Ảnh minh họa (Nguồn: moha.gov.vn)
Theo quy định, các loại Kỷ niệm chương về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ gồm: Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Tổ chức nhà nước”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thi đua, Khen thưởng”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quản lý nhà nước về Tín ngưỡng, Tôn giáo”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn thư, Lưu trữ”.
Kỷ niệm chương chỉ xét tặng một lần cho cá nhân, không có hình thức truy tặng. Cá nhân trong quá trình công tác có thể được tặng nhiều loại Kỷ niệm chương. Việc xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự xét và trao tặng Kỷ niệm chương được quy định tại Thông tư này, đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai và kịp thời.
Bộ Nội vụ xét tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của các ngành và xét tặng đột xuất đối với các trường hợp đặc biệt.
Tiêu chuẩn và điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương
Đối với cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 6, hoạt động chuyên trách từ đủ 15 năm trở lên và hoạt động kiêm nhiệm từ đủ 20 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm. Trường hợp được cử đi học tập hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì thời gian đi học, đi làm nghĩa vụ quân sự được tính là thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương. Trường hợp cá nhân không công tác liên tục thì thời gian xét tặng Kỷ niệm chương được cộng dồn thời gian thực tế cá nhân công tác trong ngành Nội vụ. Hệ số quy đổi giữa hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm được tính như sau: 1 năm hoạt động chuyên trách bằng 1,5 năm hoạt động kiêm nhiệm; 1 năm hoạt động kiêm nhiệm bằng 0,67 năm hoạt động chuyên trách. Đối với các cá nhân công tác trong ngành Nội vụ có thời gian của mỗi ngành, lĩnh vực không đủ thời gian xét tặng Kỷ niệm chương thì tổng thời gian công tác trong ngành Nội vụ của cá nhân đó được tính để xét tặng Kỷ niệm chương. Cá nhân được xét tặng loại Kỷ niệm chương tại thời điểm đề nghị.
Đối với các cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 6, lãnh đạo cac Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bí thư, Phó Bí thư Thường trực; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phụ trách một trong 04 lĩnh vực/ngành của Bộ Nội vụ); lãnh đạo các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập; lãnh đạo Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: có thời gian giữ chức vụ từ 01 nhiệm kỳ trở lên.
Lãnh đạo và thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương: kiêm nhiệm từ 01 nhiệm kỳ trở lên; lãnh đạo và thành viên Hội đồng Thi đua, khen thưởng cấp Bộ, cấp tỉnh: kiêm nhiệm từ 02 nhiệm kỳ trở lên.
Lãnh đạo các sở, ban ngành ở địa phương (cấp trưởng và phó phụ trách một trong 04 lĩnh vực của Bộ Nội vụ); lãnh đạo các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh (Bí thư, Phó Bí thư Thường trực; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phụ trách một trong 04 lĩnh vực/ngành của Bộ Nội vụ: có thời gian giữ chức vụ từ 02 nhiệm kỳ trở lên).
Đối với các cá nhân thuộc đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 6, có thành tích xuất sắc trong việc củng cố quan hệ hợp tác, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành hoặc lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020./.
Xem toàn văn Thông tư số 14/2019/TT-BNV: Tại đây
Anh Cao