiên chất vấn chiều ngày 11/11/2024, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn nội dung liên quan đến vấn đề tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và Bộ Y tế mong muốn Quốc hội ủng hộ cấm các loại hình thuốc lá mới. 

Trước câu hỏi Bộ Y tế đánh giá như thế nào về thực trạng và giải pháp kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Đại biểu Phạm Thị Kiều, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đang trong quá trình sửa đổi; Luật đã triển khai hơn 10 năm, khi xây dựng Luật chưa xuất hiện các loại thuốc lá mới như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Gần đây, đã có nhiều ý kiến về các sản phẩm thuốc lá mới. Trên cơ sở đánh giá thực tế, tham khảo WHO, các tổ chức liên quan, Bộ Y tế khẳng định quan điểm: Tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, tính mạng người dân, nhất là giới trẻ.

Bộ Y tế đã có điều tra tình hình sử dụng các sản phẩm này ở người trưởng thành, điều tra theo từng nhóm tuổi cụ thể và nhu cầu sử dụng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tập trung cao nhất ở độ tuổi 15-24 tuổi. Đặc biệt, việc sử dụng các sản phẩm này trong giới trẻ, nhất là ở trẻ em gái tăng lên. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh (13-15 tuổi) tăng từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023)…

Trên quan điểm là cơ quan bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề xuất thời gian tới sẽ có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong kiểm soát thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để đảm bảo sức khỏe cho người dân. Theo đó, Bộ Y tế đã có báo cáo Quốc hội liên quan đến việc cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (sửa đổi) được xem xét, thông qua.
Ngoài ra, Bộ trưởng mong muốn, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, các đại biểu cân nhắc nội dung tính thuế với thuốc lá. Nếu tính thu được 1 đồng thuế thuốc lá, mà mất 5 đồng để giải quyết sức khỏe người dân; chưa kể, các hệ lụy gây ra với sức khỏe, thể chất của thế hệ trẻ tương lai. Vì vậy, Bộ Y tế mong muốn Quốc hội ủng hộ cấm các loại hình thuốc lá mới.
 

Hạnh Phạm