Toàn cảnh Cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Nội vụ ngày 10/02/2023. Ảnh: moha.gov.vn
Theo đó, ngày 15/02, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký Quyết định số 84/QĐ-BNV về việc ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ năm 2023.
19 mục tiêu cụ thểThứ nhất, bổ sung ít nhất một kênh số khác ngoài Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận phản ánh kiến nghị phục vụ người dân, doanh nghiệp thuận tiện tương tác.
Thứ hai, nâng câp Cổng thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, chuyển đổi công nghệ sang IP v6 bảo đảm an toàn thông tin và nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng.
Thứ ba, tích hợp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị vào Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ để đạt ít nhất 80% hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh trực tuyến và 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Thứ tư, cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc lĩnh vực tôn giáo được cá thể hoá trong quá trình tiếp cận, thực hiện và trả kết quả.
Thứ năm, có Chuyên trang chuyển đổi số thường xuyên cung cấp, cập nhật tin bài về chuyển đổi số như công nghệ số, bài học kinh nghiệm.... với tần suất tối thiểu 1 tuần/1 lần phục vụ nâng cao nhận thức và triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Thứ sáu, đảm bảo 100% các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có dữ liệu dùng chung hiện có được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành Nội vụ thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ (LGSP).
Thứ bảy, đảm bảo 100% các thông tin tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương không sử dụng báo cáo giấy (trừ báo cáo mật) được tổng hợp trực tuyến qua trục liên thông dữ liệu LGSP, thông qua việc cấp tài khoản SSO của Bộ Nội vụ, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống nghiệp vụ chuyên ngành.
Thứ tám, hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Thứ chín, đảm bảo 100% hệ thống thông tin sử dụng dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức.
Thứ mười, triển khai đầy đủ nội dung hướng dẫn về an toàn thông tin đối với từng hệ thống thông tin và các thiết bị đầu cuối. Đảm bảo 100% hệ thống thông tin đã triển khai được phê duyệt hồ sơ cấp độ trong Quý I/2023 và triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt hoàn thành muộn nhất trong Quý III, đặc biệt triển khai gấp đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức và Trung tâm tích hợp dữ liệu. Đảm bảo 100% máy trạm được cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Tổ chức tối thiểu 01 cuộc diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng trong năm 2023.
Thứ mười một, hoàn thiện nền tảng quản trị công việc tổng thể cho phép người sử dụng (tất cả cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ) đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt, đồng bộ các chức năng về thư điện tử, văn bản điện tử, lịch làm việc, họp trực tuyến, đôn đốc, nhắc việc, chia sẻ tệp tin và các chức năng khác hỗ trợ công vụ.
Thứ mười hai, chuyển đổi số trong việc thực hiện đánh giá công tác chuyển đổi số của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trên phần mềm và kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống của quốc gia.
Thứ mười ba, số lượng cán bộ kiêm nhiệm về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng của các đơn vị thuộc và trực thuộc bộ chiếm tối thiểu từ 3 cán bộ trở lên, trong đó thủ trưởng làm Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số trừ các trường hợp đặc biệt.
Thứ mười bốn nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của Bộ phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kiểm soát, cung cấp dịch vụ hạ tầng tối ưu với hiệu năng cao của các đơn vị trong Bộ.
Thứ mười năm, đổi mới công tác quản lý đảng viên, 100% đảng viên được quản lý trên hệ thống điện tử.
Thứ mười sáu, kho Lưu trữ tri thức phục vụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát huy giá trị tài liệu nhằm hỗ trợ các nhà quản lý, người làm lưu trữ và người dân, doanh nghiệp tra cứu thông tin tài liệu nhanh chóng, kịp thời. Bảo đảm công bố dữ liệu đặc tả và số hóa đạt 50% tài liệu lưu trữ có tần suất sử dụng cao tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, không thuộc danh mục hạn chế sử dụng để tổ chức sử dụng trên môi trường mạng.
Thứ mười bảy, đưa vào khai thác, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp ngành Nội vụ và Trung tâm điều hành thông minh Bộ Nội vụ (IOC), tích hợp đầy đủ dữ liệu chuyên ngành Nội vụ phục vụ hỗ trợ, giám sát, chỉ đạo điều hành các hoạt động của Bộ Nội vụ trên cơ sở dữ liệu cập nhật tự động, thời gian thực.
Thứ mười tám, 100% văn bản trao đổi giữa Bộ Nội vụ với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử và được ký số bởi chữ ký chuyên dùng trừ các văn bản có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Thứ mười chín, 100% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn, bồi dưỡng phổ cập kiến thức, kỹ năng số cơ bản; 80% cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Nội vụ được tập huấn về an toàn thông tin.
Để hoàn thành được các mục tiêu cụ thể, Kế hoạch cũng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: (1) Nhận thức số; (2) Hoàn thiện môi trường pháp lý; (3) Phát triển hạ tầng số; (4) Phát triển nền tảng, dữ liệu số; (5) Nhân lực số; (6) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Mời xem toàn văn Quyết định số 84/QĐ-BNV và Kế hoạch tại FILE đính kèm:
Anh Cao