BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Thông tư hướng dẫn xác định nguồn chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở

Ngày 23/7/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2019 của Chính phủ.

Thông tư nêu rõ về nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP trong năm 2019 của các Bộ, cơ quan Trung ương. Theo đó, đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, nguồn kinh phí gồm: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có). Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có). Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.

Ngân sách Trung ương bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan Trung ương trong trường hợp các nguồn kinh phí theo quy định nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định.

Theo Thông tư, nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP trong năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính. Sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao. Sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và các đơn vị sự nghiệp công lập (do thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập). Sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2018 chưa sử dụng hết (nếu có). 

Sử dụng nguồn còn dư (nếu có) sau khi bảo đảm nhu cầu điều chỉnh tiền lương đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng, từ các nguồn: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2017 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính; Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2018 tăng thêm so với dự toán năm 2017 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính; Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019; riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều này; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) dự toán năm 2019 so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương nguồn kinh phí còn thiếu sau khi đã sử dụng các nguồn theo quy định.

Đối với các địa phương có nguồn kinh phí theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này lớn hơn nhu cầu kinh phí theo quy định tại Điều 2 Thông tư này, các địa phương tự bảo đảm phần kinh phí thực hiện; phần chênh lệch lớn hơn sử dụng để chi trả thay phần ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (giảm tương ứng phần ngân sách trung ương phải hỗ trợ theo chế độ) theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020.

Các cơ quan hành chính được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên, các cơ sở giáo dục đại học công lập tiếp tục được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện tự chủ theo tinh thần của Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017: Đơn vị được quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và tự bảo đảm nguồn kinh phí điều chỉnh mức tiền lương cơ sở từ nguồn thu của đơn vị, bao gồm cả nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng (nếu có).

Kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của hệ thống công đoàn các cấp được đảm bảo từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn; không tổng hợp vào nhu cầu kinh phí thực hiện tiền lương, trợ cấp tăng thêm của các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cán bộ thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm từ nguồn chi quản lý bộ máy theo quy định.

Kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP đối với biên chế, lao động trong các cơ quan, đơn vị đang thực hiện khoán chi mà trong quyết định khoán chi của cấp có thẩm quyền quy định trong thời gian khoán, cơ quan, đơn vị tự sắp xếp trong mức khoán để đảm bảo các chế độ, chính sách mới ban hành (ví dụ: cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, Đài Truyền hình Việt Nam), được bảo đảm trong tổng nguồn kinh phí đã được khoán…

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06/9/2019./.

Xem toàn văn Thông tư: Tại đây


Anh Cao