Đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt
Theo đó, Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nội vụ.
Học viện Hành chính Quốc gia là đơn vị sự nghiệp hạng đặc biệt, là trung tâm quốc gia thực hiện các chức năng đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kiến thức, kỹ năng về hành chính, về lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học hành chính; tham mưu và tư vấn cho Bộ Nội vụ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.
Học viện Hành chính Quốc gia có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội và có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là National Academy of Public Administration, viết tắt là NAPA.
14 nhiệm vụ, quyền hạn
Quyết định nêu rõ, Học viện Hành chính Quốc gia (Học viện) có các nhiệm vụ:
Thứ nhất, về bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: a) Giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ tổ chức thực hiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về hành chính và quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật; b) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật; c) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ theo quy định của pháp luật; d) Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp sư phạm cho giảng viên quản lý nhà nước trong hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu; đ) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ quản trị, hành chính, quản lý nhà nước cho lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các đối tượng trong doanh nghiệp nhà nước; e) Tham gia nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu, chất lượng bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, đề xuất phương hướng đổi mới và nâng cao chất lượng bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước và nền công vụ; g) Tổ chức tập huấn về nghiệp vụ quản lý đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Thứ hai, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định của Luật Giáo dục đại học và pháp luật hiện hành.
Thứ ba, về nghiên cứu khoa học: a) Nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước và khoa học chính sách phục vụ công tác giảng dạy của Học viện; b) Nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức, chính sách công, chiến lược, biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển; c) Tham gia xây dựng các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước khi được cấp có thẩm quyền giao.
Thứ tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng, trao đổi học thuật, nghiên cứu khoa học hành chính, quản lý nhà nước và các lĩnh vực liên quan.
Thứ năm, tổ chức biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; xây dựng, ban hành và phát triển các chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo đại học, sau đại học theo quy định của pháp luật.
Thứ sáu, quản lý phôi và cấp các loại văn bằng, chứng chỉ thuộc lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo quy định của pháp luật.
Thứ bảy, thực hiện công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện theo phân công của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và theo quy định của pháp luật.
Thứ tám, xuất bản và phát hành tạp chí, bản tin, các ấn phẩm khoa học, giáo trình, tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học hành chính và quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thứ chín, quyết định và chỉ đạo thực hiện Chương trình cải cách hành chính đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc Học viện.
Thứ mười, thực hiện công tác kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong các lĩnh vực hoạt động của Học viện và theo quy định của pháp luật.
Thứ mười một, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và số người làm việc; thực hiện các chế độ, chính sách; đào tạo, bồi dưỡng; thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với viên chức và người lao động của Học viện theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Thứ mười hai, quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.
Thứ mười ba, phối hợp với các đơn vị của Bộ Nội vụ xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy chế và các văn bản quy phạm pháp luật khi được cấp có thẩm quyền giao.
Thứ mười bốn, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của cấp có thẩm quyền và theo quy định của pháp luật.
Cơ cấu tổ chức
Về cơ cấu tổ chức, Học viện gồm 21 đơn vị: 1. Văn phòng. 2. Ban Tổ chức cán bộ. 3. Ban Kế hoạch - Tài chính. 4. Ban Hợp tác quốc tế. 5. Ban Quản lý bồi dưỡng. 6. Ban Quản lý đào tạo. 7. Khoa Hành chính học. 8. Khoa Nhà nước và Pháp luật. 9. Khoa Quản lý xã hội. 10. Khoa Quản lý kinh tế. 11. Khoa Quản trị nhân lực. 12. Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng. 13. Khoa Khoa học liên ngành. 14. Khoa Ngoại ngữ - Tin học. 15. Viện Nghiên cứu khoa học hành chính. 16. Tạp chí Quản lý nhà nước. 17. Trung tâm Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. 18. Trung tâm Công nghệ và Thư viện. 19. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh. 20. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Miền Trung. 21. Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên.
Ban Giám đốc Học viện gồm Giám đốc và không quá 4 Phó Giám đốc. Giám đốc Học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Các Phó Giám đốc Học viện do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Học viện.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
Anh Cao